Intel có tiếp tục là “thỏi nam châm” FDI?

Thứ tư, 21/12/2016, 12:59
Tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, IPV đóng góp đến 72% giá trị xuất khẩu trong giai đoạn 2011-2015, hơn 4,5 tỉ USD.

Cách đây 10 năm, nhà máy Intel tại TP.HCM trở thành biểu tượng thu hút các vệ tinh đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam. Những động thái mới của Intel toàn cầu trong lĩnh vực Internet of Things (IoT) cũng sẽ tạo nên những chuyển biến mới trong nhà máy quan trọng này.

“Mỗi năm, trên thế giới có 1,3 triệu người chết vì tai nạn giao thông. Hãy tưởng tượng nếu các thiết bị ngày càng thông minh và được kết nối với nhau nhiều hơn, chúng ta sẽ hạn chế được những tai nạn như vậy. Điều này không phải là tuyệt vời sao?”, bà Sherry Boger, Tổng Giám đốc Intel Products Việt Nam (IPV), mở đầu câu chuyện về những hoạt động mới trong thời gian tới của Công ty ở thị trường Việt Nam.

Hoạt động mới này xoay quanh xu hướng IoT, xu hướng mà nhiều thiết bị có thể kết nối internet hơn không chỉ riêng điện thoại, máy tính hay máy tính bảng như hiện nay. Intel cho thấy định hướng của hãng trong tham vọng trở thành một công ty cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu. Hơn 2 năm trước, Công ty đã cùng với nhà mạng AT&T, hãng cung cấp thiết bị mạng Cisco, gia nhập liên minh thúc đẩy quá trình IoT nhanh hơn do General Electric khởi xướng.

Các công ty như Intel hay General Electric đã cảm nhận sức nóng của các doanh nghiệp thành công nhờ cung cấp nền tảng đi sau như Google với hệ sinh thái tìm kiếm, Facebook với mạng xã hội tương tác hay Apple với hệ sinh thái ứng dụng... Họ buộc phải chuyển hướng nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng mới.

General Electric đang đẩy nhanh Predix, một nền tảng giúp các thiết bị IoT của những nhà sản xuất khác nhau có thể trao đổi thông tin qua lại. Theo khẳng định của ông Denzil Samuels, người đứng đầu bộ phận phát triển đối tác toàn cầu của General Electric Digital tại diễn đàn Intel Developer ở San Francisco (Mỹ) vào tháng 8 vừa qua, Predix sẽ được nhúng vào trong mọi sản phẩm của Intel.

Về phần mình, đứng ngoài sự bùng nổ của các thiết bị di động, Intel rõ ràng không muốn lặp lại điều đó lần thứ 2 với IoT. Nhất là khi làn sóng này được Công ty Nghiên cứu Gartner dự báo sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều so với di động, với khoảng 24 tỉ thiết bị IoT được lắp đặt trên toàn cầu vào năm 2020.

Tổng Giám đốc Điều hành của Intel Brian Krzanich đầu năm nay cũng nhấn mạnh Intel sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực đang phát triển mạnh như trung tâm dữ liệu và IoT, đồng thời đầu tư vào bộ nhớ, mạch tích hợp. Sự phát triển trong các lĩnh vực này có thể giúp lợi nhuận của Intel tăng lên 2,2 tỉ USD so với năm trước và đóng góp 40% vào tổng lợi nhuận.

Động thái đó đang ngày càng thể hiện rõ ở IPV Việt Nam để đón đầu kỷ nguyên IoT. Đặc biệt, IoT có thể được ứng dụng vào hàng loạt lĩnh vực nóng tại Việt Nam như giao thông, y tế, nông nghiệp... Theo đó, năm 2017, IPV sẽ mở rộng nhà máy hiện tại. Hiện Công ty đã sử dụng gần một nửa trong 46.000m2 tổng diện tích khu sản xuất.

Đáng chú ý, nhà máy mở rộng sẽ chuẩn bị diện tích, theo bà Boger, là khá lớn cho các phòng sạch loại 10. Intel cũng đã kết hợp với VNPT Technology để hình thành một phòng lab nghiên cứu về IoT. Đây là phòng lab nghiên cứu về IoT hiện đại đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới cũng chỉ có 5-6 phòng lab như vậy.

Trước đây, IPV sử dụng phòng sạch loại 100 để sản xuất chip máy tính, phòng sạch loại 10 được dùng là để sản xuất các sản phẩm công nghệ hiện đại hơn, với kích thước nhỏ hơn để chuẩn bị cho các sản phẩm IoT. Hiện nay, IPV có hơn 1.300 nhân viên. Không tiết lộ con số về nhân lực tăng thêm trong thời gian tới vì nhân lực công nghệ cao ở Việt Nam vẫn thuộc “hàng hiếm” nhưng bà Boger không quá lo lắng vì chính sách đầu tư nguồn nhân lực của Công ty trong 10 năm qua.

Dự án Liên minh Giáo dục đại học ngành kỹ thuật (HEEAP) do Intel khởi xướng là một điển hình khi đến nay đã đào tạo được hơn 5.000 giảng viên, chuyên gia quản lý cao cấp cho 8 trường trên cả nước theo tiêu chuẩn ABET (tiêu chuẩn của các hiệp hội ngành nghề tại Mỹ). Đây sẽ là nguồn cung cấp nhân lực cho Intel và cả thị trường. Dù không nhiều nhưng rõ ràng tốt hơn so với con số không cách đây 10 năm.

Tính đến thời điểm hiện tại, Intel có 7 nhà máy sản xuất chip và 3 nhà máy lắp ráp, kiểm thử trên toàn cầu. IPV là nhà máy kiểm thử lớn nhất của Intel và đang giao nhiệm vụ phụ trách các sản phẩm quan trọng. Đến cuối năm nay, IPV sẽ cán mốc 600 triệu sản phẩm xuất xưởng.

“Nếu như trước đây, IPV chỉ sản xuất các dòng chip máy tính thì hiện chúng tôi sản xuất 26 dòng sản phẩm khác nhau, kể các dòng chip cho thiết bị đeo tay, máy bay không người lái... chỉ trong vòng 5 năm nay kể từ khi đưa nhà máy vào hoạt động. Tôi rất hài lòng với tốc độ phát triển của IPV”, bà Boger nói.

Sự thành công của IPV cũng là một điểm sáng cho nền kinh tế của khối FDI trong 10 năm qua. Nghiên cứu Tác động Xã hội và Kinh tế của IPV từ năm 2006 đến 2016 của Đại học Fulbright Việt Nam cho thấy giá trị gia tăng đóng góp vào GDP trong năm 2015 của IPV là 100 triệu USD, cao hơn 30 lần mức trung bình của các doanh nghiệp FDI khác.

Dù chỉ chiếm 5% cơ cấu lao động trong Khu Công nghệ cao TP.HCM nhưng IPV đóng góp đến 72% giá trị xuất khẩu trong giai đoạn 2011-2015, hơn 4,5 tỉ USD, chiếm 12,4% tổng xuất khẩu của TP.HCM và 18,2% xuất khẩu sản phẩm điện tử và linh phụ kiện cả nước (trừ điện thoại di động).

Ngay sau khi IPV đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo nhiều hãng công nghệ khác trên thế giới tham gia như Samsung, Cannon, LG, Fuji Xerox hình thành cụm ngành sản xuất thiết bị điện tử tại Việt Nam. Thời điểm đó, nhà máy Intel được đánh giá là “nam châm” hút các vệ tinh là các hãng công nghệ cao tới Việt Nam và đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới.

Một câu hỏi khá thú vị rằng khi chuyển mình thành một công ty cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, Intel sẽ thu hút các doanh nghiệp nào vào Việt Nam như đã từng làm cách đây 10 năm?

Theo một cuộc khảo sát vào năm ngoái của Hãng Tư vấn Mckinsey, IoT sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực như công nghiệp sản xuất, bán lẻ, xe hơi, vận chuyển, dịch vụ chăm sóc y tế, nhà ở... Việc có nhiều công ty cung cấp thiết bị cho các lĩnh vực nói trên đến Việt Nam trong thời gian tới là điều hoàn toàn có thể.

Tuy nhiên, giữ chân được các doanh nghiệp này hay không lại là chuyện khác. Thậm chí, theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP.HCM, ngay cả các công ty như Samsung hay Intel có thể dời cả nhà máy ở Việt Nam không một chút do dự nếu có địa điểm nào tốt hơn.

Nguyên nhân là các doanh nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam hiện vẫn quá yếu dù các doanh nghiệp FDI rất muốn kết nối với họ. Các chính sách hỗ trợ cho đến nay vẫn chưa có nhiều đột phá. Môi trường đầu tư mất cân đối trong một thời gian dài do ưu tiên doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI rồi mới đến doanh nghiệp vừa và nhỏ làm cho nhóm doanh nghiệp này không tồn tại hoặc rất ít.

So với 10 năm trước, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhỏ đi thể hiện qua quy mô vốn sau khi trừ đi lạm phát và sử dụng lao động đang thu hẹp dần. Nếu như 10 năm trước, trung bình một doanh nghiệp sử dụng 27 lao động, thì nay còn chưa tới một nửa. Nguyên nhân thứ 2 là sự yếu kém trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền nên các doanh nghiệp FDI gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển giao công nghệ.

Cả hai yếu tố trên đang làm Việt Nam mất dần lợi thế cạnh tranh. Theo ông Vũ Thành Tự Anh, ở các nước có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, khi một doanh nghiệp nước ngoài rời bỏ họ sẽ mất đi cả một chuỗi cung ứng. Còn ở Việt Nam, chẳng có gì níu kéo các doanh nghiệp này ở lại.

“Chúng tôi biết để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam là cả một cuộc hành trình. Và chúng tôi khẳng định cam kết sẽ đầu tư lâu dài ở Việt Nam”, bà Sherry Boger nói.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích