Một trong những cửa hàng FPT shop tại TP.HCM |
Trả lời PV, đại diện FPT Shop cho biết tập đoàn FPT dự kiến kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư có tài chính mạnh, có năng lực, có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và trực tuyến… để giúp FPT Shop phát triển mạnh mẽ tiếp trong giai đoạn tiếp theo.
FPT Shop cho biết trong năm 2015, FPT Shop là công ty tăng trưởng nhanh nhất tập đoàn FPT, đóng góp ngày càng quan trọng vào doanh thu, lợi nhuận của tập đoàn (19,6% doanh thu của tập đoàn).
Sau 4 năm tăng trưởng và phủ sóng toàn quốc, FPT Shop cho biết đã đến lúc chuỗi này “cần thêm nguồn vốn, kinh nghiệm quản trị hiện đại và mô hình số hoá để làm mới mình, tạo nên những bước đi mang hàm lượng công nghệ cao cho lĩnh vực bán lẻ, mang lại cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ, thú vị và thực tế…”.
Trước đó, trong đại hội cổ đông của Thế Giới Di Động vào tháng 2/2016, Tổng giám đốc Trần Kinh Doanh của công ty này được dẫn lời cho rằng công ty đang cân nhắc một trong hai phương án mua lại chuỗi bán lẻ hoặc tự mở các cửa hàng để mở rộng quy mô, dự kiến mở 100 cửa hàng Thế Giới Di Động trong năm 2016. Trong khi đó, có tin cho rằng tập đoàn FPT có kế hoạch rút vốn, tìm nhà đầu tư cho mảng bán lẻ, cụ thể là Công ty phân phối FPT và chuỗi cửa hàng FPT Shop. Ông Doanh được dẫn lời cho rằng nếu FPT Shop được bán thì đó là cơ hội tốt cho các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động, ngầm hiểu rằng Thế Giới Di Động có quan tâm đến việc sáp nhập với FPT Shop.
Trả lời việc này với PV, ông Trần Kinh Doanh cho biết việc mua bán, sáp nhập đã nằm trong kế hoạch kinh doanh của công ty từ năm 2015, nhưng dự định này vẫn đang để ngỏ do chưa tìm được thương vụ phù hợp.
“Chúng tôi chưa nghe một cách chính thức về ý định bán lại của FPT Shop, vì thế chưa thể đưa ra bình luận gì. Chúng tôi chỉ nhắc lại ý định về việc mua bán sáp nhập đã từng công bố trước đây và hai việc này vô tình đã được đặt cạnh nhau dẫn đến những đồn đoán trong thời gian gần đây”, ông Doanh trả lời qua email.
Trong khi đó, bình luận về thông tin trên, FPT Shop cho rằng họ vẫn luôn hoan nghênh các nhà đầu tư có thiện chí giúp FPT Shop có thể mở rộng phát triển hơn nữa, “vì việc đầu tư cũng như kêu gọi đầu tư là cơ hội cho tất cả mọi người”; và cho rằng trước việc các công ty, nhà đầu tư đặt vấn đề “tìm hiểu” FPT Shop đã phần nào cho thấy được sức hút và tiềm năng phát triển dài hạn của FPT Shop.
Trong khi FPT Shop đang tìm kiếm đối tác có tài chính mạnh, có năng lực, có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và trực tuyến… thì Thế Giới Di Động nói rằng “tiêu chí để chọn một đơn vị để cân nhắc các phương án sáp nhập là rất nhiều yếu tố. Quan trọng vẫn là đơn vị đó có khả năng đem lại giá trị mà Thế Giới Di Động đang mong đợi”.
Giả sử Thế Giới Di Động mua lại một hệ thống nào đó, ông Doanh dường như nghiêng về phương án đổi tên hệ thống đó thành Thế Giới Di Động, vì ông cho rằng “ngay cả bản thân hệ thống chuỗi siêu thị Điện máy Xanh, chúng tôi cũng đã trải qua vài lần đổi tên thương hiệu để phù hợp và dễ tiếp cận với thị trường”, tất nhiên ông để ngỏ ý kiến rằng sẽ quyết định việc này tùy theo tình hình.
Bình luận bên lề, các chuyên gia cho rằng FPT Shop có thể sẽ tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài để mở rộng quy mô, hơn là chọn một đối tác, “đối thủ” như Thế Giới Di Động.
Nói về chiến lược sắp tới, FPT Shop cho biết (tập đoàn) FPT vẫn luôn đặt mục tiêu phát triển mạnh cho khối bán lẻ, đồng thời để tiếp tục phát triển quy mô trong năm 2016 thì hệ thống này “tập trung vào khách hàng làm trọng tâm” cũng như nỗ lực trong việc giải quyết bài toán về mặt bằng kinh doanh. FPT Shop đặt mục tiêu mở thêm tối thiểu 50 cửa hàng trong năm 2016.
Ông Trần Kinh Doanh thì cho rằng, thị trường bán lẻ trong 3-5 năm tới sẽ có nhiều thay đổi, nhưng ông “không bàn quá nhiều ở thì tương lai xa”. “Trước mắt, riêng Thế Giới Di Động trong năm 2016, Chúng tôi chắc chắn sẽ về đích với 850 cửa hàng, bao gồm cả Thegioididong.com và Điện máy Xanh. Nếu tình hình thuận lợi thì có thể nhiều hơn và lên đến 1.000 cửa hàng”, ông Doanh nói.
Theo ICTnews