Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tính đến tháng 11/2015, cả nước có 59 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp gồm 27 doanh nghiệp ở Hà Nội và 25 doanh nghiệp tại TP.HCM, còn lại thuộc các địa phương khác. Trong số này có 11 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 48 doanh nghiệp Việt Nam.
Để đảm bảo cho các doanh nghiệp này hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, Nhà nước đã có các quy định tạo hành lang cho hoạt động này. Điển hình là Nghị định 42/2014 quy định về các hoạt động kinh doanh đa cấp và thông tư hướng dẫn của Bộ Công thương.
Liên kết Việt luôn tổ chức các buổi lễ hoành tráng để khuếch trương hoạt động. |
Cứ đủ điều kiện là cấp phép
Thế nhưng, theo đại tá Trần Quang Huy, Trưởng phòng hướng dẫn và điều tra án tham nhũng (Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Bộ Công an), thì quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp nói riêng và quản lý doanh nghiệp nói chung hiện nay không giao chính thức cho một bộ ngành nào nên dẫn đến những kẽ hở trong quản lý.
Dẫn chứng về hoạt động của Liên kết Việt, ông Huy cho biết công ty này có giấy phép thành lập do Sở KH&ĐT cấp, có được Giấy chứng nhận bán hàng đa cấp do Bộ Công thương cấp. Khi có những giấy tờ này, công ty cứ thế đi vào hoạt động mà không bị cơ quan nào kiểm tra, quản lý sát sao. Chính vì thế nên mới có chuyện doanh thu của công ty lên đến hơn 1.900 tỷ đồng nhưng kê khai thuế chỉ có hơn 9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các mặt hàng do công ty sản xuất, kinh doanh có đúng như đăng ký của Bộ Y tế không cũng là một dấu hỏi. Đặc biệt là việc khi đăng ký sản phẩm là Bộ Y tế cấp chứng nhận, giám định cũng là Bộ Y tế, liệu có tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi?”, ông Huy đặt câu hỏi.
Do đó, theo đại tá Huy, người cấp phép chỉ cần đủ tiêu chuẩn, đóng đủ tiền là cấp phép cho hoạt động, còn quá trình hoạt động không có ai giám sát là sơ hở lớn nhất trong quản lý doanh nghiệp. Ngay cả Liên kết Việt được Bộ Công thương cấp giấy phép đa cấp nhưng quá trình hoạt động của doanh nghiệp này Bộ có kiểm tra giám sát được hay không?
Trên thực tế duy nhất một lần Bộ quyết định xử phạt công ty này 500 triệu đồng vì sai phạm trong việc thực hiện kinh doanh đa cấp. Trong khi những sai phạm khổng lồ như cơ quan điều tra bóc gỡ thì Bộ chưa phát hiện được và chưa áp dụng hình thức xử lý hành chính cuối cùng là rút giấy phép.
Vì vậy, quá trình điều tra vụ án, cơ quan công an sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành có liên quan. Đồng thời chỉ ra những sơ hở trong cơ chế để kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.
Cả nước có hàng trăm nghìn bị hại
Liên quan đến việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công an đã có chỉ đạo tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình hoạt động, kịp thời phát hiện hành vi lợi dụng kinh doanh đa cấp lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Tính đến hết tháng 11/2015, cơ quan điều tra các cấp đã phát hiện, điều tra gần 40 vụ lợi dụng kinh doanh đa cấp, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng của người dân với hàng trăm nghìn người bị hại. Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố 16 vụ án với 56 bị can để điều tra làm rõ.
Nguyễn Thị Thủy - bà trùm điều hành Liên kết Việt |
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công thương và các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, bảo vệ tài sản người dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, Bộ Công thương có chỉ đạo về việc khắc phục tình trạng tuyên truyền, nói sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp để dụ dỗ, lôi kéo người dân tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Theo đó, bộ này đã kiểm tra 28/59 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, xử phạt nhiều tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hoạt động bán hàng đa cấp có 3 loại vi phạm phổ biến. thứ nhất là doanh nghiệp bán hàng đa cấp nhưng không có giấy chứng nhận; hai là doanh nghiệp có giấy chứng nhận nhưng thực hiện không đúng theo giấy chứng nhận; ba là doanh nghiệp kinh doanh các loại hình dịch vụ dựa theo mô hình bán hàng đa cấp.
Để xử lý các vi phạm trên, Bộ Công thương đang khẩn trương kiểm tra, rà soát tất cả các doanh nghiệp, cơ sở thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp để xử lý vi phạm. Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sẽ chuyển sang cơ quan công an điều tra làm rõ.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải phát huy trách nhiệm quản lý trên địa bàn, tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động bán hàng đa cấp, cung ứng dịch vụ theo phương thức đa cấp trái phép để xử lý.
Theo Zing