Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ
Ủy ban Chống bán phá giá thuộc Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học Úc hôm 7-10 đã ra quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép mạ hợp kim từ VN.
Trước đó vài ngày, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương cho biết liên tiếp hai sản phẩm thép cán nguội và thép cacbon VN đã bị một số công ty Mỹ nộp đơn khởi kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.
Trong đơn kiện gửi Bộ Thương mại Mỹ (DOC), nguyên đơn nêu rõ trước đó Mỹ đã áp thuế thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp rất cao đối với thép TQ, với mức tương ứng là 200% và 256%. Sau khi Mỹ áp dụng các mức thuế trên, lượng thép xuất khẩu của TQ sang Mỹ giảm mạnh. Ngược lại, lượng thép xuất khẩu cùng loại từ VN sang Mỹ lại tăng đột biến.
Do đó, phía doanh nghiệp Mỹ nghi ngờ các công ty TQ không sản xuất sản phẩm này ở TQ mà chuyển qua các nhà máy của VN gia công, sản xuất một công đoạn nhỏ rồi xuất vào Mỹ để hưởng chênh lệch thuế, né thuế.
Trước đó, nhiều sản phẩm thép khác của VN cũng đã bị kiện chống bán phá giá tại thị trường Mỹ. Đơn cử như ống thép hàn cacbon, đinh thép, ống thép dẫn dầu, ống thép không gỉ chịu lực, mắc áo thép.
Không chỉ thép mà một số mặt hàng khác như nhựa, gỗ, đá granite… cũng rơi vào trường hợp tương tự. Đại diện một công ty đá granite VN cho biết cách nay không lâu, Thổ Nhĩ Kỳ có kết luận rằng các công ty VN đã thực hiện hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá mà nước này áp dụng đối với sản phẩm đá granite nhập khẩu từ TQ. Do đó, mức thuế chống bán phá giá đang áp dụng với đá granite nhập khẩu từ TQ (174 USD/tấn) cũng sẽ được áp dụng đối với đá granite nhập khẩu từ VN.
“Với mức thuế cao như vậy khiến các công ty VN chịu chung số phận và coi như mất thị trường Thổ Nhĩ Kỳ” - đại diện công ty trên cho hay.
Tôn, thép Việt bị Mỹ, EU cho vào danh sách bị kiện vì nghi ngờ tiếp tay cho hàng TQ. |
Mối nguy cho hàng Việt
Giới kinh doanh nhận định việc bị vạ lây từ hàng TQ là mối nguy cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính của VN.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, đây là một hình thức gian lận thương mại, lẩn trốn thuế tinh vi của công ty nước ngoài khi bị các thị trường lớn như Mỹ, EU đánh thuế chống bán phá giá cao. Đây cũng là hiện tượng biến tướng của đầu tư nước ngoài với nhiều hành vi lẩn tránh thuế do chính công ty nước ngoài thực hiện.
“Bên cạnh đó cũng có trường hợp có sự tiếp tay của một số công ty VN. Theo đó các công ty này nhập khẩu hàng hóa nguyên kiện, thậm chí sản phẩm hoàn thiện vào VN, đóng gói “Made in Vietnam” và xin giấy chứng nhận xuất xứ của VN rồi xuất sang một số nước nhằm lẩn trốn thuế” - ông Hiếu chỉ rõ.
Việc gian lận thương mại này gây ảnh hưởng lớn đến hàng Việt khi xuất khẩu sang các thị trường, làm thu hẹp thị trường hàng Việt. Trong khi đó hàng gian lận của TQ lại được hưởng lợi một cách thiếu minh bạch.
“Thực tế không ít doanh nghiệp làm ăn tử tế bị điều tra oan, mất uy tín và bị bạn hàng nghi ngờ chất lượng” - đại diện một công ty phân tích.
Giải pháp thoát kiện
Nhiều ý kiến cho rằng để tự bảo vệ mình, chống lại hiện tượng gian lận từ hàng hóa TQ, các công ty trong nước cần minh bạch hóa thông tin về sản phẩm, chứng minh sản phẩm của mình là do VN sản xuất. Song song đó tích cực cung cấp bằng chứng cho cơ quan chức năng về việc hàng TQ mạo danh xuất xứ VN để cung cấp cho cơ quan quản lý.
Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cho hay trước đây sản phẩm đồ gỗ nội thất VN xuất sang Mỹ cũng rơi vào tình trạng như các sản phẩm thép và một số mặt hàng đang gặp phải. May mắn là sau đó Mỹ đã bãi bỏ thuế chống bán phá giá đối với đồ gỗ của VN. Trong khi đó Mỹ vẫn áp thuế chống bán phá giá với TQ rất cao.
“Lý do ngành gỗ thoát kiện vạ lây từ TQ là nhờ các công ty VN đã chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu gỗ không lấy từ TQ” - ông Mạnh cho hay.
Luật sư Ngô Quang Thụy, từng nhiều năm đại diện cho các công ty VN trong các vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ, lưu ý trong vụ kiện thép hiện nay nguyên đơn đang cáo buộc chống lại cả ngành thép của VN chứ không chỉ là những nhà xuất khẩu cụ thể. Thực tế cho thấy thường không có cáo buộc né thuế trên phạm vi toàn quốc như vậy.
“Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ hội để công ty thép Việt chứng minh với phía Mỹ để họ cân nhắc. Chẳng hạn trả lời đầy đủ câu hỏi cáo buộc, cung cấp thông tin chứng minh không có bất kỳ sự ưu đãi nào…” - luật sư Thụy khuyến cáo.
Lo lắng vì Trung Quốc đầu tư ồ ạt Các chuyên gia cảnh báo nhiều công ty đầu tư nước ngoài tại VN, nhất là công ty TQ đã không đầu tư dây chuyền sản xuất mà chủ yếu nhập khẩu sản phẩm; thực hiện một số gia công đơn giản rồi xuất sang nước khác để tránh thuế chống bán phá giá. Điều này gây ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu các công ty trong nước vì bị các nước nhập khẩu kiện lây do nghi ngờ tiếp tay. Đơn cử, ngành gỗ Việt hiện lo lắng trước sự đầu tư ồ ạt của TQ vào VN. Hiện số lượng công ty gỗ TQ đã chiếm đến 1/3 tổng số công ty ngành gỗ. Đáng ngại là một số công ty TQ nhập khẩu nguyên liệu gỗ, thậm chí là bán thành phẩm từ TQ, chuyển sang VN lắp ghép và sơn rồi lấy chứng nhận xuất xứ VN để xuất khẩu. Hệ quả là một số nước như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… đã điều tra lẩn trốn thuế, áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm gỗ tấm, gỗ dán VN |
Phòng vệ từ xa VN cần thường xuyên tra cứu các mặt hàng bị các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật… áp thuế chống bán phá giá, đồng thời tìm hiểu thông tin những mặt hàng nước láng giềng đang bị kiện và chịu thuế cao. Khi phát hiện ra những công ty xuất nhập khẩu tăng đột biến mặt hàng trùng với các mặt hàng bị áp thuế chống bán phá giá hoặc đang điều tra thì hải quan cần có cảnh báo cho các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra. |
Theo PLO