Xử lý sim rác: Nhà mạng gặp khó khăn gì?

Thứ tư, 15/02/2017, 11:33
Đây là lần đầu tiên kể từ khi bắt tay vào việc thu hồi sim rác, nhà mạng Vinaphone chia sẻ khó khăn trong khi các “ông lớn” khác vẫn tránh đề cập tới vấn đề này.

Đại diện VNPT Vinaphone, Viettel, Mobifone cho hay họ đã và đang triển khai nhiều giải pháp để thu hồi, hạn chế sim đã kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối đổng thời xử lý nghiêm các đại lý, điểm bán vi phạm theo lộ trình đã cam kết.

Vinaphone nhận 25.000 khiếu nại

Theo báo cáo ngày 5/12 vừa qua của nhà mạng, trong tháng 10/2016, Vinaphone kích hoạt 2,8 triệu sim và phải chặn khoảng 1 triệu sim. Trong khi đó, các đối thủ như Viettel đã kích hoạt 4,2 triệu sim, phải chặn là 2,2 triệu sim; MobiFone đã kích hoạt 1,8 triệu sim và phải chặn 500.000 sim.

VNPT Vinaphone thừa nhận gặp một số khó khăn trong quá trình xử lý sim rác.Ảnh: Ngô Hoàng.

Từ ngày 5/11/2016, các nhà mạng trên đã nhắn tin đến khách hàng để mời đăng ký lại thông tin thuê bao chính chủ. Trong vòng 15 ngày kể từ thời điểm thông báo nếu khách hàng không đến đăng ký lại thông tin thuê bao, nhà mạng sẽ thực hiện khóa dịch vụ vào ngày 21/11/2016.

Ngoài việc kiểm soát chặt chẽ thông tin thuê bao kích hoạt mới, các nhà mạng còn rà soát định kỳ và nhắn tin mời đăng ký lại thông tin thuê bao đối với thuê bao có dấu hiệu thông tin đăng ký chưa đúng quy định. Ở Vinaphone, tin nhắn thông báo sẽ được gửi đi vào ngày mùng 5 hàng tháng, và sim sẽ bị khóa nếu vô chủ vào ngày 21 hàng tháng.

Đại diện Viettel và Vinaphone đều khẳng định 100% sim kích hoạt mới từ ngày 1/11/2016 trên tất cả các kênh phân phối đều không có tài khoản tiền và lưu lượng, tức tài khoản 0 đồng.

Tuy vậy, VNPT Vinaphone thừa nhận gặp một số khó khăn trong quá trình xử lý sim rác. Đơn cử, đến nay tổng đài của họ đã tiếp nhận khoảng 25.000 cuộc gọi phản ánh về việc sim bị khóa. Như vậy, tổng số khiếu nại đã tăng gấp 5 lần so với thời điểm cuối năm vừa qua.

“Theo quy định chủ các sim bị khóa phải tới các cửa hàng giao dịch của nhà mạng để đăng ký lại. Nhưng các cửa hàng của chúng tôi chủ yếu tập trung tại thành phố và thị trấn, nên sẽ khó khăn đối với các khách hàng ở xa”, đại diện nhà mạng chia sẻ.

Trong khi nhiều nhà mạng khác từ chối chia sẻ khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xóa sổ sim rác trên thị trường.

Tiền thừa trong sim rác sẽ ra sao?

Nói về khoản tiền còn lại trong sim rác của khách hàng, VNPT Vinaphone cho biết sau thời gian bảo lưu số theo quy định, họ sẽ hủy toàn bộ tài khoản của sim thuộc diện bị thu hồi số trên hệ thống, và phát hành lại sim để tái sử dụng.

“Sim kích hoạt mới có tài khoản 0 đồng”, nhà mạng nhấn mạnh và từ chối tiết lộ số phận của khoản tiền bị “hủy trên hệ thống”.

Đại diện một nhà mạng khác nói rằng phần lớn sim rác thuộc diện bị thu hồi chỉ bị đóng băng tài khoản tạm thời. Đến khi khách hàng đăng ký lại thông tin chính chủ, tài khoản sẽ được trả lại cho khách.

Còn nếu khách hàng không đăng ký lại, số thuê bao bị hủy thì hướng xử lý với số tiền trên ra sao còn “tùy trường hợp”, tùy nhà mạng.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, cho rằng vấn đề trên chưa được quy định chi tiết trong luật. Ông phân tích, Nghị định 174 quy định hành vi cung cấp sim rác sẽ bị xử phạt với mức phạt 10-20 triệu đồng và kèm theo hình thức phạt bổ sung.

Khoản 8 Điều 30 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP nêu rõ hình thức xử phạt bổ sung với hành vi cung cấp sim rác ngoài tịch thu tang vật được sử dụng để vi phạm hành chính, ngoại trừ giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (tang vật là sim) thì còn tịch thu cả tài khoản có trong sim.

“Nhưng tịch thu để nộp vào đâu, ai có quyền tịch thu thì luật chưa nêu rõ. Đây có thể là vướng mắc khi thực thi luật”, luật sư Tuấn Anh khẳng định.

Trước đó, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung cũng thừa nhận thực tế trên. Ông cho rằng Nghị định 174 đã có quy định về việc này, nhưng cần sửa đổi ,bổ sung sao cho phù hợp với thực tiễn hơn.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích