Một trong những dự án của REE tại Q4 |
Kinh doanh thủy điện không gì lo lắng bằng vào mùa khô, điều này chắc các cổ đông của công ty cơ điện lạnh REE hiểu rõ. Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, mùa khô trong năm nay đến sớm và rất khắc nghiệt ngay những tháng đầu năm. Điều này mang đến thách thức cho các nhà máy thủy điện trong việc duy trì hoạt động, trong đó có các nhà máy thủy điện mà REE đang đầu tư như Thủy điện Thác Bà, Thác Mơ. Thậm chí, nguồn nước cung cấp cho các doanh nghiệp cấp nước cũng có thể bị ảnh hưởng.
El Nino vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo ghi nhận của cơ quan nghiên cứu khí tượng của Mỹ là NOAA Climate.gov thì hiện tượng khí hậu ấm này vẫn đang mạnh ở khu vực Nhiệt đới của Thái Bình Dương. Mặc dù vậy, một số dấu hiệu bắt đầu cho thấy El Nino sẽ trở nên dịu hơn vào đầu mùa hè và kết thúc vào mùa thu năm nay.
Cộng với các sai số dự báo và độ trễ của diễn biến thời tiết, có thể chỉ đến cuối năm nay các nhà máy thủy điện mới có thể mỉm cười trở lại.
Nhưng nỗi lo về nguồn nước thủy điện chỉ mới là một trong số những điều đang xảy ra tại REE. Một thách thức khác chính là diễn biến tăng giá mạnh của đồng Yên từ cuối năm ngoái đến nay có nguy cơ gây ra các khoản lỗ lớn cho các doanh nghiệp mà REE đang đầu tư.
Cụ thể, tại Nhiệt điện Phả Lại (PPC) nơi REE đang sở hữu 22,35% cổ phần, chi phí tài chính năm ngoái của doanh nghiệp này đã tăng hơn 412% so với năm trước do diễn biến bất lợi của tỉ giá. Điều này góp phần khiến lợi nhuận trước thuế giảm mạnh đến 60% so với năm trước đó.
Tính đến cuối năm 2015, PPC đang gánh 23,2 tỉ vay nợ bằng đồng Yên. Việc đồng Yên tiếp tục tăng giá mạnh từ đầu năm đến nay (tăng từ mức 187 lên gần mức 196 VND/JPY) đang gây áp lực lớn khi đánh giá lại các khoản lỗ tỉ giá của PPC vào kết quả kinh doanh quý 1 năm nay.
Điều may mắn xảy ra đối với PPC trong năm nay là dây chuyền 2 sản xuất sẽ không còn phải khấu hao nữa, giúp PPC tiết kiệm được chi phí lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Điều dễ thấy là các doanh nghiệp năng lượng và tiện ích hạ tầng điện nước trong doanh nục đầu tư của REE có thể mang lại suất sinh lợi ổn định trong dài hạn khi nhu cầu của các lĩnh vực thiết yếu này vẫn đang rất lớn cũng như nhà nước đang thực hiện lộ trình thị trường hóa các sản phẩm. Mặc dù vậy, đây cũng là những lĩnh vực khó có thể trông cậy vào các khoản lợi nhuận đột biến.
Một mảng khác, mảng điện lạnh của REE là gặp nhiều thách thức nhất so với các mảng khác. Theo phân tích của công ty chứng khoán HVS Việt Nam, các sản phẩm điều hòa mang thương hiệu Reetech của REE khó lòng cạnh tranh nổi với các thương hiệu nước ngoài đến từ Nhật, Hàn Quốc vốn ngày càng phổ biến ở Việt Nam.
Nếu như các năm trước khi nhắc đến REE, người ta sẽ nói đây là ông kẹ trong các công trình cơ điện (M&E), nhưng tình hình đã thay đổi. Thị trường M&E hiện đang cạnh tranh rất quyết liệt từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thậm chí một số nhà thầu Nhật còn sử dụng các doanh nghiệp cơ điện của quốc gia mình khi thực hiện các dự án xây dựng tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, đây vẫn là ngành mà cốt lõi mà REE có lợi thế lớn nhất trong số các linh vực hiện có. Quý 4 năm ngoái, REE cũng đã thành công trong việc giành được 2 hợp đồng cơ điện với hai dự án Union Square (tên mới của tòa nhà Vincom A) và Ngôi nhà Đức TP.HCM. Theo ghi nhận của công ty chứng khoán Phú Hưng, hai hợp đồng này có thể mang lại cho REE khoản doanh thu 600 tỉ đồng. Sự sôi động của thị trường bất động sản cũng sẽ mang lại cơ hội tốt cho REE trong năm nay nhưng điều này cũng chỉ là dự kiến.
Trong 2015, doanh thu hợp nhất của REE gần như đứng yên, trong khi chi phí tăng mạnh đã khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 888 tỉ đồng, giảm mạnh hơn 19% so với năm trước đó.
Để lấy lại phong độ, có lẽ REE sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ván cờ bất động sản. Mảng kinh doanh văn phòng của REE đang kinh doanh rất tốt khi tỉ lệ lấp đầy gần đạt 100%. REE cũng đang triển khai dự án Etown Central tại quận 4 với tổng vốn đầu tư lên tới 1.200 tỉ đồng.
Một khi dự án này hoàn thành, tổng diện tích văn phòng cho thuê của REE sẽ tăng thêm 33% với 35.000m2. Nhưng trước mắt, dự án này không mang lai nguồn thu cho REE bởi theo kế hoạch, nó chỉ hoàn thành vào quý 1/2017.
Không loại trừ trong bối cảnh khó khăn, REE sẽ tiếp tục sử dụng công cụ M&A để giữ vững tốc độ tăng trưởng. Lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền vào cuối năm 2015 của REE lên tới hơn 1.400 tỉ đồng, giúp REE có sức mạnh tài chính đáng kể để thực hiện các thương vụ M&A quy mô lớn.
Mục tiêu thâu tóm có thể là các doanh nghiệp điện, nước hay các doanh nghiệp bất động sản. Năm ngoái, REE đã từng tham gia đấu thầu mua lại khách sạn Kim Liên (Hà Nội) nhưng không thành công trước tập đoàn Xuân Thành của Bầu Thụy nhưng tham vọng sở hữu thêm dự án địa ốc của REE chắc chắn không vì thế mà dừng lại.
Theo NĐH