Kinh doanh sa sút
Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Việt Nam (VMS South) là đơn vị trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, tiền thân là Ty bảo đảm hàng hải, thành lập từ những năm 1975.
Sau nhiều thay đổi, tháng 5/2011, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH MTV Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam với 18 đơn vị thành viên thuộc 3 khối: bảo đảm hàng hải, hoa tiêu hàng hải và trục vớt cứu hộ.
VMS South hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực hỗ trợ trực tiếp vẫn tải đường thủy như lai dắt tàu biển ra vào các cảng, kinh doanh trục vớt tàu, dịch vụ báo hiệu đèn biển, …
Về tình hình kinh doanh, nhiệm vụ chính của Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Việt Nam là phục vụ hoạt động công ích nên doanh thu từ mảng này chiếm tỷ trọng chủ yếu, từ 70-75% doanh thu thuần.
Theo BCTC hợp nhất của Tổng công ty năm 2015, tình hình kinh doanh thời gian gần đây có dấu hiệu giảm sút.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2015 đạt 997 tỷ đồng – giảm 8% so với năm 2014, trong đó doanh thu cả ba mảng hoạt động đều giảm. Lợi nhuận sau thuế của VMS South năm 2015 chỉ đạt 42 tỷ đồng – giảm tới 25% so với năm 2014.
Loay hoay xử lý khối tài sản nghìn tỷ
Vốn điều lệ đăng ký thành lập của VMS South là 735 tỷ đồng, trong đó có 100% vốn đầu tư nhà nước do Cục Hàng hải Việt Nam – bộ GTVT nắm giữ. Tuy nhiên đến đầu năm 2015, vốn thực góp tại đây mới là 671 tỷ đồng.
Theo đó, để đủ vốn điều lệ theo chứng nhận đăng ký kinh doanh cách đây 5 năm, VMS South đã phải trích tổng công gần 80 tỷ đồng từ các Quỹ đầu tư phát triển (35,4 tỷ) và Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp (41,88 tỷ) để tăng vốn mà không yêu cầu thêm vốn thực góp từ đơn vị chủ quản.
Trong số 735 tỷ đồng vốn nhà nước, VMS South đã dùng tới 336 tỷ đồng vốn để đầu tư vào hàng chục công ty con và năm 2015 đầu tư vào 2 công ty liên kết là CTCP Trục vớt Cưu hộ Việt Nam (49% vốn) và CTCP Cơ khí Hàng hải Việt Nam (29% vốn).
Đáng chú ý, đơn vị kiểm toán BCTC của Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Việt Nam năm 2015 là công ty TNHH kiểm toán VACO đã nêu ý kiến kiểm toán ngoại trừ về các con số trong BCTC hợp nhất liên quan đến các công ty con trực thuộc Tổng công ty do VACO không được bổ nhiệm để kiểm toán các đơn vị này.
Đến hết năm 2015, tài sản của các công ty con này là 397,2 tỷ đồng – chiếm tới 30,41% tổng tài sản của BCTC hợp nhất và tổng doanh thu các công ty con cũng chiếm 18,26% tổng doanh thu BCTC hợp nhất.
Ngoài việc dành phần lớn vốn của mình cho hoạt động đầu tư, VMS South còn chứng minh tổng công ty khá “thừa tiền” khi luôn duy trì số dư khoản tiền gửi ngân hàng ở mức hàng trăm tỷ đồng – chiếm gần 20% tổng tài sản.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2015, VMS South có tới 137 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và 102 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dưới 3 tháng – đây đều là những khoản tiền có mức sinh lời rất thấp.
Ước vọng 2016 quá tầm với?
Theo quyết định phê duyệt Chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016 – 2020 được Bộ trưởng Bộ GTVT khi đó là ông Đinh La Thăng ký, VMS South được giao nhiệm vụ có phần “bất khả thi”.
Cụ thể, Bộ GTVT kỳ vọng VMS South “trở thành nhà cung cấp dịch vụ Bảo đảm an toàn hàng hải uy tín và lớn mạnh hàng đầu khu vực và quốc tế”, “phấn đấu đến năm 2020, hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn hàng hải ở nước ta đạt trình độ tiên tiến so với khu vực và theo kịp xu thế phát triển của thế giới”.
Kế hoạch lợi nhuận của VMS South năm 2016 tăng gấp đôi so với thực hiện năm 2015 |
Bộ GTVT giao VMS South hoàn thành chỉ tiêu doanh thu năm 2016 đạt mức 2.474 tỷ đồng – tức tăng 2,3 lần so với kết quả thực hiện năm 2015, bên cạnh đó, chỉ tiêu này sẽ phải tăng lên mức 3.445 tỷ đồng vào năm 2020.
Lợi nhuận thực hiện sau thuế năm nay cũng được kỳ vọng tăng gấp 2 lần so với năm 2015, đạt mức 84 tỷ đồng và sẽ tăng liên tục lên 102 tỷ đồng trong năm 2020.
Tuy nhiên, xét theo tình hình hiện tại, VMS South còn đang “loay hoay” với số vốn nhà nước hàng trăm tỷ đồng đang được đầu tư, kết quả kinh doanh sa sút thời gian qua và hàng loạt những lùm xùm xung quanh công tác nhân sự tại Tổng công ty này, thì việc hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ chủ quan giao thực hiện trong 5 năm tới có phần “quá tầm” đối với VMS South.
Ngày 20/6/2014, Bộ GTVT có công văn yêu cầu VMS South thu hồi quyết định của hội đồng thành viên VMS South ban hành ngày 19/2/2014 về việc bổ nhiệm ông Phạm Tuấn Anh - Trưởng phòng an toàn hàng hải - giữ chức Phó tổng giám đốc VMS South.
Lý do: VMS South thực hiện bổ nhiệm phó tổng giám đốc vượt số lượng mà không được Bộ GTVT đồng ý. Ông Phạm Tuấn Anh là con trai ông Phạm Đình Vận - nguyên Tổng giám đốc VMS-South. Sau khi ông Tuấn Anh được bổ nhiệm, ông Vận nhận quyết định nghỉ hưu. Đến ngày 1/3/2014, ông Phạm Quốc Súy (em trai ông Vận) nhận chức Tổng giám đốc VMS-South.
Đến tháng 7/2015, theo thông tin từ BCTC hợp nhất của VMS South thì ông Phạm Tuấn Anh lại bất ngờ được quay lại giữ chức Phó Tổng giám đốc Tổng công ty thay cho ông Lê Văn Chiến, đảm bảo VMS South vẫn có 4 Phó TGĐ theo quy định |
Ngày 25/11/2015, liên quan các nội dung tố cáo "gia đình trị" tại Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có Kết luận số 13802/KL-BGTVT xác minh mối quan hệ gia đình giữa các cá nhân được nêu trong đơn tố cáo (30 người) hiện đang làm việc tại Tổng Công ty và đơn vị thành viên với nguyên Tổng giám đốc Phạm Đình Vận từ năm 2005 đến nay. Theo kết luận, để làm rõ về tố cáo trên, Tổ xác minh đã làm việc trực tiếp với 30 người có tên trong đơn tố cáo, kết quả như sau: Có 8 người có quan hệ gia đình (chị ruột, cháu ruột, cậu ruột, em họ) với ông Phạm Đình Vận. Trong đó có 5 người giữ các chức vụ, 3 người không có chức vụ. Trong số 5 người giữ chức vụ có 1 người giữ chức Phó Tổng giám đốc Tổng công ty, 1 người giữ chức Chánh Văn phòng, 1 người giữ chức Phó giám đốc công ty, 1 người giữ chức Trưởng phòng kế hoạch và 1 người giữ chức Phó phòng kế toán công ty. Số người có chức vụ còn lại có 7 người có quan hệ họ hàng (cháu rể, anh rể, cháu dâu, cháu vợ) với Tổng giám đốc. |
Theo ANTT