Chợ truyền thống vẫn thống lĩnh thị trường Việt

Thứ ba, 23/02/2016, 16:08
Dù những đại gia trong ngành bán lẻ các nước “đổ bộ”, số lượng doanh nghiệp (DN) Việt trong cuộc chơi này còn ít ỏi nhưng chợ truyền thống vẫn khó bị thay thế bởi kênh mua sắm hiện đại trong nhiều năm tới

Theo bà Võ Thị Phương Mai, phụ trách Bộ phận Bán lẻ, Công ty tư vấn Cushman & Wakefield Việt Nam, tại Việt Nam mà áp dụng 100% mô hình bán lẻ ở nước ngoài vào sẽ tốn rất nhiều thời gian và chưa chắc thành công, vì thói quen sinh hoạt, tiêu dùng, hệ thống giao thông, cơ sở vật chất chưa hỗ trợ hình thức mua sắm hiện đại. Người Việt Nam thích tiện lợi, sẵn đâu mua đó, sức mua nhỏ nên mô hình chợ truyền thống vẫn chiếm đến 80% hoạt động thương mại nội địa.

Bà Võ Thị Phương Mai

Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về làn sóng vốn ngoại ồ ạt đổ vào thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua,  phải chăng lĩnh vực này đầy hấp dẫn và liệu xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) có tiếp tục mạnh mẽ thời gian tới?

Bà Võ Thị Phương Mai: Về tiềm năng của thị trường Việt Nam đã được rất nhiều chuyên gia đề cập. Nhìn chung, từ các yếu tố như kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, GDP đang tăng trưởng tốt, lãi suất thấp, dân số trẻ, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất khu vực, sức mua đang tăng lên cũng như các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã gia nhập gần đây.

Những yếu tố này đã thu hút khá nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đến thị trường. Bộ phận tư vấn và cho thuê bán lẻ của Cushman & Wakefield cũng nhận được khá nhiều yêu cầu nghiên cứu thị trường, khảo sát thói quen mua sắm và tìm mặt bằng cho các thương hiệu bán lẻ nước ngoài trong thời gian qua.

Các hoạt động M&A là xu hướng tất yếu của thị trường và sẽ tiếp tục trong thời gian tới cho thấy các nhà bán lẻ nước ngoài thật sự quan tâm đến thị trường Việt Nam và muốn gia nhập thị trường một cách nhanh nhóng. Tuy nhiên, thói quen sinh hoạt, mua sắm của người dân chưa gắn liền với các hình thức bán lẻ hiện đại mà vẫn chuộng kênh mua sắm ở chợ truyền thống - một thách thức đối với DN bán lẻ nước ngoài, kể cả khi họ đã mua lại các công ty trong nước và gia nhập thị trường.

Với những DN nội, khi sức cạnh tranh trên thị trường yếu và cần nhiều nguồn lực để tiếp tục hiện diện trên thị trường thì M&A cũng là giải pháp tốt, giúp DN thay máu và cải tổ. Người tiêu dùng hiện nay rất thông minh và nhanh nhạy, coi trọng trải nghiệm trong mua sắm, họ sẽ chọn những sản phẩm nào chất lượng, giá cả cạnh tranh và dịch vụ tốt.

Có ý kiến cho rằng tiềm năng thị trường Việt Nam rất lớn nhưng để biến thành cơ hội thì không đơn giản. Mới đây, Metro hoàn tất thương vụ bán lại cho tỉ phú Thái Lan, BigC Việt Nam cũng đang được rao bán…?

- Theo quan sát của tôi, một trong những khó khăn lớn đối với nhà bán lẻ nước ngoài là nhìn mọi vấn đề ở quy mô toàn cầu nhưng phải phân bố nguồn lực một cách phù hợp nhất để mang lại lợi nhuận cho thương hiệu và cổ đông. Một quốc gia có thể có sự tăng trưởng lợi nhuận cao, thị trường bán lẻ rất tiềm năng nhưng nếu đó là một thị trường quy mô nhỏ hoặc nhỏ hơn các quốc gia như Indonesia, Ấn Độ hay Trung Quốc, thì thứ tự ưu tiên sẽ phải được xem lại.

Như tại Việt Nam mà áp dụng 100% mô hình như nước ngoài sẽ tốn rất nhiều thời gian và chưa chắc đã thành công, vì thói quen sinh hoạt, tiêu dùng, hệ thống giao thông, cơ sở vật chất chưa hỗ trợ hình thức mua sắm hiện đại. Người Việt Nam thích tiện lợi, sẵn đâu mua đó, sức mua nhỏ nên mô hình chợ truyền thống vẫn chiếm đến 80% hoạt động thương mại nội địa và mua sắm hiện đại mới chỉ chiếm 20% còn lại mà thôi. Ví dụ như Metro, trên thế giới chỉ chuyên bán sỉ nhưng khi vào Việt Nam thì phải chuyển sang mô hình bán lẻ, và khi bán lẻ lại gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ các DN nội như Coop mart, Vinmart.

Các kênh mua sắm hiện đại ngày càng nở rộ nhưng thực sự, các chợ truyền thống vẫn nắm giữ khoảng 80% thị phần

Thực tế, có quá ít DN Việt trong cuộc chơi này, số lượng DN Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay liệu họ có lợi thế cạnh tranh nào?

- Các DN bán lẻ Việt như Saigon Coop, Fivimart, Satra... đã xuất hiện khá lâu, Vinmart tuy mới nhưng chủ đầu tư Vingroup đã không còn là cái tên xa lạ trên thị trường. Họ hiểu tâm lý người tiêu dùng nên rất linh hoạt thay đổi mô hình phục vụ để đáp ứng được nhiều khách hàng hơn (ví dụ hợp tác với các nhà bán lẻ nước ngoài khác: SG Coop hợp tác với Mapple tree cho dự án SC Vivo city, hợp tác với Fair price cho ra đời Coop Xtra, Coop Xtra plus, len lỏi vào các khu dân cư, vươn ra các tỉnh thành trong cả nước, đánh mạnh vào các mặt hàng nhu yếu phẩm, tươi sống, giá cả cạnh tranh, dịch vụ chở hàng đến tận nhà…).

DN Việt có quan hệ tốt trên thị trường và quỹ đất phong phú để mở địa điểm kinh doanh tại các vị trí đắc địa. Tuy nhiên, đúng là so với các tên tuổi nước ngoài trên thị trường thì cũng chỉ có vài DN nội có đủ tiềm lực để cạnh tranh trong cuộc đua ngày càng khốc liệt như hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn theo quy định của các FTA.

Trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn như hiện nay, nếu các DN nội không tự cải thiện mình để tăng sức cạnh tranh sẽ nhanh chóng bị đào thải, nên tập trung vào việc đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa và giá cả, năng lực khai thác hàng hóa cũng như nhanh nhạy nắm bắt tâm lý khách hàng.

Với người tiêu dùng, tôi thấy họ sẽ được nhiều hơn mất, bởi họ có nhiều sự lựa chọn hơn, hàng hóa phong phú, giá cả cạnh tranh, được tiếp xúc nhiều với các mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại và trải nghiệm mua sắm. Họ sẽ trở thành Thượng đế thực sự vì trước áp lực cạnh tranh, DN sẽ đưa ra rất nhiều sản phẩm, dịch vụ và chế độ chăm sóc khách hàng hấp dẫn người tiêu dùng nhất.

Trong bức tranh cạnh tranh khốc liệt của ngành bán lẻ, sự phát triển ồ ạt của các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi đang tạo áp lực lên chợ truyền thống. Liệu chợ truyền thống có tiếp tục tồn tại và trong tương lai và nếu muốn giữ khách hàng cần sự chuyển mình như thế nào?

- Chợ truyền thống sẽ còn thống lĩnh thị trường trong nhiều năm tới, chỉ khi nào hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng đồng bộ và tạo sự thuận lợi cho việc mua sắm giúp thay đổi thói quen và giúp sức mua tăng lên; thu nhập của người dân tăng hơn nữa.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 USD, gấp 21 lần so với năm 1990, nhưng chỉ tương đương mức GDP bình quân của Malaysia năm 1988, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008 và Philippines năm 2010. Năm 2014, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 3/5 của Indonesia, 2/5 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia và 1/27 của Singapore.

Đồng thời, chỉ khi chất lượng hàng hóa được nâng cao và giá cả phù hợp với đại bộ phận người dân, hình thức mua sắm hiện đại mới phát triển. Lúc đó, chợ truyền thống sẽ thu hẹp lại một chút nhưng vẫn sẽ duy trì vai trò quan trọng của mình trong hoạt động mua sắm của người dân Việt Nam, bởi tốc độ đô thị hóa của Việt Nam hiện nay vẫn đang ở mức 30% mà thôi.

Theo NLĐ

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích