Từ ngày 8/2, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 7-11 tháng ở Ngân hàng Phương Đông (OCB) sẽ nhận mức lãi suất 6,6-7% mỗi năm, tăng 0,1-0,2% so với trước. Hiện lãi suất cao nhất của OCB là 7,7% với kỳ hạn 13 tháng trở lên.
Trước đó, vào ngày đầu tiên hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (mùng 6 Tết, tức ngày 2/2), Eximbank cũng công bố biểu lãi suất mới với tiền đồng, tăng 0,1-0,2% mỗi năm ở một số kỳ hạn. Hồi đầu tháng1, nhà băng này cũng đã tăng lãi 0,1-0,2% ở một số kỳ hạn.
Lãi suất tiền gửi có dấu hiệu nhích lên do nhu cầu hút vốn sau Tết. Ảnh: P.V |
Chị Bích Vân (quận 6, TP.HCM) chia sẻ, sau Tết Nguyên đán vợ chồng chị còn khoản tiền thưởng chưa dùng tới, cộng với số tiền mừng tuổi của con, nên đang tính chuyện gửi tiết kiệm vì gia đình không buôn bán gì, cũng đi làm cả ngày nên không có thời gian đầu tư. "So với cách đây mấy tháng, hiện lãi ngân hàng vừa cao hơn khoảng 0,5%, lại được tặng quà lì xì đầu năm", chị Vân chia sẻ sau mấy ngày tìm hiểu tại các nhà băng.
Giai đoạn cuối năm Âm lịch, thực tế các ngân hàng có động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động để hút khách gửi tiền. Theo đó, các ngân hàng như VPBank, DongA Bank, TPBank, Techcombank... đều đồng loạt cộng thêm 0,1-1,2% mỗi năm cho tiền gửi VNĐ ở một số kỳ hạn ngắn.
Bên cạnh việc tăng lãi suất, nhà băng cũng liên tục tung ra chiến dịch khuyến mãi hấp dẫn kèm theo để hút vốn như gửi tiền càng lớn, lãi càng cao; quay số dự thưởng, tặng quà lì xì đầu năm bằng các vật dụng tiêu dùng...
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần phía Nam cho rằng trước Tết, một lượng tiền được các công ty rút ra chi lương thưởng, còn người dân thì chi tiêu, mua sắm... "Giờ là giai đoạn các ngân hàng lên những chính sách hấp dẫn về lãi suất, khuyến mãi... để hút lại nguồn vốn", ông chia sẻ và cho biết thêm, việc tăng nhẹ lãi suất cũng là nhằm cân đối lại cơ cấu vốn hợp lý hơn.
Về phía nhà quản lý, Ngân hàng Nhà nước xác nhận trong những ngày đầu năm 2017, có vài ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động khoảng 0,1-0,3% một năm nhưng việc điều chỉnh lãi suất này chỉ diễn ra ở một số nhà băng quy mô nhỏ, không phản ánh xu hướng chung của toàn thị trường.
Theo Ngân hàng Nhà nước, với việc điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt là nghiệp vụ thị trường mở nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống các tổ chức tín dụng dịp cuối năm, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của toàn hệ thống tiếp tục ổn định.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,8-1% mỗi năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng; 4,5-5,4% một năm đối với tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5% mỗi năm cho kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và 6,4-7,2% một năm cho các khoản gửi dài hơn.
Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-7% mỗi năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, vay sản xuất kinh doanh thông thường 6,8-9% (ngắn hạn) và 9,3-11% (trung và dài hạn). Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 4-5% một năm.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thanh khoản hợp lý, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ nhằm phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất. Cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng cân đối vốn giữ ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động và và nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.
Theo VnExpress