Chủ tịch Heineken châu Á và Thái Bình Dương, ông Frans Eusman mới đây khi trả lời báo chí cho biết hãng đang đổ tiền vào Việt Nam, thị trường có khả năng sinh lời lớn thứ hai cho họ, chỉ sau Mexico. Thời gian tới hãng này sẽ tiếp tục rót tiền đầu tư vào thị trường bia đầy tiềm năng Việt Nam.
Không chỉ Heineken, thời gian qua hàng loạt hãng bia lớn trên thế giới, nhất là Thái Lan coi thị trường bia Việt Nam là mảnh đất màu mỡ.
Sau khi Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Bộ Công Thương trình Chính phủ phương án bán 53% cổ phần, giảm tỉ lệ sở hữu của Nhà nước tại công ty này từ gần 90% xuống còn khoảng 36% thì ngay lập tức hãng bia lớn nhất Thái Lan là ThaiBev lên tiếng muốn mua 40% cổ phần của Sabeco. Trị giá thương vụ này lên đến khoảng 1 tỷ USD.
Nhiều chuyên gia cho rằng nếu nắm được Sabeco - công ty đang chiếm giữ thị phần bia lớn nhất nước ta thì đại gia Thái có thể dễ dàng chi phối thị trường bia Việt. Ngoài ThaiBev, nhiều đại gia ngoại khác như Ashahi của Nhật Bản, Heineken của Hà Lan, SAB Miller của Mỹ… cũng đăng ký tham gia mua cổ phần nếu Sabeco bán.
Các loại bia ngoại cao cấp ngày càng xuất hiện nhiều tại các siêu thị ở TP.HCM. |
Lý do khiến các hãng bia ngoại, nhất là Thái Lan đổ tiền vào Việt Nam là không khó hiểu. Ông Mr Mikio Masawaki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam, nhận định Việt Nam sẽ là nơi để các nhà đầu tư lớn trên thế giới cũng như nội địa chọn để phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh bởi mức độ tiêu thụ bia đang trên đà tăng trưởng khá mạnh và ổn định.
Số liệu từ Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng cho thấy đây là thị trường có rất nhiều tiềm năng. Bằng chứng là riêng trong năm ngoái sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở nước ta đạt 3,4 tỷ lít, tăng 10% so với năm trước và tăng gần 41% so với năm 2010. Trong đó riêng Sabeco đạt 1,5 tỷ lít và nắm giữ khoảng 46% thị phần.
Theo ước tính của một số chuyên gia, với hơn 3,4 tỷ lít bia được tiêu thụ thì doanh số thị trường đạt gần 70.000 tỷ đồng. Quả là một miếng bánh béo bở!
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam, nhận xét hiện nay cơ chế quản lý, quản trị, nhân sự… của công ty nội chưa thực sự tốt bằng đối thủ ngoại.
Trên thực tế cho thấy chiến lược của các doanh nghiệp ngoại như Thái Lan được thực hiện khá bài bản, chuyên nghiệp và rất hợp lý trong cạnh tranh kinh doanh hiện đại. “Do vậy nếu Thái Lan mua được cổ phần Sabeco thì chắc chắn không chỉ mua sản lượng nhà máy mà là cả thị phần” - ông Việt nhấn mạnh.
Ông Võ Thanh Hà, Tổng Giám đốc Sabeco, cho hay hiện nay thị hiếu tiêu dùng bia đã có sự thay đổi, dịch chuyển sang các sản phẩm cao cấp. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng đồng thời là thách thức cho bia nội. Bởi hiện nay trong nước vẫn chưa thực sự có dòng sản phẩm ở phân khúc cao cấp.
Trong khi đó các hãng bia nước ngoài nhanh chân chiếm lĩnh phân khúc này. Chỉ cần vào Google, gõ bia nhập khẩu, người mua dễ dàng tìm thấy hàng loạt loại bia đến từ Đức, Tiệp, Bỉ, Nhật, Mexico. Trong đó có thể thấy các thương hiệu Shingha, Ashahi… của Thái Lan xuất hiện khá nhiều.
Tại các siêu thị, bia cao cấp ngoại cũng chiếm vị trí không hề khiêm tốn. Mặc dù giá các loại bia này từ 30.000 đồng/chai trở lên, khá cao so với bia sản xuất trong nước nhưng vẫn thu hút được khách. Do vậy, nhiều ý kiến cảnh báo sau thị trường bán lẻ, đến lượt thị trường bia sẽ rơi vào tay ngoại.
Bình luận về xu hướng này, ông Mikio Masawaki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam, nói: “Khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do đã tạo ra sự cạnh tranh mạnh từ thị trường bia, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Chuyển động này sẽ tạo ra sự phong phú cho thị trường, giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn” - ông Mikio Masawaki nhận định.
Vậy liệu bia Thái cao cấp có tràn vào Việt Nam nhiều như hàng tiêu dùng Thái không? Chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến nêu ý kiến: “Tôi được biết các tập đoàn của Thái Lan và một số công ty tầm trung cũng đã có hoạch định chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam cách đây hơn năm năm. Vì vậy, giải pháp tốt nhất để công ty Việt tồn tại là tính chuyên nghiệp phải cao hơn, từ công tác quản trị chiến lược đến triển khai khai thác thị trường”.
Ông Việt cũng cho rằng để tồn tại và phát triển đòi hỏi các công ty nội phải đổi mới hệ thống quản trị, nhân sự, đa dạng hóa sản phẩm… phù hợp với xu hướng phát triển mới.
Ông Mikio Masawaki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam, nhận xét về cơ bản, sau khi Việt Nam ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do thì các loại thuế xuất khẩu và nhập khẩu đối với sản phẩm đồ uống có cồn được cắt giảm.
Cụ thể về xuất khẩu, giá bia từ Việt Nam xuất khẩu sang các quốc gia như Úc, New Zealand, Malaysia... sẽ giảm xuống, qua đó giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm tại các quốc gia này. Điều này cũng có nghĩa rằng khả năng xuất khẩu của bia Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mở rộng hơn.
Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam cho rằng nếu xét sản xuất, kinh doanh, thương mại… của các doanh nghiệp Thái Lan thì thấy họ có sự chuẩn bị tốt và được sự hỗ trợ rất tích cực từ nhà nước.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt còn yếu trong khi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước lại có nhiều hạn chế, chưa tạo được điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh tốt, thậm chí còn khiến họ gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử như Luật Đầu tư sửa đổi dù rất thoáng nhưng khi thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc; chưa kể là hàng loạt điều kiện kinh doanh, giấy phép con đang cản trở sự phát triển của công ty nội.
Các con số thống kê cho thấy trong 10 năm qua lượng rượu bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng thì tại nước ta mức tiêu thụ lại tăng trưởng rất nhanh. Nếu như giai đoạn 2003-2005 là 3,8/lít/người/năm, năm 2010 ở mức 6,6 lít/người/năm thì dự báo đến năm 2025, con số này sẽ tăng lên 7 lít/người/năm.
Theo PLO