Samsung có trì hoãn dự án đầu tư tại Việt Nam?

Thứ năm, 23/02/2017, 13:27
Những biến động trên chính trường Hàn Quốc và vụ bắt giữ Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong liệu có ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của Samsung tại Việt Nam?

Các dự án SamSung vẫn tiếp tục triển khai tại Việt Nam ( Hình ảnh KCN Bắc Ninh của tập đoàn KBC )

Dự án đã ký kết sẽ không bị ảnh hưởng

Ngay sau khi ông Lee Jae-yong, Phó chủ tịch, đồng thời là người kế vị của Tập đoàn Samsung bị bắt vì những cáo buộc liên quan đến tham nhũng và bê bối chính trị của Tổng thống đang bị luận tội Park Geun-hye (Hàn Quốc), dư luận đã bắt đầu đặt câu hỏi về tương lai của các dự án đầu tư của Samsung tại Việt Nam.

Dễ hiểu vì sao có câu hỏi đó. Lý do là, ngay sau khi “hoàng thái tử” của Samsung bị bắt, Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đã dẫn lời của các chuyên gia cho rằng, Samsung có thể sẽ phải trì hoãn hầu hết các kế hoạch đầu tư kinh doanh mới, thậm chí cả tạm dừng quy trình tái cấu trúc Tập đoàn. Những thương vụ sáp nhập của Samsung với các công ty khác có thể cũng sẽ bị trì hoãn tạm thời.

Điều đáng nói là, đúng vào thời điểm ông Lee Jae-yong bị bắt, Samsung Display lại đang trong chặng đường cuối cùng để hoàn tất các thủ tục đầu tư nhằm tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD cho Dự án Samsung Display tại Việt Nam, hiện có vốn đầu tư 4 tỷ USD. Hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cũng như đã thông qua cơ chế ưu đãi đầu tư cho dự án này - như với một dự án quy mô lớn, chứ không phải dự án công nghệ cao như trước. Liệu kế hoạch đầu tư dự án này có bị ảnh hưởng?

Không có câu trả lời chính thức từ phía Tập đoàn Samsung, song theo một đại diện của Samsung Việt Nam, việc bắt giữ Phó chủ tịch Samsung sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động thường ngày, cũng như các kế hoạch đầu tư của Samsung tại Việt Nam. Ngay cả với dự án Samsung Display mở rộng, theo khẳng định của vị này, tiến độ đầu tư cũng sẽ “không bị ảnh hưởng”.

Theo một nguồn tin riêng của PV, nhiều khả năng, vào cuối tuần này, việc trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Samsung Display sẽ được thực hiện, đánh dấu một bước tiến nữa của Samsung trong việc thực hiện “đại kế hoạch” đầu tư tại Việt Nam. Samsung, kể từ năm 2008 đến nay, đã liên tục đầu tư và đầu tư mở rộng tại Việt Nam.

Từ dự án nhà máy sản xuất thiết bị di động 670 triệu USD đầu tiên ở Bắc Ninh, chính thức đi vào hoạt động năm 2009, cho đến nay, Samsung đã có 3 tổ hợp sản xuất tại Bắc Ninh (vốn đầu tư 2,5 tỷ USD), Thái Nguyên (5 tỷ USD) và TP.HCM (2 tỷ USD).

Tại các khu tổ hợp này, có Samsung Display (tại Bắc Ninh), vốn đầu tư nếu tính cả khoản vốn mới tăng thêm đã lên tới 6,5 tỷ USD; Samsung Electro-Mechanics (Thái Nguyên), vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Samsung SDI (cũng ở Bắc Ninh), với trên 100 triệu USD vốn đầu tư. Như vậy, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam đã lên tới trên 17,3 tỷ USD. Với khoản đầu tư kỷ lục này, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Ngoài các dự án trên, nhiều thông tin cho biết, Samsung cũng đã lên kế hoạch phát triển Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 3 ở Hà Tĩnh, vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Chưa kể, tập đoàn này còn có kế hoạch hợp tác trong các lĩnh vực hàng không, đóng tàu tại Việt Nam.

“Một khi dự án đã được chuẩn bị sẵn sàng, các thỏa thuận, hợp đồng đã ký kết thì sẽ không bị ảnh hưởng. Nếu có ảnh hưởng, thì chỉ là những dự án đang chuẩn bị, đang trong giai đoạn đàm phán mà thôi”, một chuyên gia nói với phóng viên Báo Đầu tư.

Cũng theo vị này, việc Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong bị bắt sẽ khiến các kế hoạch đầu tư mới của Samsung phải cân nhắc, tính toán lại. “Quá trình chuyển giao quyền lực của Samsung cũng sẽ bị chậm lại. Điều này sẽ ảnh hưởng tới những chiến lược phát triển đường dài, hơn là ngắn hạn của họ”, vị này nói.

Nếu nhận định này là đúng, thì các kế hoạch đầu tư của Samsung tại Việt Nam sẽ không bị trì hoãn. Có chăng, chỉ là các kế hoạch đầu tư trong tương lai, như Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 3, dự kiến do Samsung C&T đầu tư, sẽ bị chậm lại. Còn các nhà máy hiện tại sẽ tiếp tục vận hành ổn định và đóng góp cho kinh tế - xã hội Việt Nam.

Samsung có gặp khó sau vụ Phó chủ tịch Tập đoàn bị bắt?

Một câu hỏi nữa được đặt ra, đó là liệu việc Phó chủ tịch Lee Jae-yong bị bắt có khiến Samsung gặp khó? Không dễ để đưa ra một câu trả lời chính xác, nhưng nhìn vào lịch sử phát triển của tập đoàn này, có thể thấy, sau tuyên bố của Chủ tịch Lee Kun-hee về việc “hãy thay đổi tất cả, trừ vợ con bạn” từ hơn 20 năm trước, Samsung đã có bước phát triển ngoạn mục. Và bất kể nhiều năm trước đây, khi Chủ tịch Lee Kun-hee cũng vướng vòng lao lý, Samsung đã không ngừng sáng tạo để thành công.

Năm 2016, Samsung Electronics đã vươn lên vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng thương hiệu tốt nhất toàn cầu của Interbrand, với giá trị thương hiệu đạt 51,8 tỷ USD - tăng 14% so với năm 2015. Đã 5 năm liền, Samsung đã nằm trong Top 10 của Interbrand và liên tục chứng tỏ sự tăng trưởng về giá trị thương hiệu. 10 năm qua, Samsung đã có những thành tựu đáng ghi nhận là một công ty toàn cầu với giá trị thương hiệu của công ty đã tăng lên gấp ba lần, tương ứng 320% tăng trưởng.

Một tập đoàn hùng mạnh như vậy sẽ không dễ bị bẻ gãy!

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn