Hai đại gia lỗ hơn 1.000 tỷ trong thương vụ HAGL là ai?

Thứ sáu, 26/02/2016, 11:30
2 nhà đầu tư chiến lược đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để mua 59 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Nông nghiệp HAGL (HNG) có nhiều điểm chung đặc biệt.

Những ngày gần đây, giới đầu tư chứng khoán xôn xao khi CTCP Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HNG) công bố báo cáo đã phát hành thành công 59 triệu cổ phiếu cho hai nhà đầu tư chiến lược. Hai đơn vị này là Công ty TNHH Đầu tư cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư cao su Cường Thịnh.

Công ty An Thịnh và Cường Thịnh đều mới được thành lập vào tháng 3/2014. Bất ngờ nhất là với vốn điều lệ chỉ có 30 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp trên đã góp sức bỏ cả nghìn tỷ đồng để đầu tư vào HNG.

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hai đơn vị này có rất nhiều điểm chung như cùng thành lập vào tháng 3/2014. Trụ sở của hai công ty này cũng cùng có địa chỉ tại lầu 14, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Vốn điều lệ mỗi đơn vị vỏn vẹn 30 tỷ đồng, thậm chí dùng chung cả số điện thoại.

Trong đó, Công ty cổ phần An Thịnh do ông Nguyễn Công Thành (sinh năm 1982) đứng ra đăng ký là chủ sở hữu. Còn Công ty Cường Thịnh do ông Trần Tiến Pháp (sinh năm 1983) làm đại diện pháp luật. Hai cá nhân này đều có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Long An.

Một thương vụ lớn khác mà hai doanh nghiệp này còn góp vốn chung là góp 1.465 tỷ đồng vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương. Theo đó, An Thịnh góp 774 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 52,83% và Cường Thịnh góp 691 tỷ đồng, chiếm 47,17% vốn.

Hai đại gia lỗ hơn 1.000 tỷ trong thương vụ HAGL là ai?
Hai công ty cao su dồn hơn 1.100 tỷ đồng mua cổ phiếu công ty con của HAGL có nhiều điểm chung. Ảnh minh họa: TP.

Trong khi đó, Tổng giám đốc và người đại diện pháp luật của Đông Dương là ông Lê Hồng Phong – hiện là Trưởng BKS của HNG kiêm Phó phòng Kiểm toán nội bộ Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.

Chỉ một thời gian ngắn, hai doanh nghiệp có vốn điều lệ 30 tỷ đồng đã góp vốn hàng nghìn tỷ đồng vào các doanh nghiệp khác. Câu hỏi về nguồn tiền dùng để đầu tư của hai doanh nghiệp này đang được đặt ra.

Đợt phát hành cổ phiếu của HNG được triển khai từ cuối tháng 10/2015 nhưng HNG vẫn chưa thể chào bán hết cho đến hạn chót 31/12/2015. Hội đồng quản trị HNG phải gia hạn thời gian chào bán đến 25/2/2016.

Trong thời gian từ cuối năm 2015 đến ngày 22/2/2016, giá cổ phiếu HNG đã giảm một mạch từ 28.800 đồng mỗi cổ phiếu xuống mức 8.000- 9.000 đồng. Tuy vậy, trong bối cảnh giá giảm, hai doanh nghiệp trên vẫn đăng ký mua với giá 28.000 đồng một cổ phiếu. Đây được cho là thương vụ "kỳ lạ" bậc nhất trong giao dịch chứng khoán thời gian gần đây khi bên mua chấp nhận "hớ" cả nghìn tỷ đồng.

Chưa biết tương lai khoản đầu tư này sẽ ra sao nhưng so với giá trị thị trường thì hai doanh nghiệp trên đã lỗ 1.132 tỷ đồng. Cổ phiếu HNG chốt phiên 25/2 tiếp tục giảm xuống còn 8.800 đồng so với mức 9.400 đồng hôm 22/2 (ngày công bố giao dịch thành công 59 triệu cổ phiếu).

Theo Zing

Các tin cũ hơn