Tổng công ty Thép Việt Nam đổ hàng ngàn tỷ liên doanh với Trung Quốc để khai thác mỏ sắt Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai, nhưng sau nhiều năm, cú bắt tay này đã xuất hiện dấu hiệu bất lợi cho phía Việt Nam. Tổng đầu tư dự án 6.000 tỷ nhưng đang gánh lỗ 1.000 tỷ đồng vì thế đã được xếp vào 'danh sách đen' 12 đại dự án ngàn tỷ thua lỗ nặng của ngành Công thương.
Nghìn tỷ “treo” trên núi
Một ngày giữa tháng 2/2017, PV có mặt ở Nhà máy gang thép Lào Cai , với vốn đầu tư gần 5.400 tỷ đồng, đó là chưa kể 400 tỷ đồng đổ vào mỏ sắt Quý Xa.
Ông Bùi Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM), không giấu diếm việc nhà máy đang lỗ và số lỗ lên đến hơn 1.000 tỷ đồng sau 2 năm vận hành.
Nhà máy gang thép Lào Cai vẫn đang hoạt động nhưng lỗ hơn 1.000 tỷ. |
Bãi phôi thép của Nhà máy gang thép Lào Cai. |
Theo báo cáo của VTM, ngay sau khi đi vào hoạt động, tháng 12/2014, VTM đã lỗ 91 tỷ đồng. Năm 2015 và năm 2016, do tiếp tục chịu ảnh hưởng của thị trường thép Trung Quốc nên VTM phải bán phôi thép theo giá thị trường ở mức thấp hơn giá thành, quặng sắt Quý Xa không tiêu thụ được theo kế hoạch, dẫn đến lỗ lũy kế đến hết năm tài chính 2016 lên tới 1.077 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo của Tổng công ty Thép Việt Nam cho hay, theo báo cáo nghiên cứu khả thi 2 năm đầu dự án được lỗ 550 tỷ nhưng giờ lỗ hơn 1.000 tỷ. Như vậy, tới thời điểm hiện tại, VTM đã lỗ vượt kế hoạch là 522 tỷ đồng.
Ngoài ra, VTM cho rằng, việc đặt một nhà máy thép trên miền núi cũng đã khiến dự án gặp bất lợi. Tổng giám đốc VTM Bùi Thanh Bình thừa nhận: Lý do khiến nhà máy này xây dựng ở Lào Cai là vì ở đây có mỏ sắt Quý Xa, chứ đúng ra trên thế giới này không có một đất nước nào đầu tư một nhà máy liên hợp thép trên miền núi vì bất lợi đủ thứ.
Cụ thể, theo báo cáo của VTM, do Nhà máy Gang thép Lào Cai được xây dựng tại địa bàn có nhiều hạn chế về hạ tầng, giao thông, nguồn nhân lực chất lượng cao,... nên việc cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho sản xuất của nhà máy chủ yếu phải vận chuyển từ các nơi khác đến (như than cám từ Quảng Ninh, Than cốc từ Hải Phòng, thiết bị - phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc,... ).
Điều này khiến nhà máy phải chịu thêm một khoản chi phí như cước vận chuyển, thuế nhập khẩu làm tăng giá thành sản xuất, đồng thời dẫn đến việc cung cấp chưa kịp thời cho nhu cầu sản xuất của nhà máy.
Nhưng, vấn đề của dự án gần 6.000 tỷ này lại không phải chỉ nằm ở con số lỗ nói trên, mà còn ở chính cơ chế liên doanh với Trung Quốc khiến cho việc điều hành kinh doanh gặp khó.
Vướng vì... cơ chế đồng thuận
Sau 10 năm hợp tác, hợp đồng liên doanh với Trung Quốc để khai thác mỏ sắt Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai đã xuất hiện các dấu hiệu “cơm chẳng lành”.
Lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam (VNsteel) - đơn vị đã rót gần 1.000 tỷ đồng vào liên doanh này cho hay, điều lệ của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện Kim Việt Trung có nêu: Các khoản đầu tư nội bộ có giá trị lớn hơn 100.000 USD đều phải theo cơ chế đồng thuận thay vì cơ chế tỷ lệ cổ đông, có nghĩa Hội đồng quản trị công ty muốn làm gì thì phải được toàn bộ thành viên hội đồng quản trị chấp thuận.
VNSteel đã rót gần 1.000 tỷ đồng vào dự án gang thép Lào Cai và mỏ sắt Quý Xa |
Cho nên, dù đóng góp nhiều vốn hơn (Việt Nam 55%, Trung Quốc 45%), số thành viên HĐQT nhiều hơn (Việt Nam 4, Trung Quốc 3) nhưng phía Việt Nam không được toàn quyền tự quyết hoạt động của công ty mà phụ thuộc vào việc cổ đông phía Trung Quốc đồng ý hay không.
Ông Bùi Thanh Bình, Tổng giám đốc VTM, thừa nhận hợp đồng liên doanh này thực tế đang gây khó khăn cho vận hành dự án. Bởi vì Hợp đồng liên doanh, điều lệ liên doanh theo cơ chế đồng thuận thì mọi cái đều phải được thống nhất, đó là yếu tố gây khó cho điều hành do việc lấy ý kiến các cổ đông mất nhiều thời gian.
Lãnh đạo của Tổng công ty Thép Việt Nam cũng nhìn nhận, hợp đồng liên doanh tại Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung theo nguyên tắc cơ chế đồng thuận đang là một bất cập. “Các bên cơ bản phải đồng ý hết mới quyết được. Giờ có cái mình có thể quyết ngay nhưng không quyết được”, vị này cho biết.
Trong khi đó, đại diện của Bộ Công Thương cũng chỉ rõ vướng mắc trong hợp đồng liên doanh theo “cơ chế đồng thuận” thay vì “tỷ lệ cổ đông” là “nút thắt” cần phải được tháo bỏ tại dự án mỏ sắt Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai.
Một chuyên gia không khỏi băn khoăn khi phía đối tác Việt Nam, ở đây là Tổng công ty Thép Việt Nam, lại lựa chọn một cơ chế có phần bất lợi cho chính Việt Nam trong việc đầu tư dự án này. Bởi, cơ chế đồng thuận tại dự án này khiến phía Việt Nam hoàn toàn mất quyền chủ động trong việc vận hành dù góp vốn nhiều hơn, chi phối về nguyên liệu đầu vào. Giả sử phía Việt Nam muốn đầu tư thêm một hạng mục nào đó để nâng cao hiệu quả dự án mà phía cổ đông Trung Quốc không đồng tình thì cũng chịu.
Lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam giải thích: Cơ chế đó theo Luật Đầu tư từ 2005. Khi đàm phán thời điểm đó thì tỉnh Lào Cai, rồi Chính phủ cũng phê chuẩn hợp đồng liên doanh đó. Bối cảnh hiện nay đánh giá sao ngày xưa theo cơ chế đồng thuận thì rất khó.
Chẳng hạn, các liên doanh của chúng tôi từ trước năm 2000 với Nhật Bản, Hàn Quốc đều theo cơ chế đồng thuận hết. Bây giờ chúng tôi cũng có cái lợi. Hiện mấy liên doanh với Hàn Quốc, Nhật Bản có tỷ lệ vốn ít hơn nhưng chúng tôi được quyền phủ quyết, nếu không đồng ý thì phía kia cũng không làm được. Ngược lại, tại VTM, mình có nhiều vốn hơn nhưng cũng không làm được.
"Giờ phải gỡ nút thắt đó vì bối cảnh nay đã khác, phải thay đổi cho phù hợp với luật lệ, tình hình hiện tại", lãnh đạo VNsteel nói và thừa nhận, điều này không dễ vì đụng chạm lợi ích của cổ đông Trung Quốc.
Theo VietnamNet