Trong số những thương hiệu khóa lâu đời của Việt Nam như Huy Hoàng, Việt Tiệp hay Minh Khai thì Việt Tiệp là doanh nghiệp lớn và làm ăn có hiệu quả hơn cả.
Doanh thu liên tục tăng trưởng tốt trong vài năm gần đây và lợi nhuận thì luôn tương đương hoặc lớn hơn vốn điều lệ, cổ tức lên đến 50% so với mệnh giá. Rõ ràng, nhìn vào kết quả kinh doanh, Việt Tiệp sẽ là một cổ phiếu được săn đón nếu như lên sàn.
Đã qua thời kỳ hoàng kim
Tuy nhiên, không phải mọi chuyện đều suôn sẻ. Mặc dù doanh thu tăng trưởng tốt nhưng lợi nhuận trong những năm qua không tăng mà có chiều hướng đi xuống rõ rệt.
Nếu như năm 2009, cứ 10 đồng doanh thu Việt Tiệp sẽ làm ra 4 đồng lợi nhuận (trước thuế) thì trong ba năm gần đây, lợi nhuận còn chưa đến 1 đồng.
Đây là thách thức không nhỏ mà thương hiệu 40 năm tuổi này phải giải quyết được để có thể tiếp tục phát triển trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt cũng như sự dịch chuyển nhu cầu từ các loại khóa cơ khí “cổ điển” sang những loại khóa “kỹ thuật số” – lĩnh vực vốn chưa phải thế mạnh của Việt Tiệp.
Vẫn còn đó những vấn đề yếu kém mà công ty đều đặn nêu ra trong báo cáo hàng năm như phát triển mạng lưới marketing, tư duy làm việc chưa đổi mới, sự phối hợp không đồng bộ giữa các bộ phận hay phát triển sản phẩm mới chưa đạt yêu cầu.
Ba đồng lợi nhuận có 1 đồng từ phế liệu
Dù cho lợi nhuận đang tăng trở lại thì vẫn còn một vấn đề nữa khiến cổ đông của công ty không khỏi lăn tăn: Đó là lợi nhuận từ bán phế liệu trong 3 năm trở lại đây chiếm tới 1/3 tổng lợi nhuận, trong khi các năm trước đó lãi từ bán phế liệu gần như bằng không. Phải chăng phế liệu đang trở thành “vị cứu tinh” quan trọng của Việt Tiệp?
Điều này có phần hơi “oan” cho Việt Tiệp. Do đặc thù hoạt động, hàng năm Việt Tiệp đều phát sinh lượng phế liệu rất lớn. Tiền bán phế liệu đều đặn vào khoảng 15-20 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, do phương pháp kế toán thay đổi: trước đây giá vốn làm ra mỗi bộ khóa không tính đến lượng phế liệu phát sinh, giá vốn của số phế liệu xấp xỉ bằng với số tiền thu được khi thanh lý. Còn phương pháp hạch toán hiện nay là giá vốn được tính là toàn bộ nguyên vật liệu tiêu hao, bất kể có phát sinh phế liệu hay không, tức giá vốn của phế liệu thanh lý bằng không do đã ghi nhận vào giá vốn thành phẩm. Bán phế liệu được đồng nào là lãi đồng đó.
Chính vì vậy mà bỗng dưng phế liệu trở thành nguồn lợi nhuận quan trọng của Việt Tiệp.
Ba năm gần nhất phế liệu chiếm tới 1/3 tổng lợi nhuận của công ty |
Tất nhiên cách hạch toán này chỉ làm thay đổi một số chỉ tiêu trên bảng kết quả kinh doanh mà không làm thay đổi lợi nhuận trước thuế của công ty. Do vậy vấn đề mấu chốt là Việt Tiệp chưa thể cải thiện được hiệu quả kinh doanh của mình.
Những yếu kém mà công ty vẫn nêu ra hàng năm nếu không sớm được giải quyết triệt để thì vấn đề không chỉ là hiệu quả kinh doanh không được như mong đợi mà về lâu dài có thể đe dọa đến sự tồn tại của công ty. Nokia từng chìm trong hào quang của quá khứ và đã phải nhận kết cục đau xót như lời CEO của công ty: “chúng ta không làm gì sai, nhưng chúng ta thất bại”.
Theo Trí Thức Trẻ