Các doanh nghiệp khẳng định việc TPP có lỗi hẹn hay không thì doanh nghiệp Việt vẫn đã và đang đầu tư, cải cách mạnh mẽ đủ sức cạnh tranh trên thị trường hội nhập. |
Câu chuyện được các doanh nghiệp chia sẻ nhiều tại Diễn đàn kinh doanh 2016 chiều ngày 29/9 ở TP.HCM, là khả năng Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ không được Quốc hội Mỹ thông qua như dự kiến.
So sánh GDP cả nước 9 tháng năm chỉ tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước là 6,53%, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành e ngại về sự tăng trưởng không vui của nền kinh tế. Vị này cũng nhắc lại tin vui dồn dập thời điểm này năm ngoái, khi TPP được ký kết. Tuy nhiên, sau đúng một năm, hiệp định thương mại được chờ đợi này lại có khả năng không được thông qua.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng chia sẻ những vướng mắc của TPP lúc này. Theo ông Khánh, nếu 11 nước còn lại thông qua nhưng Mỹ không đồng ý thì hiệp định cũng không có hiệu lực.
Hiện mọi thứ đều đang chờ đợi chính quyền của Tổng thống Obama nỗ lực để có thể thông qua TPP, cũng là vì lợi ích của chính nước Mỹ.
"Không nước nào tham gia TPP vì mục đích của nước khác, nên tôi mong là Quốc hội Mỹ cũng sẽ thông qua đúng thời điểm, vì lợi ích của họ.
Nhưng quan trọng hơn, tôi muốn nói là nếu không có TPP thì chúng ta cũng không dừng sự phát triển, không dừng sự cải cách nền kinh tế. Các quy định của TPP là cùng chiều với nỗ lực cải cách của Việt Nam, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển theo đúng quy luật của nền kinh tế thị trường", ông Khánh nói.
Với các doanh nghiệp, câu chuyện TPP lỗi hẹn dù không phải mong đợi nhưng được cho có phần lại mang lại cơ hội, nhất là doanh nghiệp nhỏ có thêm thời gian đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư U&I Việt Nam thẳng thắng: "Dù có hay không có TPP thì chúng tôi vẫn tin môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam ngày càng tốt hơn".
Theo ông Tín, câu chuyện doanh nghiệp chuẩn bị cho TPP thời gian qua phân rõ 2 khối. Khối FDI chuẩn bị rất kỹ. Các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã đầu tư chuẩn bị rất tốt và đợi cơ hội. Trong khi khối doanh nghiệp Việt với tâm lý thận trọng lại... đứng chờ.
"Không phải chúng tôi không có tinh thần hội nhập, mà tinh thần của doanh nghiệp Việt là đi vững chắc. Chúng tôi luôn lo cho mình trước, không mơ hồ, không chạy trước đón đầu mà luôn cố gắng củng cố sức khỏe doanh nghiệp , đầu tư vững với lĩnh vực cốt lõi. Nếu doanh nghiệp khỏe thì không lo yếu thế khi hội nhập", ông Tín nói.
Cùng quan điểm này, nhiều doanh nghiệp Việt cho rằng TPP dù có hay không thì doanh nghiệp vẫn phát triển. Doanh nghiệp luôn buộc phải chuẩn bị để thích ứng với sự vận động, thay đổi của thị trường.
Điều mong đợi nhất với họ là môi trường kinh doanh của Việt Nam phải ngày càng tốt, đẩy chỉ số cạnh tranh tăng lên, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ cần vững chắc...
Với ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam thì khó hy vọng TPP thành hiện thực trong năm nay. Vị này cho rằng mình có một chút thất vọng vì cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu không như dự kiến.
Tuy nhiên, CEO này khẳng định điều ông mong mỏi nhất vẫn là Chính phủ tiếp tục cải tiến mạnh mẽ môi trường đầu tư, đổi mới, phát triển nền kinh tế... tạo sức bật để sản phẩm Việt đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
"Phát triển với tinh thần đó là cần thiết nhất. Doanh nghiệp chúng tôi ủng hộ tinh thần đó. Tôi mong mỏi việc đổi mới mạnh mẽ hơn. Cốt lõi của vấn đề nữa là phát triển nguồn nhân lực trong nước, đừng thay đổi liên tục chính sách sẽ khó cải tiến môi trường kinh doanh", ông Huệ chia sẻ.
Ông cũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt ngày càng ý thức hơn vai trò của mình trong nền kinh tế thế giới. Doanh nghiệp cũng phải giữ tính cạnh tranh cho mình, phát triển tốt, sẵn sàng hội nhập, cạnh tranh dù bất cứ lúc nào, ở đâu chứ không ngồi chờ các hiệp định.
Theo Zing