PVC thời Trịnh Xuân Thanh đã tàn hại dự án Ethanol như thế nào?

Thứ tư, 02/11/2016, 09:57
Thanh tra Chính phủ vừa kết thúc cuộc thanh tra tại các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (ethanol). Theo thanh tra, cả 3 nhà máy ethanol sau khi đầu tư đi vào hoạt động đều thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại, toàn bộ vốn đầu tư với tổng số tiền đã thanh toán tính đến tháng 11/2014 là 5.401 tỷ đồng được cho là "chưa có hiệu quả". Thanh tra đã chuyển điều tra hồ sơ 2 dự án.

Theo Thanh tra Chính phủ, bắt đầu từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025” trong đó có đặt mục tiêu đến năm 2015 xây dựng và phát triển các cơ sở sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học trên phạm vi cả nước.

Tháng tháng 10/2007 đến tháng 3/2009, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã quyết định chủ trương đầu tư, chỉ đạo các đơn vị thành viên góp vốn thành lập 2 công ty cổ phần và 1 công ty liên danh để thực hiện đầu tư 3 dự án sản xuất ethanol nhiên liệu tại 3 miền gồm: Nhà máy nhiên liệu sinh học tại Phú Thọ, Khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi và tại Bình Phước. Mỗi nhà máy có công suất 100 triệu lít/năm, nguồn vốn đầu tư do các cổ đông góp 30% và 70% phải đi vay ngân hàng.

Tuy nhiên, qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ nhận định: Cả 3 dự án này tính đến nay, đều không đạt hiệu quả về đầu tư. Sau khi thực hiện xong dự án, các nhà máy đi vào hoạt động đều thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại.

"Toàn bộ vốn đầu tư vào 3 dự án với tổng số tiền đã thanh toán tính đến tháng 11/2014 là 5.401 tỷ đồng chưa có hiệu quả", Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Nhà máy Ethanol Dung Quất ngừng hoạt động.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/9/2014, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học có vốn góp của PVN và các đơn vị thành viên từ ngày 3/10/2014 - 5/1/2015. Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, giải trình của PVN, các chủ đầu tư và nhà thầu, mãi đến ngày 3/10/2016, Tổng Thanh tra Chính phủ đã chính thức có kết luận về vấn đề này.

Đoàn thanh tra đã phát hiện hàng loạt vi phạm trong sử dụng vốn đầu tư. Chủ đầu tư Công ty Hoá dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) đã sử dụng vốn cho dự án Phú Thọ vượt tổng mức đầu tư 217 tỷ đồng, PCB sử dụng vốn cho dự án Dung Quất vượt tổng mức đầu tư 237 tỷ đồng. PVB cũng thanh toán chi phí lập dự án đầu tư phân xưởng thu hồi CO2 lần thứ 2 cho nhà tư vấn CECO với số tiền gần 392 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, các dự án có công suất như nhau, cùng công nghệ sản xuất, thực hiện đầu tư cùng giai đoạn, ký hợp đồng EPC trong thời gian từ tháng 8/2009 đến tháng 4/2010, trong đó dự án Dung Quất và Phú Thọ được thực hiện sớm hơn nhưng chi phí đầu tư cao hơn nhiều so với dự án Bình Phước.

Các dự án cũng đều “đội vốn” so với phê duyệt ban đầu. Cụ thể, dự án Bình Phước có tổng mức đầu tư khi phê duyệt là 1.492,65 tỷ đồng nhưng vốn đầu tư đã sử dụng đến thời điểm thanh tra là tháng 11/2014 lên tới 1.742,76 tỷ đồng, tăng hơn 250 tỷ đồng.

Dự án Dung Quất khi phê duyệt tổng mức đầu tư là 1.493 tỷ đồng nhưng vốn đầu tư sử dụng lên tới 2.124 tỷ đồng, tăng 631 tỷ đồng.

Dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ ngày càng lâm sâu vào tình trạng bế tắc, tiềm ẩn nguy cơ khó tiếp tục thực hiện.

Tại dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ, cơ quan chức năng đã làm rõ nhưng sai phạm có liên quan đến nhà thầu là Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC)-thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch.

Cụ thể, Dự án Phú Thọ tổng mức đầu tư khi phê duyệt là 1.317,5 tỷ đồng, giá trị gói thầu EPC hơn 59 triệu USD nhưng trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư PVB và nhà thầu Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) đã điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC tăng thêm hơn 14,3 triệu USD. Đáng chú ý, theo Thanh tra Chính phủ, "các nguyên nhân tăng giá gói thầu đã không xuất phát từ nhu cầu dự án và yêu cầu của Chủ đầu tư".

Đặc biệt, dự án được khởi công sớm nhất nhưng chưa hoàn thành, nhà thầu PVC đã dừng thi công từ tháng 11/2011, vi phạm hợp đồng PVC, gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với dự án Phú Thọ, nhà thầu PVC đã đơn phương dừng thi công dự ángây hậu quả nghiêm trọng khiến toàn bộ máy móc, thiết bị lắp đặt đã bị han gỉ, vốn đã đầu tư 1.534 tỷ đồng chưa phát huy, tăng chi phí vốn vay và các chi phí khác; việc thi công các gói thầu, dự án thành phần thuộc nhà máy cũng bị ngừng trệ.

Tình trạng dự án này tồi tệ đến nỗi, Thanh tra Chính phủ phải đưa ra nhận định: "Đến tháng 9/2016, chủ đầu tư PVB, nhà thầu PVC và PVN vẫn chưa có giải pháp, dự án ngày càng lâm sâu vào tình trạng bế tắc, tiềm ẩn nguy có khó tiếp tục thực hiện".

Cũng tại dự án Phú Thọ, chủ đầu tư PVB còn lập và phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 1.317,5 tỷ đồng lên thành 2.484,9 tỷ đồng không đúng quy định về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chi ra hàng loạt khuyết điểm, vi phạm trong việc chỉ định nhà thầu thực hiện gói thầu EPC dự án Phú Thọ và Dung Quất; đàm phán hợp đồng, ký kết hợp đồng và điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC.

Với hàng loạt sai phạm, Thanh tra Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo PVN kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm, khuyết điểm theo từng việc cụ thể.

Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật đối với sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án tại Phú Thọ và Dung Quất có dấu hiệu cố ý làm trái và/hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, trong chỉ định thầu, trong ký kết và thực hiện hợp đồng EPC, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Trao đổi với PV, một cán bộ cấp vụ của Thanh tra Chính phủ cho biết, đây là 1 trong những cuộc thanh tra bị kéo dài thời gian nhất của Thanh tra Chính phủ (kéo dài suốt từ năm 2014 đến nay mới ra được kết luận), sau nhiều lần liên tục trì hoãn, gia hạn thời gian thanh tra do có những vấn đề "nhạy cảm".

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn