Thu thuế của Uber: "Họ quá thông minh nên họ phải được lợi"

Thứ ba, 21/02/2017, 19:11
Nói về câu chuyện Uber không thành lập pháp nhân tại Việt Nam để hoạt động như một doanh nghiệp và chỉ phải nộp thuế nhà thầu, đại diện cơ quan thuế cho rằng: "Chúng ta nên ủng hộ, khuyến khích nhưng miễn là chúng ta phải quản được, phải nghĩ ra cách quản lý một cách công bằng!"

Câu chuyện làm thế nào để thu được thuế của Uber đã gây tốn nhiều giấy mực của báo chí.

Như đã đưa tin, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng - Trưởng ban cải cách, hiện đại hóa, Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Cho đến nay, theo dữ liệu của cơ quan thuế, Uber đã nộp gần 30 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, nghĩa vụ thuế nhà thầu khoảng gần 10 tỷ đồng, còn lại kê khai nộp hộ các lái xe tham gia mạng lưới khoảng hơn 20 tỷ đồng.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã trả lại đề án thí điểm dịch vụ gọi xe do Công ty Uber BV (Hà Lan) ủy quyền cho Uber Việt Nam tham gia đề án thí điểm là chưa phù hợp vì không ràng buộc, xử lý được trách nhiệm của Công ty Uber BV khi có vấn đề tranh chấp, khiếu nại của khách hàng. Ngoài ra, ngành nghề kinh doanh đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Uber Việt Nam chỉ bao gồm “hoạt động tư vấn quản lý”“nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận”, không liên quan đến hoạt động được ủy quyền.

Trong khi đó, kể từ cuối tháng 1/2016, Đề án GrabCar của Công ty TNHH Grab Taxi đã được Bộ GTVT phê duyệt: Đủ điều kiện tham gia đề án cung cấp dịch vụ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách được Thủ tướng cho phép áp dụng thí điểm tại 5 địa phương.

Câu chuyện đặt ra ở đây là vì sao Grab chịu đăng ký pháp nhân tại Việt Nam để nộp thuế như một doanh nghiệp trong khi Uber thì không chấp nhận? Chưa kể, nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống khác cũng đặt ra một câu hỏi, liệu cách chúng ta đánh thuế Uber đã thỏa đáng và tạo ra sự công bằng chưa khi xét về hình thức, về mặt nguyên tắc thì vẫn là dịch vụ vận chuyển đưa một người từ điểm A đến điểm B.

"Họ thông minh nên họ hưởng lợi"

Liên quan tới vấn đề này, tại Bàn tròn trực tuyến với chủ đề “Việt Nam sẽ thích ứng như thế nào với các hiện tượng mới của nền kinh tế?” do Báo Điện tử Vietnamnet thực hiện, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng - Phó trưởng Ban cải cách và hiện đại hóa cho rằng: Pháp luật là điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, khi nào những hành vi mới biến thành phổ biến thì mình mới quy định pháp luật, nó chưa phổ biến, chưa có quy định thì không thể áp đặt họ được.

Theo ông Tiến, ngành thuế gặp vấn đề gì về chuyện anh đã đăng ký hay chưa đăng ký ở Việt Nam. Khi doanh nghiệp không đăng ký pháp nhân ở Việt Nam, cơ quan thuế có quy định thu thuế qua thuế nhà thầu dành cho các tổ chức cá nhân không đăng ký nhưng có hoạt động phát sinh thu nhập tại Việt Nam. Loại thuế này thu theo một tỷ lệ nhất định trên doanh thu. Còn nếu có đăng ký ở Việt Nam sẽ kê khai lợi nhuận hưởng được giữa doanh thu và chi phí thực tế phát sinh. Câu chuyện giữa Uber và Grab là họ tự lựa chọn việc quản trị kinh doanh như vậy.

"Tôi nghĩ thế này, như các anh nói, Uber quá thông minh, họ thông minh nên họ phải được lợi. Chúng ta nên ủng hộ, khuyến khích nhưng miễn là chúng ta phải quản được, phải nghĩ ra cách quản lý một cách công bằng!", ông Tiến nói.

Dưới góc độ doanh nghiệp, chuyên gia start-up, ông Đỗ Hoài Nam cho biết: "Tôi nghĩ rằng đối với một doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiêp xuyên quốc gia thì chúng ta không thể nào áp đặt được, bắt họ phải đăng ký pháp nhân ở đâu. Đấy là mô hình kinh doanh họ như thế và chúng ta không thể bắt ông phải mở công ty trong nước hay là không, đặc biệt là khi dịch vụ của họ không cần phải có mặt tại một điểm nào đó, họ cung cấp dịch vụ khắp nơi trên thế giới".

"Có thể mô hình kinh doanh của Grab là sẽ mở công ty tại tất cả các nước họ kinh doanh, còn mô hình kinh doanh của Uber là chúng tôi chỉ đặt trụ sở ở một nơi. Chúng ta không có quyền can thiệp bắt họ phải thế này thế kia. Nhưng tôi hoàn toàn đồng ý về phương diện thuế, đấy là trách nhiệm của họ đối với lại nguồn tiền mà họ thu được từ một xã hội nào đó, đây là xã hội Việt Nam. Họ phải có trách nhiệm để trả thuế cho vấn đề đó", ông Nam nói.

Cần có một pháp luật rõ ràng, nghiêm minh

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, trong cùng một thế giới thuế, cùng một không gian về thuế và không gian đó rất minh bạch, một doanh nghiệp có hình thức kinh doanh tạo được dịch vụ, tạo được giá trị gia tăng, tạo được thu nhập cho bản thân và thực hiện đúng nghĩa vụ thuế trong cái không gian thuế đó, ưu việt hơn thì không thể nói là chơi xấu được.

"Bởi vì tôi có mô hình mới, tôi làm được điều đó và anh không phải mô hình như thế, anh vẫn tiếp tục sở hữu xe, tiếp tục thuê công nhân lái xe thì anh phải chịu những cái luật hiện thời mà Nhà nước đưa. Nếu muốn thay đổi theo hướng công bằng hơn, tôi nghĩ, các doanh nghiệp, các đơn vị đại diện cứ tiếp tục trao đổi với Nhà nước và Nhà nước tiếp nhận những điều đó. Đấy là nhiệm vụ của Nhà nước phải nghiên cứu. Điều đơn giản là không gian thuế là một không gian thống nhất và không phải chỉ dùng cho anh Uber mà thuế nhà thầu được dùng cho nhiều loại thuế khác", ông Thành nói.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Thành cũng nhấn mạnh, việc thu thuế nhằm tạo ra thu nhập của Chính phủ dựa trên các dòng thu nhập phát sinh của người dân và được Nhà nước bảo hộ phải đảm bảo tính công bằng.

"Khi ngành thuế tập trung vào một số trường hợp thí điểm như vậy và đã làm được, thu được thuế, nhưng về lâu dài, Tổng cục Thuế không thể đi dò từng trường hợp như là một vụ án hình sự, vụ án an ninh để thu được 5 tỷ hay 10 tỷ đồng. Trong nước, vẫn còn những trường hợp y như thế, nhưng họ lại không bị truy thu thuế. Như vậy là anh doanh nghiệp đã bị thu thuế lại phải chịu bất bình đẳng so với anh doanh nghiệp kia, phải chịu thiệt. Anh còn lại tự nhiên lại được hưởng đặc lợi là không phải nộp thuế, vì ngành thuế chưa đủ nguồn lực để dò tới", ông Thành nói.

Còn theo chuyên gia startup Đỗ Hoài Nam: "Tôi đồng quan điểm với anh Thành. Chúng ta là pháp trị, chúng ta cần phải có một luật pháp rất rõ ràng, nghiêm minh và khi luật pháp được đưa ra rồi thì tất cả mọi người phải thực hiện".

Tuy nhiên, đối với với luật pháp và các cơ quan quản lý, ông Nam cho rằng cần phải đi sau sự phát triển của xã hội chứ không phải đi trước.

"Chúng ta không thể đi trước được những ngành kinh doanh mới mà doanh nghiệp sáng tạo ra và trong khoảng thời gian từ lúc chúng ta chưa quản lý được đến lúc chúng ta quản lý được, rõ ràng, phải thấy rằng, doanh nghiệp không vi phạm pháp luật nào cả. Và khi người ta không vi phạm pháp luật thì chúng ta không thể nói đến việc đây là yếu tố đạo đức! Chẳng qua là, doanh nghiệp tôi đã nghĩ ra những cái mới như thế, sau đó các ông quản lý đã hiểu những cái mới đó, xã hội sẽ đưa vào những quy củ thì tôi sẽ tuân theo những quy định thôi", ông nhấn mạnh.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn