Theo phản ánh của bạn đọc, đây có thể xem là một kiểu lách luật mới dưới dạng bán hàng đa cấp thực phẩm chức năng (TPCN). Điển hình của mô hình mới này là trường hợp của Công ty cổ phần nhượng quyền Thiên Lộc (Công ty Thiên Lộc) có chi nhánh tại số 25, khu C, đường Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình II, Quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội.
Nhà đầu tư có mặt rất đông tại ngày Hội khai xuân của Công ty Thiên Lộc. |
Chơi chữ hay chụp giật?
Khác với các hình thức bán hàng đa cấp TPCN mà nhiều người được biết từ trước đến nay, đó là chia % hoa hồng rất lớn có thể là 30-50% cho các nhà phân phối (NPP), Công ty Thiên Lộc đã tung ra một chiêu thức rất mới. Các NPP của công ty này sẽ được “đồng hưởng 2% doanh số bán hàng theo đơn vị PV trên toàn quốc” đến khi nào thu hồi đủ vốn tích lũy thì thôi. (PV: Là 1 đơn vị tính được áp dụng cho mỗi đơn vị sản phẩm tương đương 9,6 triệu đồng).
Trao đổi với phóng viên, một người từng có thời gian tham gia bán hàng đa cấp cho biết, đây là một “chiêu giăng bẫy” hết sức tinh vi mà những người nhẹ dạ cả tin rất dễ mắc phải. Cụ thể, muốn trở thành một nhà phân phối hay đầu tư tại Công ty Thiên Lộc, ngoài các điều kiện như đủ 18 tuổi, có người giới thiệu… thì người tham gia phải lựa chọn các gói như Gói khởi động là 5 triệu, gói chuyên nghiệp là 9,6 triệu, gói bạc 192 triệu, gói vàng 480 triệu, gói Kim cương 960 triệu.
Một người bạn của anh này đã đăng ký gói 9,6 triệu đồng để mua hàng. Điều đáng nói ở đây là trong phiếu đặt hàng không ghi rõ cụ thể là loại hàng hóa gì, chỉ ghi là TPCN nhưng hiện tại người này cũng chưa nhận được hàng, và cũng không biết lọ thực phẩm chức năng là loại gì. Do vậy, rất có thể là một hình thức đầu tư tài chính trái phép.
Theo LS Nguyễn Tiến Sơn – Đoàn LS TP.Hà Nội, cách thức mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của Công ty Thiên Lộc là một hình thức mới. Nói cách khác là lách hoàn toàn các điều cấm của Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Điều 5 của Nghị định 42/2014 quy định những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Theo đó, DN bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hoá dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; không được cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp…
Rõ ràng, Công ty Thiên Lộc không ép người muốn tham gia bán hàng đa cấp, mà họ tự nguyện tham gia để được chia lợi nhuận là “đồng hưởng 2% doanh số bán hàng trên toàn quốc”. Người bán hàng tức là NPP cũng không phải dụ dỗ người khác tham gia để được hưởng hoa hồng, mà chính người mua hay còn gọi là nhà đầu tư muốn tham gia để được cùng hưởng 2% lợi nhuận nói trên.
Kinh doanh đa cấp đã liên tục biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau từ các chương trình đào tạo môi giới BĐS đến thu hút đầu tư tài chính… |
Tuy nhiên, sự tinh vi ở đây chính là chính sách phân chia lợi nhuận mà Công ty Thiên Lộc cho các NPP được hưởng. LS Nguyễn Tiến Sơn phân tích, các NPP hay nhà đầu tư cứ nghĩ đồng hưởng 2% doanh thu trên toàn quốc là lớn. Thực chất, Thiên Lộc có bán được bao nhiêu sản phẩm đi nữa thì các NPP cũng chỉ được hưởng không quá 2% giá trị của chính số tiền mà họ đã bỏ ra. Giả sử số tiền họ bỏ ra mua một PV tương đương 9,6 triệu đồng, dù công ty có bán được sản phẩm hàng nghìn tỷ đồng thì NPP cũng chỉ được trả 2% của 9,6 triệu đồng mà thôi. Còn phần của công ty thu về là 98% doanh thu.
Kinh doanh đa cấp xấu hay bị lợi dụng?
Nhìn vào chiêu thức bán hàng của Công ty Thiên Lộc thì thấy, đây là một kiểu bán hàng đa cấp dùng chính sách thu hút khách hàng rất mới. Chính sách bán hàng này thật khó mà khép vào hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng nếu nói chính sách bán hàng này có giúp DN phát triển bền vững không thì chắc là rất khó. Bởi vì, ngay khi tung ra chiêu bán hàng này, nhiều người có thể chưa tính toán được và hiểu nhầm rằng mình sẽ được hưởng một khoản lợi nhuận rất lớn từ doanh thu bán hàng của DN. Nhưng rồi họ bình tĩnh lại và tính toán cẩn trọng hơn thì việc “bóc mẽ” cách bán hàng này không mấy khó khăn.
Kinh doanh đa cấp là một hình thức phân phối khá tiên tiến, được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia phát triển hàng trăm năm qua. Hiệu quả của mô hình bán hàng đa cấp chính là sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được đến trực tiếp với người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, mô hình kinh doanh đa cấp cũng phát triển và gặt hái nhiều thành công từ những năm 90, với sản phẩm dịch vụ chính là bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Sau những năm 2000, các sản phẩm được phân phối dưới dạng bán hàng đa cấp đa dạng và phong phú hơn rất nhiều. Tuy nhiên, dư luận đã rất bức xúc trước tình trạng một số đơn vị đã lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để làm ăn chụp giật.
Rất nhiều sản phẩm TPCN không rõ nguồn gốc xuất xứ, hiệu quả bị thổi phổng đã được tung ra thị trường bằng hình thức bán hàng đa cấp với chiết khấu rất cao 30-50% cho người bán hàng. Với siêu lợi nhuận, rất nhiều người đã bất chấp tất cả để dụ dỗ, lôi kéo thúc ép người thân, bạn bè, họ hàng tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Đặc biệt, đã có rất nhiều công ty vi phạm các quy định của pháp luật, dùng mô hình kinh doanh này để tiến hành các hoạt động kinh doanh có dấu hiệu lừa đảo những người tham gia.
Gần đây nhất, ngày 19/02/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với 7 lãnh đạo và tổng đại lý của công ty Liên Kết Việt về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Quá trình điều tra vụ án, cơ quan công an xác định từ tháng 6/2014 đến tháng 7/2015, các thành viên chủ chốt của công ty này đã phát triển hệ thống đa cấp khổng lồ với hơn 45.000 người tham gia, tổng số tiền thu được trên 1.900 tỷ đồng. Kết quả, kinh doanh đa cấp đã trở thành “tội đồ” trong con mắt của rất nhiều người.
Để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2014 quy định khá chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này. Tuy nhiên, kinh doanh đa cấp đã liên tục biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau, từ các chương trình đào tạo môi giới BĐS đến thu hút đầu tư tài chính… Tất cả các dạng làm ăn theo kiểu chụp giật tại Việt Nam hiện nay đều đã xảy ra ở nhiều nền kinh tế phát triển từ hàng chục năm qua.
Vấn đề chính là cách ứng xử của chúng ta thế nào mà thôi? Các cơ quan có trách nhiệm như Bộ Công thương, Bộ Công an nên kịp thời kiểm tra, giám sát và có những cảnh báo cho người dân. Người dân thì cũng phải bình tĩnh hơn với những chiêu thức tinh vi, lách luật của một số người lợi dụng chính sách cởi mở của nhà nước về phát triển kinh doanh. Qua đó, nhưng hình thức đầu tư lợi nhuận cao đều phải thật cẩn trọng, kẻo mắc bẫy.
Tại sự kiện Chào Xuân Bính Thân do Công ty Thiên Lộc tổ chức tại Thiên Đường Bảo Sơn ngày 19/2 vừa qua, phóng viên được một người đàn ông tên K, giới thiệu là một đại lý của Công ty Thiên Lộc tại Hòa Bình và “quảng cáo” trong tháng 1 đã tham gia 2 gói Vàng, với tổng số tiền là 960 triệu, ngay trong tháng đã thu được 500 triệu đồng. Người này cho biết, tiền đã về tài khoản, nhưng chưa rút, mà cứ chơi cho vui.
Trong buổi làm việc với nhóm phóng viên ngày 20/2/2016, một đại diện của Công ty Thiên Lộc cho rằng, công ty đang chi trả hoa hồng chưa đến 40% là đúng theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Một đại diện khác là ông Nguyễn Đức Lộc, Chủ tịch HĐQT cũng thừa nhận “đối với 2 sản phẩm về thực phẩm chức năng thì chúng tôi đã nộp hồ sơ lên cơ quan chức năng và đang chờ cấp phép bán hàng đa cấp…”.
Điều đáng nói, hiện nay Công ty Thiên Lộc trả lợi nhuận cho người tham gia là do người đó bán được nhiều hàng hóa, hay chỉ là do đầu tư tài chính? Trong khi đó hàng hóa do công ty phân phối thì đang rất “mập mờ”, còn nếu như lời “quảng cáo” của những người trong công ty là thật thì công ty này lấy đâu ra tiền để trả cho người tham gia?
Theo Zing