Nước mắm truyền thống sản xuất tại Phú Quốc. |
Choáng váng
“Thông tin Arsen do Vinastas công bố khiến những người làm nghề sản xuất nước mắm choáng váng. Từ trước giờ chúng tôi chưa thấy ảnh hưởng gì, nhưng nếu không nói rõ thì trong lâu dài sẽ ảnh hưởng đến người sản xuất và tâm lý hoang mang lo lắng người tiêu dùng”- ông Mạch Văn Nhỉ (Ba Nhỉ), Giám đốc Cty TNHH MTV Sản xuất - thương mại Đại Phát nói.
Ông Nhỉ cho biết, hơn một năm qua, Cty Đạt Phát (tọa lạc Khu công nghiệp Hòa Trung, huyện Cái Nước, Cà Mau) phối hợp với Viện Công nghệ sinh học và Công nghiệp thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) thực hiện đề án chế biến sản xuất nước mắm Mạch Long từ nguyên liệu đầu vỏ tôm và cá cơm bằng qui trình khép kín. “Thành công của chúng tôi là chế biến phế phẩm của tôm nguyên liệu xuất khẩu thành chính phẩm” - ông Ba Nhỉ nói, đồng thời cho biết, mỗi năm, Cty sẽ tiêu thụ 300.000 tấn nguyên liệu đầu vỏ tôm và cá biển.
Sản phẩm nước mắm Đại Phát chiết xuất từ đầu vỏ tôm và cá biển được tiêu thụ ở thị trường trong nước và được Tập đoàn CP Thái Lan bao tiêu và xuất sang thị trường Trung Quốc. Ông Nhỉ cho biết, dây chuyền sản xuất nước mắm của Cty Đại Phát có công suất 600.000 lít/năm. Hiện tại đang sản xuất được khoảng 200.000 lít/năm và sản lượng đang tăng dần. Tuy nhiên, việc công bố về Arsen vừa qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tăng sản lượng của Đại Phát. “Việc công bố Arsen mập mờ, không rõ ràng sẽ giết chết nghề sản xuất nước mắm truyền thống và gây hoang mang trong dư luận”- ông Nhỉ bức xúc.
Ông Đặng Lợi, chủ hãng nước mắm Huế Bụng ở thị trấn cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) mấy hôm nay đứng ngồi không yên. “Việc công bố hàm lượng Arsen trong nước mắm của Vinastas đã góp phần bóp chết nghề sản xuất nước mắm truyền thống”. Ông Đặng Lợi là con trai út của ông Đặng Đốc, người tạo dựng cơ nghiệp nước mắm từ hai bàn tay trắng. “Cha tôi đã làm nên sự nghiệp từ nghề nước mắm bằng tên thường gọi Huế Bụng nên gia đình đã giữ thương hiệu nước mắm Huế Bụng”- Ông Lợi chia sẻ.
Theo ông Lợi, nước mắm truyền thống chế biến từ cá cơm tươi, khai thác từ biển, có hương vị riêng do cách ủ, chượp, chiết xuất thủ công. Sản phẩm truyền thống xưa kia rất được người tiêu dùng địa phương ưa chuộng. Tuy nhiên, theo ông Lợi, nghề làm nước mắm truyền thống ở cửa biển Sông Đốc hiện đang dần dần mai một do nước mắm công nghiệp. Riêng hãng nước mắm Huế Bụng có công suất 500.000 lít/năm nhưng hiện vẫn chưa vận hành hết công suất.
“Chúng tôi đang cố gắng tăng công suất, sản lượng nước mắm truyền thống, nhưng với thông tin bất lợi như hiện nay, việc sản xuất sẽ gặp không ít trở ngại”- ông Lợi lo ngại. Ông chủ hãng nước mắm Huế Bụng không kém phần bức xúc: “Thông tin nói rằng Arsen trong nước mắm truyền thống có độ đạm cao sẽ giết chết sản phẩm. Ở đây, chúng tôi sản xuất nước mắm loại 1 với giá bán 40.000 đồng/lít, có độ đạm cao. Nếu nước mắm loại thông thường chỉ có 10.000 đồng/lít”.
Những người kinh doanh nước mắm hoang mang. |
Kiến nghị giải oan cho nước mắm truyền thống
Chiều 21/10, trao đổi với PV, bà Hồ Kim Liên-Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Cty CP TM Khải Hoàn chuyên sản xuất nước mắm truyền thống nổi tiếng tại Phú Quốc cho biết, mấy ngày nay những người sản xuất nước mắm truyền thống ở Phú Quốc rất bức xúc và Hiệp hội đã gởi đơn kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Y tế yêu cầu làm rõ các thông tin mà Vinastas nêu gần 70% nước mắm truyền thống chứa Arsen vượt ngưỡng. Đồng thời, yêu cầu giải oan cho sản phẩm nước mắm truyền thống đang gặp khó mấy ngày nay.
Theo lời bà Liên, sản phẩm nước mắm truyền thống, trong đó có nước mắm Phú Quốc hiện đã là thương hiệu của quốc gia, được dán nhãn chỉ dẫn địa lý và bảo hộ thương hiệu tại nhiều thị trường nước ngoài. Trong khi Vinastas công bố thông tin mập mờ làm ảnh hưởng uy tín của sản phẩm. Bà Liên cho rằng, khảo sát của Vinastar là không trung thực, không rõ ràng. Bà cho biết thêm, các tiêu chuẩn chất lượng, độ đạm… của nước mắm Phú Quốc đều do Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cấp phép và chứng nhận. Hơn nữa, trong hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng không có Arsen vượt ngưỡng.
Theo bà Liên, lượng tiêu thụ nước mắm chỉ khoảng 400ml/người/tháng trong khi dư lượng Arsen vô cơ nếu có trong sản phẩm cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Trong khi đó, lượng Arsen vượt ngưỡng trong các sản phẩm nước mắm mà Vinastas vừa công bố là Arsen hữu cơ, không độc hại cho cơ thể và tự đào thải trong quá trình trao đổi chất của cơ thể. Bên cạnh đó, bà cho rằng, nước mắm truyền thống Phú Quốc không chỉ bán ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước khác như: Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… Hầu hết thị trường nước ngoài đều không có ý kiến gì về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm.
Ông Phạm Ngọc Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm CLB nước chấm TPHCM nói: “Tôi đề nghị cần công bố kết quả 2 loại Arsen hữu cơ và Arsen vô cơ. Nếu tổng hợp cả hai loại sẽ gây ra hiểu nhầm, ảnh hưởng đến sản xuất và người tiêu dùng”.
Chính thức kiến nghị Thủ tướng xử lý Chiều 21/10, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, đơn vị này cùng 4 hiệp hội sản xuất nước nắm truyền thống đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng và các bộ ngành kiểm tra, xử lý nghiêm vụ Vinastas công bố “nước mắm nhiễm Arsen”- thạch tín, gây hoang mang cho người tiêu dùng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nước mắm truyền thống. |
Theo Tiền Phong