Khu Bình Quới - Thanh Đa liệu sắp tới liệu có thoát treo?. |
Mới đây, UBND TP.HCM đã duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa (quận Bình Thạnh) với tổng mức đầu tư khái toán là 29.922 tỷ đồng. Chủ đầu tư mới được dự đoán sẽ là tập đoàn Bitexco, đơn vị đã được thành phố giao thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 của dự án.
Thông tin này mang đến nhiều hi vọng cho hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án suốt hơn 20 năm qua. Được biết, dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa được phê duyệt từ năm 1992, đã qua một lần đổi chủ đầu tư. Dự án bị treo suốt thời gian qua khiến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng bởi không thể xây dựng nhà cửa, hệ thống hạ tầng giao thông không được đầu tư. Tuy nhiên, câu chuyện của Bình Quới – Thanh Đa chỉ là một ví dụ điển hình cho rất nhiều dự án treo trường kỳ khác trên địa bàn TP.HCM.
Sau một cơn mưa lớn, con đường đất dẫn vào cù lao Ấp Doi (phường 15, quận Gò Vấp) lầy lội, những vũng sình lầy choán hết cả lối đi. Nhiều người đi xe máy ái ngại không dám chạy qua, số khác chạy nhưng cũng rất vất vả, bánh xe sục sùi trong sình lầy, chỉ một tích tắc tay lái không vững là có thể té chỏng chơ. Được biết, từ năm 1995, cù lao Ấp Doi đã được quy hoạch thành công viên cây xanh với diện tích gần 40ha. Tuy nhiên, gần 20 năm qua, người ta vẫn chưa thể nhận ra được “hình hài” của nó.
Bên cạnh dòng kênh nước đen kịt, bốc mùi hôi thối, những ngôi nhà tạm bợ của người dân ọp ẹp, cũ nát. Trên nền một số ngôi nhà vẫn còn dấu tích của xà bần, tường gạch bị đập bỏ. Ông T, một người dân cho biết, đó là dấu vết của những ngôi nhà trước đây xây lên nhưng bị buộc phải phá bỏ vì dự án trong quy hoạch không được xây dựng. Cũng theo ông T, mặc dù biết không được xây mới nhưng do gia đình đông con, ngôi nhà đang ở quá chật hẹp xuống cấp nên nhiều người dân làm liều xây mới. Thế nhưng, chưa xây xong thì chính quyền xuống buộc tháo dỡ.
Dự án treo nhiều năm, người dân Ấp Doi phải chịu nhiều thiệt thòi. |
Dự án khu phức hợp Đầm Sen (phường 3, quận 11) được xem là một trong những dự án có tuổi treo lâu năm nhất trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ năm 1983, UBND TP.HCM giao Công viên văn hóa Đầm Sen cho quận 11, với diện tích 55ha để làm khu phức hợp Đầm Sen. Được biết, năm 2008 Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI) đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên sau đó quyết định này bị hủy bỏ.
Năm 2012, Công ty cổ phần quốc tế C&T được cho là sẽ được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án, thế nhưng đến UBND thành phố vẫn chưa có quyết định chính thức. Trong khi đó, những hộ dân bị ảnh hưởng của dự án vẫn phải tiếp tục chờ đợi. Cuộc sống của họ vẫn sẽ khó khăn khi nhà cửa lâu năm xuống cấp, không giao dịch buôn bán gì được.
Công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi) là một trong những dự án “khủng” với diện tích đất lên đến 485ha có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD. Dự án có chức năng nhân giống, bảo tồn, trưng bày các loài thú quý hiếm của thế giới cũng là công viên du lịch sinh thái của thành phố. Thế nhưng, dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy suốt 11 năm qua, khiến cho hàng trăm hộ dân đứng ngồi không yên vì đất đai bị bỏ hoang hóa nhiều năm trong khi người dân không thể canh tác, trồng trọt.
Theo một chuyên gia bất động sản, sở dĩ hàng loạt dự án bị treo nhiều năm qua có nguyên nhân từ nhiều hướng. Thứ nhất đó là khả năng của chủ đầu tư dự án đó không đảm bảo, dự án có quy mô và vốn đầu tư lớn nên chỉ nhận đất rồi không có khả năng thực hiện, thứ hai đó là do ảnh hưởng của thị trường thời điểm khó khăn và một nguyên nhân quan trọng nữa đó là thủ tục pháp lý xin làm dự án còn chậm trễ, nhiêu khê, nhiều dự án phải chờ mất mấy năm vẫn chưa thể xong các thủ tục.
Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), trên toàn thành phố hiện có 1.219 dự án nhưng có tới 405 dự án chưa khởi công xây dựng. Trong số 325 dự án đã khởi công, có đến 97 dự án đã phải tạm ngưng triển khai. Tính cả các dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công thì số lượng lên đến 502 dự án, chiếm 41%. Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã có yêu cầu rà soát và xem xét thu hồi hàng trăm dự án bất động sản chậm tiến độ, hoặc bị treo nhiều năm trời.