Formosa Hà Tĩnh đang bị nghi ngờ có các hoạt động chuyển giá. |
Thông tin tại phiên họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính diễn ra chiều 2/7/2016, liên quan đến việc quản lý thuế đối với tập đoàn Formosa, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, đây là cả một câu chuyện dài, để làm rõ vấn đề này với báo chí, Tổng Cục thuế sẽ trình Bộ Tài chính tổ chức một buổi họp chuyên đề để thông tin một cách đầy đủ và chính thức hơn đến báo chí về công tác thu thuế đối với Formosa.
Theo ông Trí, việc cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác cho báo chí là cần thiết, để tránh những thông tin không chính thức. Chẳng hạn như mới đây nhất, rộ lên thông tin Formosa tạm dừng đi vào hoạt động nhà máy thép và phía Việt Nam yêu cầu công ty phải nộp 70 triệu USD tiền thuế mà công ty này bị cáo buộc là đã “cố tình tìm cách trốn”. Tuy nhiên, ông Trí cho biết các bên liên quan chưa hề công bố về con số này.
Trước đó, một số thông tin trên báo chí cho biết kết quả kiểm tra hoàn thuế cuối tháng 2/2016 của Formosa Hà Tĩnh, cơ quan thuế đã phát hiện 19.497 hóa đơn của công ty đưa vào khấu trừ và hoàn thuế không đúng quy định. Formosa Hà Tĩnh đã bị truy thu thuế lên tới 1.554,4 tỷ đồng.
Liên quan đến số nợ thuế trên cả nước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tính đến 31/5/2016 tổng nợ thuế trên cả nước là 75.000 tỷ đồng, tăng 1.300 nghìn tỷ đồng so với 31/12/2015, giảm 770 tỷ đồng so với thời điểm 30/4. Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày là 44.500 tỷ đồng, khoản phạt chậm nộp 25.000 tỷ đồng, nợ không có khả năng thu là 15.000 tỷ đồng.
Về đôn đốc thu nợ: Tính đến 31/5/2016, các Cục Thuế tại 63 tỉnh thành đã đôn đốc thu được tổng 20.000 tỷ đồng từ năm 2015 chuyển sang, tăng 17,9 % so với cùng kỳ 2015, đạt 37,7% chỉ tiêu thu nợ 2016 đạt, bằng biện pháp quản lý thu nợ thu được 16.590 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế thu được 3.462 tỷ đồng. Ghi nhận một số địa phương có tỷ lệ cao như Kiên Giang 83%, Hà Tĩnh 80%, Sóc trăng 70%; Bạc Liêu, 68% TP.HCM thu được 5.100 tỷ đồng, Hà Nội 6.300 tỷ đồng tính đến hết tháng 5/2016.
Lý giải về tình trạng nợ đọng thuế hiện nay, ông Nguyễn Đại Trí cho rằng mặc dù nền kinh tế đang trên đà phục hồi nhưng tốc độ còn chậm nên doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến thua lỗ, không có khả năng thanh toán. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đại Trí cũng không loại trừ nguyên nhân nhiều doanh nghiệp không chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về thuế, dẫn đến nợ kéo dài.
“Về nguyên tắc quản lý thuế, doanh nghiệp phải cung cấp cho cơ quan thuế số tài khoản ngân hàng, nhưng thực tế doanh nghiệp mở nhiều tài khoản tại ngân hàng và chỉ cung cấp cho cơ quan thuế số tài khoản có số dư rất ít, thậm chí không có số dư và cũng không có giao dịch. Tới đây, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước thành lập tổ liên ngành với nhiệm vụ thu hồi nợ đọng thuế, đồng thời kêu gọi sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Tiếp tục tăng cường biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật,” ông Nguyễn Đại Trí nói.
Tuy nhiên, bên cạnh việc thu hồi nợ đọng, ông Nguyễn Đại Trí cho rằng cơ quan thuế vẫn phải đảm bảo tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, cơ quan thuế sẽ tiếp tục tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương để có chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất.
Liên quan đến việc quản lý thuế đối với loại hình taxi Uber, ông Nguyễn Đại Trí cho biết đây là loại hình kinh doanh mới lạ nên chưa có quy định cụ thể. Bộ Tài chính cũng đã trao đổi với các Bộ, ngành liên quan về loại hình kinh doanh này, một loại hình kinh doanh không hoàn toàn là vận tải, mà dựa trên nền tảng công nghệ. Tổng Cục thuế sẽ tiếp tục có những phân tích, nghiên cứu về vấn đề này.
Theo Infonet