Ở khu Chợ Lớn (các quận 5, 6 và 11) không khó để tìm ra các cơ sở kinh doanh, các hàng quán lâu đời, dạng cha truyền con nối, có tuổi đời lên đến trăm năm.
Một cô bạn người Hà Tĩnh, biên tập viên của một đài truyền hình ở Sài Gòn, kể: “Sáng nay chạy vội đi làm không kịp ăn sáng bèn ghé một xe bánh mì trên đường mua ổ bánh đem vào cơ quan lót dạ. Lúc nhận bánh thì mới phát hiện để quên bóp ở nhà. Xin lỗi và gửi trả lại ổ bánh mì thì người bán mỉm cười xua tay bảo: “Thôi đi làm cho kịp giờ, khi nào ghé trả cũng được. Nếu quên thì tặng luôn”.
Cô bạn kết thúc câu chuyện: “Chỉ Sài Gòn mới có lối ứng xử hào hiệp đến như vậy”.
Đường Hải Thượng Lãn Ông trong không khí ngày cận Tết. |
Cạnh tranh lành mạnh
Ông Hà Minh, làm nghề khắc con dấu trên đường chuyên khắc dấu Phùng Hưng, quận 5 cho biết: “Không phải cùng một mặt hàng là bị cạnh tranh, mất khách đâu, mà khách còn đông hơn trước. Giống như ở đây, khách cần làm con dấu là tìm tới khu này. Chỗ nào phục vụ tốt, uy tín thì có khách đông thôi”.
Người Tiều Châu có câu: “ka kẹ nắn”, có nghĩa là “người của mình”. Một khi đã nhận nhau là “ka kẹ nắn”, họ dốc hết tâm sức ra giúp mà không nề hà.
Chị Trần Mỹ Liên, nhân viên văn phòng ở một công ty may Đài Loan, kể rằng năm ngoái cũng vào dịp sắp Tết, chị định buôn bán ngoài giờ làm để kiếm thêm. Chị tìm đến một lò chuyên bán bánh tổ – một loại bánh Tết của người Hoa, để mua bánh về bán.
Chủ lò yêu cầu phải đặt bánh trước và đặt cọc tiền. Nhưng khi chủ lò nghe chị Liên chỉ đường xong cho một người bằng tiếng Tiều thì tỏ vẻ ngạc nhiên: “Ủa? Lứa là ka kẹ nắn hả?” (lứa: nhân xưng ngôi thứ hai, số ít). Thế là sau đó chị Liên được ưu ái không cần đặt hàng hay đặt cọc gì hết.
Chất lượng không thay đổi
Ở khu Chợ Lớn (các quận 5, 6 và 11) không khó để tìm ra các cơ sở kinh doanh, các hàng quán lâu đời, dạng cha truyền con nối, có tuổi đời lên đến trăm năm. Nào là xe hủ tíu Tường Ký 100 năm ở quận 6, quán cơm Tuyền Ký ở quận 11 của người Hẹ trải qua ba đời cũng tầm 60 – 70 năm, các quán chè, cà phê vợt tuổi đời từ 35 – 60 năm… Các hàng quán này vẫn giữ hương vị và chất lượng không thay đổi, mặc dù trải qua bao tháng năm.
Ông Hà Kim Thuỷ, 70 tuổi, người Tiều Châu kể hồi đó ông làm nhân viên phục vụ ở một tiệm nước rất đông khách ở gần nhà. Sáng nào tiệm cũng nghẹt cứng khách vì tiệm có kỹ thuật pha cà phê vợt rất độc đáo mà hiện nay vẫn chưa có ai làm được.
Kỹ thuật pha cà phê của tiệm này là một tay cầm vợt cà phê, một tay cầm ấm nước sôi, vừa châm nước vừa xoay cái vợt, sao cho cà phê trong vợt tròn vo như quả bóng. Sau đó, “quả bóng cà phê” nổ “bụp” một tiếng thì hương cà phê toả ra ngào ngạt. Mặc dù khách đợi nhưng người pha cà phê vẫn tỉ mỉ làm đúng từng công đoạn để cho ra ly cà phê ngon đúng điệu.
Kiên nhẫn với khách hàng
Anh Trần Minh Trung, quận 11 còn nhớ vào khoảng thập niên 1990, có đôi vợ chồng tầm 50 tuổi tìm đến nhà anh đặt ép các bóng đèn xe gắn máy. Họ yêu cầu chất lượng nhựa phải thật tốt, mẫu mã sắc nét và mỗi tuần chỉ lấy 500 cái.
Sau một hồi thảo luận, cha anh đồng ý nhận làm. Đôi vợ chồng thật thà cho biết: “Thiệt tình tụi tui cũng mới thử làm mặt hàng này nên không dám đặt nhiều. Đã đi nhiều chỗ rồi mà không ai nhận”.
Sau vài đợt giao hàng đầu tiên, đôi vợ chồng khách hàng vui mừng báo tin họ đã nhận được đơn hàng đặt 50.000 cái trong một tháng. Và sau đó, tất cả các sản phẩm linh kiện xe gắn máy về nhựa của họ đều được giao cho gia đình anh Trung sản xuất.
Theo TGTT