Hầm đường bộ qua Đèo Cả: Chậm tiến độ, lộ nhiều sai sót trong triển khai

Thứ năm, 09/02/2017, 09:17
Kiểm toán phần đầu tư theo hình thức BT dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nguyên nhân chậm tiến độ của dự án và hàng loạt sai sót trong quá trình triển khai với giá trị hàng chục tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý sử dụng vốn đầu tư Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1 tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa theo hình thức BOT và BT.

Đoàn KTNN đã tiến hành kiểm toán dự án từ ngày 3/10/2016 đến ngày 1/12/2016 và kiểm toán phần đầu tư theo hình thức BT.

Phạm vi dự án kiểm toán từ điểm đầu tại Km1353+500 - QL1, điểm cuối tại Km1374+525 - QL1 (điểm cuối tuyến theo lý trình dự án là Km13+455). Dự án có tổng chiều dài tuyến phần BT là 9,5 km, hầm Cổ Mã dài 500m, đường dẫn và cầu trên tuyến 9km. Tổng nguồn vốn đầu tư là 2.931,6 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn vốn vay với 2.355,2 tỷ đồng.

Phối cảnh dự án hầm đường bộ đèo Cả, trong đó có hầm Cổ Mã

Theo kết quả kiểm toán, việc tính toán, xác định tổng mức đầu tư còn chưa hợp lý đã làm tăng tổng mức đầu tư điều chỉnh 3,87 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc về Tư vấn lập dự án (Liên danh tư vấn Egis Becoem International, Egis Structure & Environement và Công ty CP Tư vấn Xây dựng Hoàng Long) và Tư vấn điều chỉnh thiết kế cơ sở (Liên danh tư vấn Trường Sơn – Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) – Công ty CP Tư vấn Xây dựng Hoàng Long); đơn vị thẩm định là Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư; đơn vị phê duyệt là Bộ GTVT.

Công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự toán chất lượng chưa cao, còn tính toán sai khối lượng so với thiết kế kỹ thuật, áp dụng sai định mức, đơn giá và sai khác làm tăng giá trị dự toán tại các gói thầu trên 42,7 tỷ đồng (trong đó gói 6A do Bộ GTVT phê duyệt giá trị 977 triệu đồng).

Cụ thể, sai khối lượng hơn 25 tỷ đồng, sai đơn giá hơn 6,8 tỷ đồng và sai định mức hơn 10,6 tỷ đồng. Sai khác là 250 triệu đồng do tính sai hạng mục cấp điện phục vụ thi công.

Những sai sót trong dự toán, KTNN đã thực hiện giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện gần 8,3 tỷ đồng.

Trách nhiệm đối với tồn tại này thuộc về các đơn vị tư vấn thiết kế lập dự toán, đơn vị tư vấn thẩm tra là Viện Kinh tế xây dựng – Bộ Xây dựng, đơn vị thẩm định và phê duyệt dự toán là Bộ GTVT (đối với gói thầu 6A), Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả (đối với các gói thầu xây lắp), Bộ Tư lệnh công binh (đối với gói thầu Rà phá bom mìn).

Công tác quản lý chi phí vẫn còn những tồn tại như thanh toán sai khối lượng, sai đơn giá, định mức, sai khác dẫn đến kết quả kiểm toán giảm trừ chi phí với giá trị gần 31,4 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc về đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án (Ban quản lý dự án 85), Công ty CP Đầu tư Đèo Cả.

Về chấp hành chế độ quản lý và sử dụng vốn đầu tư, KTNN chỉ ra, trong quá trình thực hiện dự án còn sử dụng nguồn vốn chưa hiệu quả do chưa thu hồi kịp thời số tiền tạm ứng để thi công gói thầu số 12 dẫn đến làm tăng chi phí lãi vay 2,1 tỷ đồng. Khi nhận được số tiền tạm ứng nhà thầu hoàn trả do không thực hiện gói thầu số 30, đơn vị chưa giảm chi phí lãi vay đối với phần hoàn trả này nên làm tăng chi phí lãi vay 2,65 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc về Công ty CP Đầu tư Đèo Cả.

Việc bố trí kế hoạch vốn và giải ngân vốn Trái phiếu chính phủ cho dự án còn chậm. Nguồn vốn của dự án được Quốc hội phê duyệt tháng 11/2013 (dự án được bố trí 5.048 tỷ đồng cho phần BT hầm Cổ Mã và kinh phí giải phóng mặt bằng). Tuy nhiên, dự án mới được bố trí vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, riêng phần BT của dự án đến tháng 1/2016 mới được Bộ GTVT thông báo kế hoạch vốn do còn vướng mắc về thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư của dự án.

Trong thời gian từ 8/11/2016 đến 22/11/2016, dự án đã giải ngân được 1.422 tỷ đồng vốn TPCP cho phần BT.

Trách nhiệm này thuộc về Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan đã thiếu quyết liệt trong thực hiện thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư của dự án dẫn đến việc sử dụng vốn TPCP của dự án chưa hiệu quả.

Cũng theo KTNN, tiến độ thi công một số gói thầu chậm so với quy định trong hợp đồng ban đầu: gói thầu số 5 chậm 3 tháng, gói thầu số 10 chậm 14 tháng; gói thầu số 11 chậm 24 tháng; gói thầu số 12 chậm 11,5 tháng. Tuy nhiên, các gói thầu đã được cấp có thẩm quyền gia hạn tiến độ.

Theo tiến độ của dự án hoàn thành vào quý II/2016, tuy nhiên đến thời điểm kiểm toán, dự án vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân chậm tiến độ được cho biết do trong quá trình triển khai thi công phải điều chỉnh thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật theo các quyết định của Bộ GTVT ban hành năm 2014.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng tại hai địa phương Khánh Hòa và Phú Yên gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc bàn giao mặt bằng thi công chậm trễ, làm ảnh hưởng đến công tác triển khai các hạng mục tại dự án. Các hộ dân thường xuyên cản trở trong quá trình thi công (do không đồng tình với mức giá dù đã nhận tiền đền bù) làm chậm trễ đến việc triển khai các hạng mục tại dự án.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT chấp thuận điều chỉnh tiến độ của dự án hoàn thành vào quý I/2017.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn