Sáng 14/2, trao đổi riêng với Zing.vn, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung cho hay với việc thu hồi sim rác, các nhà mạng hầu hết “chưa làm hết trách nhiệm”.
Ông nói: “Lẽ ra các nhà mạng phải làm thế từ lâu rồi, nhưng họ chưa làm hết trách nhiệm nên giờ chúng tôi tăng cường giám sát để họ phải thu hồi. Nếu làm sai, chúng tôi sẽ xử phạt”.
Theo vị này, trong chuyến vi hành sau Tết Nguyên đán vừa qua, ông và đoàn công tác phát hiện người dân vẫn có thể mua được sim rác tại các đại lý nên ngay sau đó, Cục đã họp với các doanh nghiệp yêu cầu tăng cường thu hồi triệt để, tránh sai phạm.
“Chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp tăng cường thu hồi các sim rác trên thực tế thay vì chỉ trên hệ thống như trước đây. Họ phải tới từng đại lý để kiểm tra, xử lý. Sẽ phải đi rất nhiều nơi trên cả nước. Chúng tôi yêu cầu thế còn làm thế nào là việc của họ”, ông Trung nhấn mạnh.
Tuy vậy, ông Trung cũng thừa nhận sim rác tràn lan trên thị trường, trách nhiệm không chỉ ở nhà mạng.
Ông cho rằng hiện các quy định liên quan tới vấn đề này cũng chưa được rạch ròi về trách nhiệm giữa đại lý, doanh nghiệp trong việc để tồn tại sim rác.
“Chúng tôi đang đề xuất sửa đổi luật theo hướng nếu để xảy ra sai phạm ở đại lý thì doanh nghiệp cũng sẽ bị xử lý. Nói cách khác, luật mới sẽ quy trách nhiệm cơ bản về phía doanh nghiệp”, ông nói thêm.
Kết quả thu hồi sim rác đợt 1 tính đến ngày 2/12/2016. (Đơn vị: Triệu sim). Đồ họa: Kiều Vui. |
Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết ngoài lo xử lý sim rác trôi nổi, cơ quan chức năng còn đang tìm hướng xử lý tiền thừa trong các tài khoản rác. Nghị định 174 đã có quy định về việc này, nhưng theo ông Trung cũng cần sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp với thực tiễn hơn.
Trong khi đó, đại diện một nhà mạng lớn nói với Zing.vn, phần lớn sim rác thuộc diện bị thu hồi chỉ bị đóng băng tài khoản tạm thời. Đến khi khách hàng đăng ký lại thông tin chính chủ, tài khoản sẽ được trả lại cho khách. Vị này nói thêm số tiền trong phần lớn sim rác chủ yếu có sẵn từ nhà mạng. Từ 1/11/2016, thị trường hầu như chỉ có sim 0 đồng.
Trong báo cáo gửi Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung cho biết đến hết ngày 2/12 đã có hơn 12 triệu sim có dấu hiệu kích hoạt sẵn đã được gửi tin nhắn để xác nhận thông tin, trong đó hơn 600.000 thuê bao đã đăng ký lại thông tin.
Thống kê số sim đã được kích hoạt và số sim phải thu hồi của các nhà mạng trong tháng 10/2016, trước đợt thu hồi sim rác lần 1. (Đơn vị: Triệu sim). Đồ họa: Kiều Vui. |
Hơn 11 triệu sim rác đã bị khóa tài khoản trong đó có 3,8 triệu sim của VinaPhone, 3,7 triệu sim của Viettel và 3,3 triệu sim của MobiFone. Ông Trung khẳng định các sở đã và đang rất quyết liệt trong việc thanh tra, kiểm tra thu hồi sim kích hoạt sẵn.
Trong khi đó, đại diện đoàn kiểm tra của Bộ chủ quản thông tin theo báo cáo ngày 5/12 của các nhà mạng, trong tháng 10 Viettel đã kích hoạt 4,2 triệu sim, trong đó số sim phải chặn là 2,2 triệu; VinaPhone kích hoạt 2,8 triệu sim và phải chặn khoảng 1 triệu sim; MobiFone đã kích hoạt 1,8 triệu sim và phải chặn 500.000 sim.
Đáng chú ý, qua đầu số 456, trong tháng 11, cơ quan quản lý nhận được 14.961 lượt phản ánh tin nhắn rác, trong đó nhà mạng VinaPhone chiếm 50,3%; giảm 29% so với tháng trước; MobiFone chiếm 41,8%, tăng 13,8%; Viettel chiếm 6%, giảm 25,3%; Vietnamobile chiếm 1,7%, tăng 50%.
Tỷ lệ tin nhắn rác của các nhà mạng tháng 11/2016 qua phản ánh đầu số 456. Đồ họa: Kiều Vui. |
Nhà mạng Vinaphone nhận được hơn 5.000 khách hàng khiếu nại khóa nhầm thuê bao. Tuy nhiên, số khách hàng khiếu nại là không đáng kể so với tổng số sim bị khóa.
Với Viettel, tỷ lệ khiếu kiện, khiếu nại của khách hàng về việc bị chặn sim có tăng so với thông thường nhưng tăng không đáng kể và ở dưới mức dự báo của nhà mạng. Nhà mạng này cũng cho biết đã chặn tổng cộng 157 triệu tin nhắn rác trong 11 tháng qua và chặn 9,5 triệu tin nhắn rác chỉ riêng trong tháng 11.
Theo Zing