Báo cáo vĩ mô vừa được Công ty chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) công bố cho hay, sau khi liên tục duy trì sự mở rộng của sản xuất trong suốt 24 tháng, chỉ số PMI (phản ánh điều kiện sản xuất) của Việt Nam đã suy yếu từ cuối quý 3/2015 khi lùi về quanh mức 49-50 điểm, thấp hơn đáng kể so với các con số của cùng thời điểm 2014.
Việc lĩnh vực sản xuất chững lại trong những tháng cuối năm được đánh giá là tín hiệu không tốt khi thời điểm này, theo yếu tố mùa vụ, thường là cao điểm của sản xuất để đáp ứng nhu cầu vào dịp cuối năm. Trong đó, một phần nguyên nhân, theo VCBS, là do ảnh hưởng bởi những diễn biến không thuận lợi trên thế giới, đặc biệt là những tín hiệu không tích cực từ nền kinh tế Trung Quốc.
Nói cách khác, tác động tiêu cực từ sự giảm tốc của kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bộc lộ ngày một rõ nét lên nền kinh tế Việt Nam – nhóm phân tích đánh giá.
Lĩnh vực sản xuất và đầu tư tư nhân nội địa của Việt Nam, vốn phục hồi chưa mạnh và chưa bền vững sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn và thử thách do ảnh hưởng từ kinh tế Trung Quốc |
Vể xuất nhập khẩu, sau 3 năm xuất siêu liên tiếp, Việt Nam đã ghi nhận nhập siêu trở lại trong năm 2015 với giá trị nhập siêu ước đạt 3,2 tỷ USD. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 162,4 tỷ USD, trong đó khối FDI tăng 13,8% so với cùng kỳ và khối doanh nghiệp trong nước giảm 3,5% so cùng kỳ (năm 2014 tăng 10,4%).
VCBS cho rằng, việc tăng trưởng xuất khẩu suy giảm một phần do giá cả hàng hóa nguyên liệu ở mức thấp, đặc biệt là dầu thô, và mặt khác cho thấy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là của các doanh nghiệp nội địa, đang chịu áp lực cạnh tranh lớn trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và việc giảm giá mạnh đồng nội tệ của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhóm phân tích dự báo cán cân thương mại 2016 sẽ thâm hụt khoảng 2 - 3 tỷ USD.
Cũng theo VCBS, kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ và có độ mở lớn nên sẽ khá nhạy cảm với những biến động trên thị trường thế giới.
Trong khi đó, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc là khá lớn. Hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và kim ngạch xuất khẩu vẫn đang có xu hướng tăng. Trong năm 2015, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 49,3 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 12,9% so với năm 2014.
Về xuất khẩu, Trung Quốc tiếp tục đứng thứ 4 về thị trường xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 17 tỷ USD, tăng mạnh 13,8% so với năm 2014.
Với tín hiệu khá rõ về sự giảm tốc của nền kinh tế, theo VCBS, Trung Quốc có thể “xuất khẩu khủng hoảng” sang những quốc gia khác, đặc biệt là những nước có quan hệ thương mại lớn và gần gũi về mặt địa lý, trong đó có Việt Nam.
Lĩnh vực sản xuất và đầu tư tư nhân nội địa của Việt Nam, vốn phục hồi chưa mạnh và chưa bền vững sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn và thử thách.
Vấn đề Trung Quốc được nhìn nhận là yếu tố đáng kể tác động xấu đến sự ổn định và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2016 và tạo ra thách thức trong việc điều hành chính sách. “Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh rủi ro từ phía Trung Quốc là một yếu tố cần theo dõi sát sao trong 2016” – bản báo cáo cho hay.
Tại bản báo cáo này, VCBS cũng đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2016 nhiều khả năng sẽ thấp hơn 2015 và đạt khoảng 6,3% - 6,4%.
Theo Dân Trí