Tăng thuế môi trường xăng dầu lên 8.000 đồng/lít chỉ lợi cho "quản lý"

Thứ năm, 19/01/2017, 09:04
Đó là nhận định của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo "Kinh tế vĩ mô và Cải cách thể chế gắn với Hội nhập Kinh tế Quốc tế" vừa được Viện này tổ chức tại Hà Nội ngày 18/1.

Chia sẻ về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2017 hướng trọng tâm đi vào cải cách và phát triển, Viện trưởng Cung cho rằng điều hành kinh tế năm 2017 cần nhiều "đột phá" theo hướng tái cơ cấu kinh tế thay vì cách quản lý, kiểm soát như các năm qua.

Ông Cung nhấn mạnh, các cách điều hành cũ đã tới hạn, cần thay đổi tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh vì đây là yêu cầu bắt buộc, khách quan và rất thực tiễn từ môi trường kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp.

Dự thảo tăng thuế môi trường đối với xăng dầu đang vấp phải sự phản ứng của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (ảnh minh hoạ)

Bàn cụ thể về vấn đề kinh tế vĩ mô, ông Cung dẫn một ví dụ rất đáng lo ngại là mới đây Bộ Tài chính đã đưa ra Dự thảo tăng thuế môi trường đối với xăng dầu lên mức rất cao và không phù hợp ngay thời điểm đầu năm 2017.

"Năm 2017 chưa tạo ra được sự thay đổi gì thì ngay đầu năm Bộ Tài chính đã đưa ra Dự thảo tăng thuế môi trường đánh vào xăng dầu (dự kiến tăng mức thuế bảo vệ môi trường trong mỗi lít xăng dầu lên 3.000 - 8000 đồng/lít so với khung thuế cũ là 1.000 - 4.000 đồng/lít). Đây là cách điều hành chỉ nhìn vào việc thuận lợi trong quản lý của bộ máy chứ chưa nhìn về việc kiến tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng cho thị trường, doanh nghiệp", TS Cung nói.

Ông Cung dẫn chứng: Ở Đức giá điện không thu từ doanh nghiệp mà thu từ người dân trả cuối cùng. Giá điện nước này có 4 – 5 cấu phần; giá thành sản xuất, thuế môi trường, trợ cấp, tính vào giá người tiêu dùng cuối cùng phải trả và phần này doanh nghiệp không phải trả. Ở Việt Nam, chúng ta không thấy giảm chi phí cho doanh nghiệp, đây là yếu tố quyết định để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cạnh tranh, phát triển.

Cũng bàn về vấn đề tăng trưởng năm 2017 của nền kinh tế, TS Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Viện CIEM cho rằng: Năm 2017, chúng ta cần nhìn dài hạn ra 1 chút để thấy đâu là động lực cho tăng trưởng, cải cách chất lượng tăng trưởng và để điều này làm động lực cho bền vững.

"Vấn đề lao động và năng suất sử dụng vốn (TFP) đã được đưa ra trong nhiều báo cáo, có số liệu rõ hơn, nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Các năm 2016 - 2017, dư âm của một Chính phủ điều hành thúc đẩy tăng trưởng, nền kinh tế thiên về đầu tư tư nhân cũng được xác lập nhưng chưa cao, chưa rõ. Trong khi đó, các địa phương vẫn được phân bổ vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả sử dụng kém, chi thường xuyên chiếm đa số so với chi đầu tư phát triển", ông Thành khái quát.

Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế có chung nhận định: Năm 2017 nếu phải lựa chọn giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giữ thâm hụt ngân sách, nên lựa chọn ưu tiên giữ thâm hụt ngân sách thấp, không nên chạy theo tăng trưởng.

"Nhìn lại năm 2016, thâm hụt ngân sách rất lớn, ngay cả khi dự báo tăng trưởng thấp, Chính phủ không có biện pháp hữu hiệu để giảm chi ngân sách. Dự toán thu ngân sách không được điều chỉnh dù đầu năm qua nhìn rõ khó khăn của ngành khai khoáng và dầu mỏ. Khó khăn ngân sách, Chính phủ đã phát trành 25.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ hoàn thành trong 9 tháng, quý IV lại tiếp tục phát hành", các chuyên gia của CIEM cho biết.

Về việc phát trành 25.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ năm 2016, theo CIEM, điều này đã tạo ra bất định lớn cho khu vực tư nhân khi Nhà nước tham gia, can thiệp vào thị trường vốn. Ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng ban Kinh tế Vĩ mô (CIEM) phân tích: "Trái phiếu Chính phủ "chèn lấn" khả năng tiếp cận vốn trung và dài hạn của khu vực tư nhân. Nếu Chính phủ không tham gia, Ngân hàng Nhà nước vẫn hỗ trợ cho ngân hàng có thể số vốn trái phiếu Chính phủ quý IV sẽ chạy vào khu vực tư nhân. Đây là cơ hội đã bỏ qua cho khu vực tư nhân và tăng trưởng kinh tế".

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích