Vinamilk thuê Morgan Stanley tư vấn bán vốn với mức phí “bèo bọt”

Thứ hai, 24/10/2016, 17:58
25.000 USD là mức phí mà Morgan Stanley nhận được trong thương vụ tư vấn bán vốn Nhà nước tại Vinamilk trị giá hơn 800 triệu USD. Dù được đánh giá là khá "bèo bọt" nhưng trên thực tế rất nhiều ngân hàng đầu tư ngoại muốn nhảy vào các thương vụ này.

Theo bình luận của tờ FT, việc Morgan Stanley nhận mức phí tư vấn “bèo bọt” như trên hoàn toàn tương phản với khoản thu nhập kỷ lục 120 triệu USD trong thương vụ tư vấn cho Bayer thâu tóm Monsanto với giá 62 tỷ USD.

Tuy nhiên, có ít nhất một ngân hàng đầu tư khác cũng sẵn sàng nhận thương vụ tư vấn cho Vinamilk với mức giá tương tự. FT cho rằng, đây là một ví dụ mới nhất về việc các ngân hàng đầu tư đang gặp khó khăn tại khu vực này, nơi vốn có lịch sử “hà tiện” trả phí cho các thương vụ tư vấn.

Morgan Stanley là ngân hàng đứng đầu liên danh chịu trách nhiệm tư vấn đợt bán 9% cổ phần trong CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Thương vụ trị giá 823 triệu USD tính theo thị giá hiện tại này cũng đang nhận được sự quan tâm theo dõi của nhiều ngân hàng đầu tư trong khu vực.

Nhiều ngân hàng không nằm trong liên danh tư vấn tỏ ra ngạc nhiên với mức phí trả trước khá thấp này ngay cả khi xu hướng hiện tại các doanh nghiệp nhà nước thường đưa ra mức phí rẻ do quy mô lớn. Morgan Stanley từ chối bình luận về điều này.

“Morgan Stanley sẽ không kiếm được gì từ nhà phát hành”, FT dẫn lời lãnh đạo một ngân hàng cũng “thèm muốn” thương vụ này cho biết.

Tuy nhiên, vị này cho hay, ngân hàng của ông cũng sẵn sàng chấp nhận mức phí thấp, vì khả năng thu được phí môi giới cao thông qua thương vụ.

"Hiện Chính phủ đang nắm 45% cổ phần Vinamilk. Thương vụ lần này chỉ bán 9%, do đó chắc chắn còn nhiều đợt chào bán trong tương lai”, ông chỉ ra.

Theo một thông báo từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đưa ra trước đó, trong thương vụ của Vinamilk, liên danh tư vấn sẽ tư vấn tổng thể phương án bán vốn, định giá khởi điểm, tư vấn tổ chức giới thiệu tìm kiếm nhà đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện các thủ tục liên quan để tổ chức bán cổ phần.

Thông thường, một tổ chức tư vấn sẽ kiếm tiền từ khoản phí môi giới và khoản phí cố định do các tổ chức phát hành trả trước. Trong đó, phí môi giới thường chiếm tỷ lệ nhỏ trong đợt chào bán và được áp dụng cho những người mua cổ phần của Vinamilk.

Mức phí này trung bình bằng 1% giá trị thương vụ. Hay nói một cách khác, 3 công ty nằm trong liên danh tư vấn bao gồm Morgan Stanley, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và VinaCapital sẽ có khoảng 8 triệu USD để chia nhau.

Theo một nghiên cứu của Thomson Reuters, tại châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, Morgan Stanley là ngân hàng dẫn đầu trong nghiệp vụ tư vấn bán vốn. Tính từ đầu năm, ngân hàng này thu về xấp xỉ 119 triệu USD tiền phí, theo thống kê của Dealogic.

Thời gian qua, một số ngân hàng đầu tư, bao gồm các tên tuổi lớn như Barclays, RBS và Deutsche Bank nhằm đối phó với các thách thức đã phải cắt giảm nhân lực trong khu vực. Goldman Sachs thậm chí phải giảm khoảng 15% nhân lực tại bộ phận ngân hàng đầu tư trong khu vực châu Á.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Việt Nam lại trở thành mục tiêu nóng cho các ngân hàng đầu tư bởi Chính phủ đang lên kế hoạch bán cổ phần tại hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước. Trường hợp của Sabeco và Habeco cũng đang nằm trong danh sách chờ đợi của các ngân hàng đầu tư nước ngoài sau khi Chính phủ Việt Nam tuyên bố bán toàn bộ cổ phần tại 2 hãng bia quốc doanh này.


Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích