Theo trang Business Insider, xu hướng này đã khiến các nhà làm luật của Mỹ cảm thấy lo ngại.
Những thương vụ nổi bật trong mấy tháng qua phải kể tới vụ tập đoàn General Electric (GE) bán lại mảng sản xuất thiết bị gia dụng cho tập đoàn Haier; công ty Zoomlion của Trung Quốc chào mua công ty sản xuất thiết bị nâng vật nặng Terex Corp. hay Tổng công ty Hóa chất Trung Quốc (ChemChina) thâu tóm hãng sản xuất hạt giống và thuốc trừ sâu Thụy Sỹ Syngenta với mức giá kỷ lục 48 tỷ USD.
Gần đây nhất, một công ty con thuộc tập đoàn HNA Group của Trung Quốc tuyên bố sẽ mua lại công ty phân phối công nghệ Ingram Micro với giá 6 tỷ USD.
Tuy nhiên, thương vụ gây căng thẳng nhất đến thời điểm này có lẽ là vụ một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc do công ty Chongqing Casin Enterprise (CCEG) dẫn đầu chào mua Sở Giao dịch Chứng khoán Chicago (CSE).
Một viên cảnh sát đang làm nhiệm vụ trên đường phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc. |
Từ đầu năm đến nay, đã có 102 thỏa thuận mua bán và sáp nhập (M&A) của các công ty Trung Quốc với mục tiêu là doanh nghiệp nước ngoài được công bố, với tổng trị giá 81,6 tỷ USD - theo dữ liệu của Dealogic. Cả số thương vụ và giá trị đều đã tăng mạnh so với 72 thương vụ và giá trị 11 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.
Giới phân tích cho rằng, các vụ công ty Trung Quốc thâu tóm công ty nước ngoài sẽ còn được đẩy nhanh trong thời gian tới. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và mức giá rẻ của các công ty nước ngoài do sự sụt giảm của thị trường chứng khoán thời gian gần đây là cơ sở cho dự báo như vậy.
“Với sự giảm tốc của nền kinh tế, các công ty Trung Quốc ngày càng tìm đến nhiều hơn với các thị trường mới để đảm bảo sự tăng trưởng của mình”, ông Vikas Seth, trưởng bộ phận các thị trường mới nổi thuộc ngân hàng Credit Suisse, phát biểu.
Một cuộc khảo sát do công ty luật O’Melveny & Myers thực hiện mới đây cho thấy tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Mỹ là nhân tố chính khiến nước này trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp Trung Quốc.
Gần một nửa số công ty Trung Quốc tham gia cuộc khảo sát trên nói Mỹ là thị trường đầu tư hấp dẫn nhất. Nhưng cũng có tới 47% cảm thấy luật và các quy định của Mỹ là một rào cản lớn. Và đây là một đánh giá chuẩn xác.
Tuần trước, 45 nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã ký vào một lá thư gửi Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) thuộc Bộ Tài chính nước này, hối thúc thực hiện một “cuộc điều tra đầy đủ và cặn kẽ” về vụ thâu tóm sàn chứng khoán Chicago.
“Thương vụ này sẽ là lần đầu tiên một công ty thuộc sở hữu Trung Quốc, có khả năng chịu ảnh hưởng từ Chính phủ, có được quyền tiếp cận trực tiếp với thị trường chứng khoán quy mô 22.000 tỷ USD của Mỹ”, lá thư viết. “Hiện chưa rõ mức độ ảnh hưởng của Chính phủ Trung Quốc đối với CCEG, nhưng công ty này có liên quan đến một số lĩnh vực ngành quan trọng của Trung Quốc đòi hỏi mối quan hệ gần gũi với Chính phủ”.
CFIUS có quyền phủ quyết đối với những thỏa thuận bị cho là sẽ gây ảnh hưởng xấu đối với an ninh quốc gia Mỹ. Gần đây, cơ quan này đã chặn đứng vụ bán lại bộ phận sản xuất bóng đèn của hãng Philips cho một nhóm nhà đầu tư châu Á. Tuy nhiên, lý do phủ quyết thương vụ này không được công bố.
“Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu CFIUS không quan tâm xem xét thương vụ này”, luật sư Anne Salladin thuộc công ty luật Stroock & Stroock nói về thương vụ sàn chứng khoán Chicago.
Cũng trong tuần trước, công ty sản xuất chất bán dẫn Fairchild Semiconductor có trụ sở ở California (Mỹ) đã từ chối lời chào mua của hai công ty Trung Quốc là China Resources và Hua Capital.
Hai công ty này có sự hẫu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc, đã trả giá 2,6 tỷ USD với mong muốn thâu tóm Fairchild, nhưng không được chấp thuận vì Fairchild bày tỏ lo ngại không vượt qua được rào cản pháp lý. Thay vào đó, Fairchild chấp nhận lời chào mua với mức giá thấp hơn của một công ty Mỹ.
Không phải công ty Trung Quốc nào thực hiện thương vụ thâu tóm ở nước ngoài cũng là doanh nghiệp quốc doanh, nhưng các công ty này cần nhận được sự ủng hộ của Bắc Kinh mới có thể hoàn tất việc mua lại ở nước ngoài. Đó là do các công ty này cần được phê chuẩn để có đủ ngoại tệ thanh toán cho thương vụ mua lại - một vấn đề mà Chính phủ Trung Quốc theo dõi chặt chẽ.
Bởi vậy, từ số lượng và giá trị “khủng” của các thương vụ mà doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện ở nước ngoài năm nay, có thể thấy Chính phủ Trung Quốc đang ủng hộ mạnh hoạt động này. Và đó có thể chính là lý do khiến Quốc hội Mỹ lo ngại.
Theo VnEconomy