"Khách hàng của Starbucks, người mua một cốc đồ uống cỡ lớn nhưng trong cốc chỉ chứa khoảng 410ml chất lỏng - ít hơn một nửa số lượng mà hãng này quảng cáo, và khách hàng phải chi nhiều hơn số tiền mà họ đáng phải trả", The Guardian trích đơn kiện dài 29 trang viết.
Ví dụ, một cốc cafe Starbucks cỡ lớn đáng lẽ chứa khoảng 710ml chất lỏng nhưng thực chất chỉ có 410ml còn phần còn lại là đá - Stacy Pincus, một phụ nữ sống tại thành phố Chicago, nêu trong đơn kiện Starbucks.
Starbucks phục vụ 4 kích cỡ đối với đồ uống lạnh: Nhỏ (350ml), vừa (470ml), lớn (710ml) và cực lớn (890ml). Họ không phục vụ cỡ cực lớn đối với loại đồ uống nóng.
Bản khiếu nại của Pincus lập luận rằng, Starbucks lừa dối khách hàng khi ghi kích cỡ trên menu là kích cỡ của cốc đựng đồ uống, chứ không phải lượng đồ uống bên trong (không bao gồm đá). Ảnh: Reuters |
"Về bản chất, Starbucks quảng cáo kích cỡ của cốc đồ uống lạnh trên menu chứ không phải lượng chất lỏng chứa trong cốc mà khách hàng nhận khi mua đồ. Họ lừa dối khách hàng trong quá trình này", Pincus cho hay.
Bên cạnh đó, bà cũng đề cập đến hệ thống giá của công ty, bao gồm giá cao hơn đối với đồ uống lạnh. Vì đồ uống nóng không bao gồm đá và giá thành thấp hơn, người phụ nữ này cáo buộc Starbucks đang "làm tiền" khách hàng.
Theo CNN, Jamie Riley, một phát ngôn viên của Starbucks, cho rằng đơn kiện này không có giá trị.
“Khách hàng của chúng tôi hiểu và biết rằng đá là một phần thiết yếu của bất cứ đồ uống 'có đá' nào. Nếu họ không hài lòng trong công tác chuẩn bị đồ uống, chúng tôi sẵn sàng làm lại”, bà nói.
Đơn kiện là cho trong vòng 10 năm vừa rồi và giá trị đền bù có thể lên tới hơn 5 triệu USD.
Một số công ty kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm khác cũng từng phải đối mặt với các vụ kiện về khối lượng đồ ăn, nhiệt độ và quảng cáo. Năm 2015, chuỗi cửa hàng Whole Foods giảm tăng trưởng doanh thu sau khi thừa nhận rằng, họ đã gắn sai nhãn hiệu một số loại thực phẩm tươi đóng gói, bao gồm rau và gà tại thành phố New York.
Năm 1994, một phụ nữ 79 tuổi đã thắng kiện sau khi đệ đơn lên toà vào năm 1992, và lập luận rằng McDonald khiến bà bị bỏng bởi cốc cà phê nóng bất thường.
Theo Zing