Kịch bản vui
Đúng như dự báo, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam đã tăng ngay từ tháng đầu năm, với mức tăng tới 157,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức vốn giải ngân cũng tăng đáng kể, 23% so với cùng kỳ.
Trong Báo cáo nghiên cứu kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2015 của Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM) vừa công bố chiều qua (28/1), xu hướng này đang và tiếp tục sẽ là chủ đạo cả ở dòng vốn FDI và tư nhân trong nước do triển vọng đầu tư và môi trường kinh doanh thông thoáng hơn.
Công nghiệp khai khoáng đang đóng góp một tỷ lệ không nhỏ trong tăng trưởng kinh tế. |
"Điều quan trọng nhất là chúng tôi nhìn thấy sự tăng trưởng kinh tế đang đi cùng với sự cải thiện về niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói. Tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP đã tăng liên tục, từ 30,6% trong quý I/2015 đến 34,1% trong quý IV/2015. Điểm tích cực là hoạt động đầu tư trong năm 2015 ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ từ khu vực tư nhân - dân cư trong nước và khu vực có vốn FDI, với mức tăng tương ứng là 13% và 19,9%. Chỉ tính riêng quý IV/2015, đầu tư của khu vực dân cư và tư nhân trong nước tăng gần 17,9% so với cùng kỳ năm 2014, trong khi mức tăng tương ứng của doanh nghiệp FDI lên tới 36,7%.
Đây là lý do mà các chuyên gia CIEM tin rằng, Việt Nam bước vào năm 2016 với nhiều lạc quan. Thực ra, cũng không có nhiều lấn cấn về niềm tin này, khi kết thúc năm 2015, kinh tế vĩ mô ổn định và được củng cố ngày một vững chắc hơn. Tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh và liên tục qua các quý, đồng thời cho thấy dư địa để tiếp tục khởi sắc.
Đặc biệt, một bộ máy điều hành mới cũng sẽ sớm được thiết lập, đưa Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với cải cách trong giai đoạn 2016 - 2020 cũng đã được các chuyên gia kinh tế CIEM nhắc đến.
Và những mối lo
Tuy vậy, ông Cung vẫn chưa thực sự an tâm khi cho rằng, những thành tựu về ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian vừa qua, mới chỉ là nền tảng bước đầu.
“Việt Nam cần khẩn trương tiến hành các cải cách sâu rộng hơn về nền tảng kinh tế vĩ mô, hệ thống pháp lý nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất - kinh doanh”, ông Cung nói và nhắc tới bối cảnh kinh tế thế giới không hẳn đã thuận cho sự hồi phục nhanh chóng của kinh tế Việt Nam. Đó là, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn kỳ vọng, đặc biệt là xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi như ở Trung Quốc, Brazil…
Cũng phải nhắc đến những thay đổi mà giới phân tích kinh tế đang gọi là “thời kỳ chuyển sang trạng thái bình thường mới của các nước thuộc nhóm BRICs”, đặc biệt là Trung Quốc, mà thực chất là những thay đổi cơ cấu về kinh tế, xã hội sâu sắc, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế năm 2015 có trở lại nhưng chưa phải thực sự phục hồi. “Đằng sau sự tăng trưởng đó là mức tăng tương đối cao do công nghiệp và xây dựng, mà công nghiệp khai khoáng đóng góp một tỷ lệ không nhỏ. Yếu tố về chất chưa rõ, vẫn thiên về lượng. Lạm phát thấp chủ yếu do cầu chưa phục hồi và giá cả bên ngoài giảm”, ông Cung phân tích.
Tuy vậy, điều mà doanh nghiệp kỳ vọng nhất trong năm 2015 là giảm lãi suất ngân hàng, tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ khi lạm phát ở mức thấp lại chưa như kỳ vọng.
“Chúng tôi gọi đây mà “món nợ” của Chính phủ với doanh nghiệp. Đáng ra, với mức lạm phát thấp như vậy, doanh nghiệp có quyền được hưởng một mức lãi suất thấp hơn hiện tại để tranh thủ cơ hội phục hồi”, ông Cung nói.
Lý do được phân tích là vì nợ xấu vẫn chưa ra khỏi nền kinh tế và bội chi quá cao, buộc Chính phủ phải huy động trái phiếu, làm tăng cầu và giá của đồng vốn đang khan hiếm. Đương nhiên, hệ lụy mà doanh nghiệp phải gánh là tăng chi phí vốn, chi phí sản xuất và giảm năng lực cạnh tranh.
Mối lo của các chuyên gia CIEM cũng đặt nhiều ở nông nghiệp. Những khó khăn về giá, sự suy giảm của thị trường thế giới và phương thức sản xuất lạc hậu, chậm thay đổi của nông nghiệp Việt Nam đang đẩy lĩnh vực từng được coi là “bệ đỡ của nền kinh tế Việt Nam khi gặp khủng hoảng” vào thế bấp bênh.
“Thậm chí, nếu không có những chuyển đổi mạnh mẽ, đây sẽ là lĩnh vực phát sinh nhiều vấn đề đáng lo ngại”, ông Cung nói.
Thông điệp về việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại được Báo cáo nhấn mạnh nhiều lần.
Cụ thể, Việt Nam cần chủ động đẩy mạnh một cách thực chất hơn quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tự do hóa thị trường, tạo thuận lợi cho kinh doanh, khuyến khích và cải thiện năng lực công nghệ gắn với tăng năng suất bền vững – ngay cả trước khi các yêu cầu này trở thành cam kết chính thức theo các điều ước hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Báo Đầu Tư