Chính thức đề xuất bỏ tội 'kinh doanh qua mạng bị đi tù'

Thứ sáu, 21/10/2016, 16:21
Tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292, Bộ luật Hình sự) vừa được Chính phủ đề xuất bỏ trong tờ trình ra Quốc hội.

Theo nội dung Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự do Bộ trưởng Tư pháp - Lê Thành Long trình bày tại Quốc hội sáng 21/10, dự thảo Luật đã đề xuất bỏ Điều 292 Bộ luật Hình sự 2015 - quy định tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Theo tờ trình, tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292) là một trong 10 tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, quy định về cấu thành tội phạm này không phản ánh rõ mối nguy hại cho an toàn công cộng mà thực chất đây là cấu thành tội “kinh doanh trái phép” trên môi trường mạng. Xét về bản chất, đây là một tội phạm về kinh tế nhưng lại được đặt ở chương "các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng".

Hơn nữa, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có đến 267 nghề, việc... thì chỉ quy định kinh doanh qua mạng bị xử lý hình sự là chưa hợp lý. “Như vậy, là có sự bất bình đẳng và thiếu nhất quán. Do đó, xét trong bối cảnh tội kinh doanh trái phép đã được bãi bỏ thì cũng cần bãi bỏ Điều 292”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết, trong quá trình xây dựng dự án Luật, cũng có ý kiến cho rằng việc Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định như nội dung Điều 292 là cần thiết. Tuy nhiên, cần xem xét thu hẹp phạm vi của tội phạm này cho phù hợp hơn, ít nhất là phải bao quát được hành vi kinh doanh sàn vàng trái phép hoặc kinh doanh đa cấp trái phép trên mạng, thu lợi bất chính lớn.

Thẩm tra dự luật này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp - Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đều tán thành bỏ Điều 292.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị việc xử lý hình sự với hành vi kinh doanh vàng trên tài khoản, kinh doanh đa cấp bất chính… trên mạng do phạm vi ảnh hưởng, tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội. Việc hình sự hóa các hành vi này cần cân nhắc để quy định trong cấu thành định tội, định khung hình phạt, bảo đảm chặt chẽ.

"Đây là những vấn đề có liên quan đến quản lý Nhà nước chuyên ngành và quá trình thẩm tra có ý kiến đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương. Do đó, đề nghị cần có quan điểm chính thức của Chính phủ", bà Nga nêu quan điểm.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích