Khảo sát của PV, đến đầu quý IV/2015, cục diện thị trường bất động sản TP.HCM không còn là cuộc đua song mã của khu Đông và khu Nam mà bắt đầu hình thành thế chân vạc (phát triển 3 hướng), đón nhận thêm nhiều hàng hóa ở phía Tây thành phố.
Nếu trong đầu năm 2015, các quận - huyện: 12, Tân Phú, Bình Tân, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh (thuộc khu vực phía Tây TP HCM) hầu như im ắng thì từ tháng 10/2015 trở đi địa bàn này đã nhộn nhịp trở lại. Một trong những động lực thúc đẩy thị trường nhà ở phía Tây ấm lên là do kỳ vọng vào sức hút của tuyến metro số 2.
Sôi động hơn cả là trục chính Tây với điểm sáng là quận Tân Phú có nguồn cung tăng tốc rất nhanh, trùng hợp với quy hoạch tuyến metro số 2 sẽ đi qua các trục giao thông huyết mạch của quận. Công ty cổ phần Sơn Thuận đã tái khởi động và chào bán 1.136 căn hộ Southern Dragon tọa lạc ngay mặt tiền đường Âu Cơ sau nhiều năm tạm ngưng. Dự án Celadon City quy mô gần 8.600 căn đã dồn dập tăng các đợt mở bán từ nửa cuối năm 2015. Cùng địa bàn này Idico xả hàng 740 sản phẩm trên đường Trịnh Đình Thảo - Lũy Bán Bích.
Ngay cả đại gia chuyên phát triển bất động sản cao cấp tại khu Đông - Nam như Novaland cũng không bỏ lỡ thị phần phía Tây TP HCM. Doanh nghiệp này vừa khởi công dự án quy mô gần 2.000 căn trên đường Hòa Bình trong tháng 11/2015. Trước đó Công ty Hưng Thịnh đã kịp gửi thông điệp áp sát thị trường phía Tây bằng sản phẩm mới là dự án Melody Residence, hứa hẹn cung cấp cho khu vực này 700 căn hộ trong vòng 2 năm tới.
Thống kê sơ bộ của VnExpress, hiện nay, chỉ tính riêng quận Tân Phú (hướng chính Tây TP.HCM) có gần 30 dự án nhà ở, trong đó 50% đã hoàn thành, 40% đang triển khai xây dựng và 10% trong tình trạng tạm dừng hoặc chưa thi công.
Một dự án nằm ở phía Tây TP.HCM tọa lạc ngay trung tâm quận Tân Phú. |
Quận Bình Tân, một điểm sáng khác của trục chính Tây cũng ghi nhận thêm nguồn cung mới. Đầu quý IV năm nay, Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng Bình Chánh (BCCI) đã cùng đối tác ra mắt khu phức hợp Western Dragon. Dự án sẽ đưa ra thị trường gần 500 căn hộ thuộc Khu dân cư An Lạc - Bình Trị Đông. Vốn là đại gia sở hữu quỹ đất lớn tại phía Tây TP.HCM, BCCI cũng lên kế hoạch công bố thêm hàng hóa ra thị trường trong thời gian tới.
Trong khi đó, nguồn cung mới nhất của khu Tây Bắc là chuỗi căn hộ Depot Metro Tower tọa lạc tại quận 12, vừa được Công ty Thanh Yến Land chào bán cuối tháng 10/2015. Dự án nằm gần trạm dừng của tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), ngay tâm điểm kết nối giao thông của quận 12 với quận Tân Bình, Gò Vấp và Tân Phú.
Các trục Tây Bắc, Tây Nam theo thống kê của Cushman & Wakefield Việt Nam đến cuối quý III/2015 có khoảng 4.000 căn hộ trên thị trường sơ cấp, tăng trưởng nhẹ về số lượng so với đầu năm. Căn hộ chưa được phát triển nhiều tại khu này vì xu hướng phát triển mạnh mảng nhà phố, tài sản gắn liền với đất quy mô nhỏ đang lấn lướt.
Đánh giá về sự tăng tốc nguồn cung nhà ở của khu Tây TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, Đoàn Chí Thanh cho biết: "Thị trường nhà ở phía Tây đã xuất hiện dấu hiệu tăng tốc từ giữa cuối năm 2015, một phần là nhờ tâm lý kỳ vọng tuyến metro số 2 được xây dựng. Tiềm năng của địa bàn này hứa hẹn rất hấp dẫn trong thời gian tới".
Ông Thanh phân tích, khu vực phía Tây thành phố do đặc thù có nguồn lao động nhập cư lớn nên nhu cầu nhà ở mở rộng ở phân khúc trung bình, sức mua lớn, giá trị sản phẩm ở ngưỡng trên dưới một tỷ đồng. Sự khác biệt lớn so với khu Đông - Nam, nơi chuyên phát triển bất động sản cao cấp phục vụ giới đầu tư và tầng lớp trung lưu trở lên sẽ tạo cho thị trường phía Tây đặc tính chậm nhưng chắc, bền vững hơn vì đa phần phục vụ nhu cầu thật.
Lợi thế lớn của bất động sản phía Tây TP.HCM là có khả năng cạnh tranh tốt về giá so với phần còn lại của thị trường. Khu vực phía Tây thành phố có nguồn cung nhà ở thấp nhất 14,5 triệu đồng/m2 và cao nhất không quá 25 triệu đồng/m2. Mức giá căn hộ phổ biến nhất tại đây là 15-17 triệu đồng/m2, nếu diện tích vừa phải, thiết kế thông minh thì sản phẩm vừa túi tiền với nhiều người.
Trưởng phòng Nghiên cứu & Tư vấn Cushman & Wakefield Việt Nam, Trần Ngọc Chi đánh giá, khu Tây TP.HCM là một trong những khu vực tập trung dân số đông nhất thành phố.
Địa bàn này có lưu lượng xe cao, dẫn đến các tuyến đường lớn thường quá tải vào các giờ cao điểm. Các quận huyện phía Tây tập trung đa số dân nhập cư hoặc lao động có thu nhập ở ngưỡng từ trung bình trở xuống. Thêm vào đó, khoảng cách từ khu Tây đến trung tâm TP.HCM tương đối xa đã khiến địa bàn này không nhận được nhiều sự quan tâm từ giới đầu tư và đầu cơ như tại khu Đông và Nam. "Tuy nhiên, quan niệm này sẽ dần thay đổi khi các bất động sản thương mại bắt đầu dàn trải ra khu vực này một khi hệ thống tàu điện ngầm đi vào hoạt động", bà Chi nhấn mạnh.
Theo nữ chuyên gia này, bất động sản khu Tây đang dần thu hút các nhà đầu tư khi tuyến metro số 2 được dự kiến sẽ sớm khởi động. Các dự án tại quận 12 được hấp thụ tương đối tốt, và mức giá bán lại chênh lệch (thấp hơn) so với phần còn lại của thị trường giúp sức hấp dẫn của thị trường đang tăng lên. "Chúng tôi tin rằng cùng với sự khởi động của tuyến đường sắt đô thị và giá cả hợp lý, bất động sản khu Tây TP.HCM sẽ trở thành đối trọng xứng tầm với khu Nam, thậm chí là khu Đông trong tương lai", bà Chi dự báo.
Theo VNE