Theo nhận định của nhiều chuyên gia Việt Nam gia nhập TPP sẽ tăng cường đầu tư nước ngoài và nhu cầu phát triển cho các công ty nước ngoài thành lập tại Việt Nam, mở văn phòng đại diện hoặc có đại diện thương mại tại Việt Nam sẽ gia tăng nhu cầu về mặt bằng văn phòng tiêu chuẩn quốc tế.
Những tổ chức quốc tế thường khá ưa chuộng những khu văn phòng tiêu chuẩn hạng A ở khu trung tâm. Trong khi đó, nội đô lại đang khan hiếm nguồn cung này. Do đó, đón đầu cơ hội này, thị trường Hà Nội sẽ xuất hiện nhiều tân binh với những mô hình mới.
Nguồn cung nội đô khan hiếm
Trong báo cáo đưa ra thị trường hôm 22/10, CBRE nhận định, khi Việt Nam gia nhập TPP, nhu cầu về văn phòng dự kiến sẽ tăng mạnh để đáp ứng các yêu cầu của các công ty nước ngoài và người nước ngoài. Trong khi đó, nguồn cung văn phòng chất lượng cao tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang rất hạn chế.
Đặc biệt là tại Hà Nội, không có nguồn cung văn phòng hạng A mới nào được ghi nhận kể từ đầu năm 2015. Điều này khiến giá thuê hạng A tăng nhẹ 0,3% từng quý. Xét về tình hình thị trường, các tòa nhà Hạng A ghi nhận mức cải thiện đáng kể về tỷ lệ lấp đầy, đạt 82% tính đến cuối quý III/2015, tương ứng với thêm 3.800 m² văn phòng Hạng A đã được hấp thụ trong quý.
Nhiều khách thuê mới là các doanh nghiệp nước ngoài, chiếm phần lớn trong số khách hỏi thuê mà CBRE thu thập được trong quý. Bên cạnh đó, CBRE cũng nhận thấy rằng các khu vực trở thành điểm đến thu hút đối với các công ty đang tìm kiếm văn phòng thường có chung một đặc điểm là giao thông kết nối thuận tiện tới các khu vực khác nhau của thành phố và có chất lượng văn phòng được khách thuê hiện tại đánh giá cao.
Theo Luật sư Tan Heng Thye, điều hành Văn phòng luật sư CSP Legal LLC (Singapore), trong quá trình tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm văn phòng hạng A ở Việt Nam ông thấy nhu cầu rất lớn, và họ cần hình thức thuê linh hoạt thay vì cách truyền thống.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi mới đặt chân vào Việt Nam thành lập văn phòng đại diện mới chỉ có 2-3 nhân viên làm việc, mang tính thăm dò thị trường là chủ yếu. Tùy thực tế họ có thể tiếp tục phát triển việc kinh doanh tại Việt Nam hoặc nếu không thuận lợi có thể thu hẹp hoặc đóng cửa văn phòng.
Họ than phiền mất quá nhiều thời gian và chi phí để tìm kiếm và thiết lập một văn phòng truyền thống. Khi cần mở rộng/thu hẹp hay đóng cửa cũng phiền hà không kém.
Mô hình văn phòng mới có lợi thế
Vì thế mà có nhiều tòa nhà đang đi theo mô hình mới để đáp ứng nhu cầu linh hoạt trên. Đơn cử như Skyline Serviced Offices, nằm ở tầng cao nhất tòa tiêu chuẩn quốc tế Prime Centre ở phố Quang Trung, HN. Mô hình văn phòng ở đây được chia thành nhiều diện tích nhỏ chỉ từ 8-10m2, dành cho 1-8 người làm việc.
Điều đặc biệt là các phòng đều được trang bị các thiệt bị khá hiện đại, từ nội thất, máy móc văn phòng, thiết bị công nghệ thông tin và các giải pháp viễn thông như điện thoại, đường truyền internet chất lượng cao, vệ sinh, nước uống và lễ tân đa ngôn ngữ. Khách hàng chỉ cần mang máy tính vào là có thể làm việc ngay.
Loại văn phòng “mini” còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng ở các nền kinh tế phát triển lại rất phổ biến, và tăng trưởng mạnh. Đa phần loại hình văn phòng như Skyline thường phải lựa chọn khu vực trung tâm, địa điểm có “view” đẹp, thoáng đãng, thiết kế vách kính nhìn được toàn cảnh thành phố. Đồng thời còn cung cấp dịch vụ văn phòng ảo với các gói như đăng ký địa chỉ giao dịch kinh doanh, chuyển tiếp điện thoại liên lạc cũng như phòng họp sang trọng để tiếp đối tác.
Chẳng hạn ở Hong Kong, ra đời năm 2009, Compass hiện có gần 20 khu văn phòng dịch vụ ở Hong Kong và khoảng 30 văn phòng cho thuê tại 13 nước trên thế giới.
Một yếu tố không thể bỏ qua với khách thuê văn phòng là giá cả. Thoạt nhìn vào những con số, văn phòng truyền thống tạo ra cảm giác có chi phí thấp hơn so với văn phòng dịch vụ do giá thuê tính trên mỗi m2 thấp hơn.
Tuy nhiên, với những doanh nghiệp có đặc điểm như văn phòng đại diện, chi nhánh của các công ty đặt tại Hà nội có mô hình nhỏ thì lựa chọn văn phòng dịch vụ như Skyline, Compass, thậm chí kể cả các tòa chung cư có office-tel lại tiết kiệm chi phí và hiệu quả hơn.
Doanh nghiệp không tốn phí cho các diện tích chung như khu vực lễ tân, nơi tiếp khách, nơi để máy photocopy, máy in, chỗ để tủ lạnh, bàn uống nước… Doanh nghiệp cũng không mất chi phí để đầu tư cơ sở hạ tầng và những phòng họp rộng với hệ thống video conferencing tốn kém mà chỉ sử dụng mỗi tháng một đôi lần.
Theo Tri Thức Trẻ