Dự án ngàn tỷ đắp chiếu: Càng làm càng lỗ, đắt khách đại gia

Thứ sáu, 06/01/2017, 09:01
Chính phủ, Bộ Công Thương đang quyết liệt xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả gây bức xúc trong dư luận. Các thông tin gần đây cho thấy, một loạt các nhà đầu tư “ngoại” đang sẵn sàng “giải cứu” các dự án ngàn tỷ thua lỗ, kém hiệu quả này.

Lối ra nào cho các dự án ngàn tỷ tai tiếng?

Với dự án xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng vốn 7.000 tỷ, lỗ 1.700 tỷ, lâm cảnh “đắp chiếu”, thông tin từ Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) cho biết, việc phá sản nhà máy này cũng đã được tính đến. Nhưng nếu vậy thì sẽ có nhiều hệ lụy xảy ra như lao động mất việc, khó khăn trong thanh toán các khoản vay… Cho nên đại diện PVN cho hay hiện nay đã có một nhà đầu tư Singapore để mắt và đề nghị hợp tác trong việc vận hành nhà máy xơ sợi này. Không tiết lộ nhà đầu tư cụ thể nhưng PVN cho biết đây là phương án đang được cân nhắc.

Một dự án khác cũng đang được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là Dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất - Quảng Ngãi đang lỗ 570 tỷ đồng và phải tạm dừng hoạt động. Một đối tác nước ngoài cũng đang muốn hợp tác để khôi phục lại sản xuất tại dự án này và đã bày tỏ mong muốn hợp tác vận hành nhà máy. Được biết, các thông tin trao đổi ban đầu đang được PVN làm việc với nhà đầu tư, song phương án cuối cùng còn chưa được thông tin cụ thể.

Dự án ethanol Phú Thọ có thể sẽ để phá sản.

Đối với dự án ethanol Phú Thọ đang dở dang, nằm “đắp chiếu”, nguồn tin của PV cho hay: Khả năng triển khai tiếp dự án này là khá khó khăn. Nhà thầu dự án là Tổng công ty CP xây lắp dầu khí (PVC) cũng có nhiều vấn đề, chưa kể thị trường tiêu thụ sản phẩm còn chưa mấy khởi sắc, giá thành sản xuất cao. Cho nên dự án này đang được cân nhắc phương án phá sản để tránh những thiệt hại tiếp theo.

Với dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), mới đây Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh lộ trình thoái vốn. Bộ Công Thương đã chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá của dự án. Một đại diện Bộ Công Thương cho hay, phải thẩm định giá xong thì mới có thể có phương án chính xác để xử lý TISCO như thế nào, nhưng trước mắt chủ trương là không để nhà máy phải phá sản. Vị này cũng cho biết sắp tới sẽ đề nghị thanh tra toàn bộ dự án.

Đại diện Bộ Công Thương cho hay, ít nhất đã có 3 DN thép trong nước ngỏ ý muốn mua lại dự án mở rộng giai đoạn 2 đang dang dở của TISCO. Vị này khẳng định quan điểm của Chính phủ là không đổ thêm tiền vào dự án này.

“Sắp tới sẽ đấu giá cổ phần nhà nước góp vào TISCO. Vốn Nhà nước vào TISCO khoảng hơn 1.000 tỷ, giờ thoái số vốn này.”, vị này cho hay.

Còn với dự án nhà máy gang thép Việt Trung ở Lào Cai – liên doanh với đối tác Trung Quốc đang lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, đại diện Bộ Công Thương cho hay, những năm đầu vận hành nhà máy bao giờ cũng có việc lỗ kế hoạch. Bên cạnh đó dự án mới đưa vào hoạt động chưa thể tăng được công suất định mức được. Ngoài ra, đúng vào lúc nhà máy đi vào hoạt động thì thép nước ngoài bán phá giá tràn vào, nên vừa rồi Bộ Công Thương đã áp dụng thuế tự vệ .

“Dự án này vẫn chưa đầu tư xây dựng nhà máy cán thép theo kế hoạch ban đầu, cho nên sắp tới chúng tôi sẽ yêu cầu liên doanh này đóng góp vốn để thực hiện cam kết đầu tư nhà máy cán thép, làm thành dây chuyền hoàn chỉnh. Như vậy sản phẩm sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh khi dùng nguyên liệu từ mỏ sắt Quý Xa”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Rốt ráo xử lý dự án kém hiệu quả

Ở tầm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban.

Cách đây ít lâu, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các vấn tồn tại ở các dự án lớn chậm tiến độ, kém hiệu quả trong ngành Công Thương. Trong Tổ công tác đặc biệt này, người đứng đầu ngành Công Thương giữ vai trò Trưởng ban.

Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay: Các dự án này diễn ra trong thời gian dài, thậm chí từ trước khi các tập đoàn được giao về Bộ Công Thương làm chủ quản. Khung khổ pháp lý lúc đó còn rất sơ sài, bộc lộ nhiều thiếu sót, sơ hở.

Dự án xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng nằm trong tầm ngắm của  nhà đầu tư ngoại

Trên quan điểm chống thất thoát tài sản của nhà nước ở những dự án kém hiệu quả, Bộ trưởng Công Thương cho hay: Trước tiên nghiên cứu các tồn tại, bất cập nguy cơ của dự án từ đó xác định, làm sao thu hồi lại tài sản của các dự án để giảm thiệt hại của nhà nước, đồng thời để các dự án tiếp tục được khai thác tốt nhất, hiệu quả cao nhất, phù hợp xu thế chung. Bên cạnh đó kiên quyết, triệt để làm rõ nguyên nhân của những tồn tại đó cả về mặt thể chế, chính sách con người; cả trách nhiệm tập thể, cá nhân từ lúc phê duyệt chủ trương đầu tư đến lúc phê duyệt dự án.

“Ở đây không chỉ dừng lại ở việc giải quyết dứt điểm dự án đó mà phải làm rõ nguyên nhân xử lý trách nhiệm, phải rút ra bài học về thể chế, khung khổ pháp lí, cũng như quản trị của DN, đặc biệt DNNN”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh và khẳng định việc sắp xếp đổi mới lại DNNN là nội dung quan trọng để khắc phục tồn tại yếu kém…

5 dự án ngàn tỷ được liệt kê dạng thua lỗ, kém hiệu quả là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy đạm Ninh Bình.

7 nhà máy, dự án khác đang có tình trạng tương tự vừa được điểm danh là đạm Hà Bắc, đạm DAP Lào Cai, DAP Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai.

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn