Thậm chí, nhiều trường hợp đang hợp thức hóa cho sai phạm trong khi Hà Nội có cả nghìn thanh tra xây dựng.
Càng phạt càng xây cao
Dự án tòa nhà hỗn hợp Thăng Long cao 27 tầng ở tổ 50 phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) đang là điển hình cho tình trạng vi phạm trật tự xây dựng càng xử phạt càng xây cao.
Được biết, ngày 15/1/2009, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định thu hồi 4.846m2 đất tại phường Yên Hòa giao cho Công ty TNHH Thăng Long để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và văn phòng cho thuê cao 17 tầng.
Nhưng khi tiến hành thi công thay vì thực hiện theo hồ sơ đã được phê duyệt thì chủ đầu tư này đã tìm cách xin nâng chiều cao từ 17 tầng lên 27 tầng và thay đổi chức năng của tòa nhà (từ trụ sở làm việc và văn phòng thành tòa nhà hỗn hợp, căn hộ chung cư).
Tòa nhà 8B Lê Trực điển hình cho sai phạm về trật tự xây dựng giữa thủ đô. |
Chưa dừng lại ở đấy, sau khi được hợp thức hóa việc nâng tầng, chuyển đổi công năng, thời gian gần đây công trình này lại tiếp tục sai phạm và bị đình chỉ thi công. Cụ thể theo thông tin tìm hiểu so với hồ sơ thiết kế được duyệt hiện công trình xây tăng thêm hàng trăm mét vuông diện tích sàn xây dựng, tăng thêm mật độ xây dựng, xây thêm các hạng mục như bể bơi...
Điều đáng nói, hiện chủ đầu tư là Công ty TNHH Thăng Long tiếp tục đề nghị xin được điều chỉnh để hợp thức hóa cho hàng loạt sai phạm trên.
Mới đây Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có văn bản ngày 17/8/2015 với nội dung: “Công trình tòa nhà hỗn hợp thuộc dự án trụ sở văn phòng làm việc, dịch vụ công cộng và nhà ở tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, khi được điều chỉnh phương án thiết kế một phần diện tích sàn trụ sở văn phòng làm việc của công trình sang nhà ở và bố trí bể bơi trên tầng mái là đủ điều kiện để trình phê duyệt…”. Như vậy, công trình sẽ lại được tiếp tục được xây dựng?
Có vị cán bộ cho rằng, nhiều quận của Hà Nội như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, hàng loạt cao ốc đua nhau mọc lên nhưng “đụng đâu sai đấy”. Thậm chí, có cao ốc xây dựng không phép ngay cạnh trụ sở của cơ quan chính quyền. Đơn cử tòa nhà Lod ở số 38 đường Trần Thái Tông (cạnh UBND phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) do Công ty Phúc Lộc làm chủ đầu tư.
Theo quan sát hiện công trình đã đến 11 tầng, chưa kể tầng hầm nhưng chưa có giấy phép xây dựng. Cũng như các công trình xây dựng sai phép, không phép khác, cao ốc này đã được cơ quan từ phường đến quận kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công.
Thế nhưng thay vì chấp hành, chủ đầu tư ngang nhiên cho máy móc vào tự ý phá dỡ, thay đổi kết cấu của công trình gây bức xúc cho người dân. Và mới đây ngày 2/10, sau nhiều lần xử lý, cơ quan chức năng mới đình chỉ được việc xây dựng tại dự án này.
Hợp thức cho sai phạm
Với hàng loạt công trình xây dựng sai phạm hiện nay trên địa bàn Hà Nội, câu hỏi đặt ra không chỉ dừng lại ở việc xử lý mà về trách nhiệm của lực lượng chức năng. Bởi ngoài các lực lượng chức năng khác, hiện Hà Nội có khoảng 1.600 thanh tra Xây dựng được rải đều từ cấp thành phố đến phường, xã.
Hà Nội cũng đã đưa ra hàng loạt quy định, quy định rõ trách nhiệm từng cấp, từng lực lượng. Thế nhưng nhiều vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra, từ xây dựng không phép, sai quy hoạch, sai phép, lấn chiếm không gian, mật độ xây dựng, xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp.
Theo kết quả giám sát của HĐND thành phố tại các quận, huyện cho thấy, vi phạm trật tự xây dựng diễn ra rất phổ biến, có nhiều địa phương ghi nhận số vi phạm những tháng đầu năm 2015 đã khá cao, thậm chí cao hơn cả con số của cả năm 2014 như Đan Phượng (72 trường hợp), Thanh Trì (135 trường hợp), Hà Đông (48 trường hợp), Bắc Từ Liêm (115 trường hợp), Chương Mỹ (89 trường hợp)…
Một lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng khi đề cập về tình trạng xây dựng sai phép, không phép tại Hà Nội cho rằng, căn cứ quan trọng của việc cấp phép xây dựng là quy hoạch 1/500, trong đó phải có thiết kế đô thị. Tất cả những thông số, điều kiện phải rõ ràng, công khai cho người dân cho doanh nghiệp biết khi cấp phép xây dựng.
Thực tế, cùng một tuyến phố nhưng có người được cấp giấy phép xây dựng 10 tầng, có người thì chỉ được cấp 5 đến 7 tầng, dẫn đến tình trạng xin - cho, nhiều trường hợp xây dựng sai phép, xây dựng vượt tầng trong khi chính quyền không xử lý cương quyết.
“Công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng rõ ràng, minh bạch thì chỉ cần một nửa trong số 1.600 Thanh tra xây dựng làm việc hết trách nhiệm của mình, xử lý nghiêm vi phạm ngay từ đầu thì không có chuyện công trình sai phép nhiều như hiện nay”, vị cán bộ này nói.
Tại Hội nghị giao ban công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trước đây, ông Trần Trọng Dực, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra lý do khiến Hà Nội tái phát nạn xây nhà sai phép. Theo ông Dực, thay vì xử lý, các cơ quan chức năng lại chụm vào hợp thức hóa sai phạm, làm theo yêu cầu của chủ đầu tư.
Trong 9 tháng đầu 2015, qua kiểm tra đã phát hiện trên 2.000 công trình vi phạm (không phép 627 trường hợp; sai phép 407 trường hợp…). Thanh tra xây dựng đã tham mưu cho chính quyền cơ sở ban hành trên 1.000 quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng với số tiền hàng tỷ đồng.
Theo Zing