Cụ thể, doanh thu bán bò đạt 2.541 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 41%. Số lợi nhuận gộp đạt 743 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 29%. Đây là ngành đóng góp chính vào sự tăng trưởng doanh thu, cũng như lợi nhuận gộp của HAGL trong năm 2015.
Đàn bò đang là cứu cánh cho doanh thu của HAGL năm 2015. |
Xếp thứ hai là doanh thu xây dựng, đạt 1.040 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 17%. Nguồn thu chủ yếu đến từ việc xây chuồng trại cho ngành chăn nuôi bò, hoàn thành nghiệm thu sân bay Attapeu và nghiệm thu một phần khối lượng xây dựng sân bay Nongkhang, tỉnh Huaphan, Lào.
Doanh thu ngành mía đường đạt 871 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 14%. So với năm 2014, doanh thu mía đường giảm 171 tỷ đồng, do đã chuyển một phần diện tích trồng mía sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò.
Đáng chú ý, doanh thu cao su chỉ đạt 196 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 3%. Nguyên nhân là do trong năm 2015 giá cao su giảm sâu nên doanh nghiệp không tăng diện tích khai thác mới mà chỉ duy trì phần diện tích đã khai thác trước đó dẫn đến doanh thu giảm so với năm 2014.
Tình hình trả nợ của HAGL vẫn đang là bài toán hóc búa. Trong năm 2015, tổng nợ phải trả của HAGL đã tăng thêm 11.833 tỷ đồng (trong đó nợ ngắn hạn là 13.213 tỷ đồng và nợ dài hạn là 19.749 tỷ đồng). Với hệ số vay trên tổng tài sản tăng từ 0,5 lần vào cuối năm 2014 lên 0,55 lần vào cuối năm 2015, và hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu tăng từ 1,18 lần vào cuối năm 2014 lên 1,67 lần vào cuối năm 2015, cho thấy HAGL đang sử dụng đòn bẩy tài chính với mong muốn làm gia tăng lợi nhuận ròng trên mỗi cổ phiếu.
Tuy nhiên, việc sử dụng đòn bẩy tài chính này chưa thực sự mang lại hiệu quả, do đang là thời điểm chuyển giao từ giai đoạn kiến thiết cơ bản sang giai đoạn hoạt động kinh doanh, trong khi nguồn thu chưa đủ lớn nhưng lại phải chi trả các khoản nợ gốc và lãi vay đến hạn.
Theo Zing