Công ty In Trần Phú, một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về công nghệ in trên giấy sẽ tiến hành IPO vào ngày 23/11 tới đây.
Theo phương án đã được phê duyệt, In Trần Phú có vốn điều lệ sau cổ phần hóa là 283,25 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước chỉ còn nắm giữ 20% cổ phần tại công ty; chào bán 38,69% cổ phần cho cổ đông chiến lược là công ty TNHH Đầu tư BĐS Phú Cường; chào bán công khai 38,69% cổ phần và số cổ phần còn lại được dành cho cán bộ CNV.
Đáng chú ý, công ty TNHH Đầu tư BĐS Phú Cường, nhà đầu tư chiến lược của In Trần Phú cũng là cổ đông chính của BRG Group, tập đoàn nổi tiếng với những thương vụ đầu tư chiến lược vào Thăng Long GTC, Intimex…do bà Nguyễn Thị Nga làm chủ tịch. Bà Nga cũng đồng thời là chủ tịch của Ngân hàng Seabank.
Tổ chức tư vấn cổ phần hóa cho In Trần Phú, công ty chứng khoán ASEAN Securities, cũng là một công ty liên quan đến bà Nga.
Phiên IPO tới đây của In Trần Phú đã có 17 nhà đầu tư đăng ký đấu giá (3 nhà đầu tư tổ chức, 14 nhà đầu tư cá nhân) với tổng khối lượng đặt mua là 29,58 triệu cổ phần, gấp gần 3 lần lượng chào bán phần nào đã cho thấy sức hấp dẫn lớn của In Trần Phú với giới đầu tư.
Kết quả kinh doanh “bình lặng”
Được thành lập từ năm 1945 với các sản phẩm chủ lực gồm in nhãn hàng, lịch block, sách báo, tạp chí…, đến nay danh sách các khách hàng của In Trần Phú gồm rất nhiều tên tuổi lớn như Coop-mart, Metro, BigC, Lotte, Thế giới di động, Sabeco, VBL….
Năm 2014, In Trần Phú ghi nhận doanh thu 402 tỷ đồng, LNST 23,68 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8,6% và 14,5% so với cùng kỳ 2014.
Dù có một năm 2014 tăng trưởng khá tốt nhưng nhìn chung, KQKD In Trần Phú trong những năm gần đây tương đối ổn định, không có nhiều đột biến với sản lượng trung bình đạt 45 tỷ trang in công nghiệp/năm, doanh thu khoảng 400 tỷ đồng, LNST trên 200 tỷ đồng và kế hoạch kinh doanh đặt ra trong giai đoạn 2015- 2019 cũng không có quá nhiều thay đổi lớn so với hiện tại.
KQKD trong những năm qua hay kế hoạch kinh doanh những năm tới của In Trần Phú phần nào thể hiện sự chững lại của ngành kinh doanh khi những sản phẩm in truyền thống ngày càng bị cạnh tranh gay gắt. Dù sở hữu công nghệ in được đánh giá hiện đại tại Việt Nam nhưng nếu chỉ dựa vào yếu tố này thì có lẽ chưa đủ để hấp dẫn nhà đầu tư.
Theo phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, In Trần Phú vẫn tiếp quản và sử dụng 6 lô đất theo hình thức thuê trả tiền hàng năm tại TP.HCM với tổng diện tích trên 19.200 m2. Trong đó có khá nhiều khu đất “đắc địa” tại Quận 1, trung tâm thành phố.
Quỹ đất "vàng" của In Trần Phú |
Một điểm đáng chú ý, các lô đất số 6 Thi Sách có diện tích hơn 5.000 m2 hay 31-33 Lê Thánh Tôn với diện tích gần 3.000 m2, vốn là phân xưởng sản xuất của công ty đã được cấp phép xây dựng tổ hợp khách sạn, căn hộ, TTTM.
Cả 2 dự án trên được quản lý và thực hiện bởi 2 công ty liên doanh của In Trần Phú là CTCP Dịch vụ và Thương mại Pioneer (sở hữu 26% vốn điều lệ) và CTCP Tư vấn và Thương mại dịch vụ Trí Minh (sở hữu 26% vốn điều lệ).
Để thực hiện dự án, In Trần Phú đã mua lại lô đất của Công ty TNHH Thương mại Phước Hưng với diện tích 10.000 m2 tại số 130-131 Kha Vạn Cân, Thủ Đức, TP.HCM nhằm xây dựng nhà xưởng mới, thay thế cho nhà xưởng cũ trong khu đất “vàng” tại Quận 1.
Ngoài 2 lô đất số 6 Thi Sách và 31-33 Lê Thánh Tôn đã được cấp phép, khu đất 35-37-39 Lý Tự Trọng cũng đã được thống nhất chủ trương hợp khối phần diện tích nhà của In Trần Phú để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp và TTTM. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang trong quá trình thực hiện và chưa có phương án di dời cơ sở nhà đất của In Trần Phú.
Sau cổ phần hóa, nhà nước chỉ còn nắm giữ 20% cổ phần tại In Trần Phú sẽ mở ra cơ hội cho nhà đầu tư tham gia, thậm chí có thể nắm quyền chi phối tại công ty. Sẽ không quá bất ngờ nếu phiên IPO vài ngày tới đây, nhà đầu tư sẽ sẵn sàng trả giá cao hơn nhiều so với mức giá khởi điểm 10.100đ/cp để có thể "khai thác" hơn 9.000 m2 đất “vàng” tại trung tâm TP.HCM.
Theo Tri Thức Trẻ