Bản cáo bạch của VJC cho biết, tính đến giữa năm 2016, Công ty chiếm khoảng 41% thị phần hàng không nội địa, đứng thứ 2 thị trường, với 37 đường bay trong nước, 23 đường bay quốc tế, đội máy bay 41 chiếc, hiện có tuổi đời bình quân 3,03 năm.
Trong hơn 2 năm trở lại đây, giá dầu duy trì ở mức thấp, có lúc giảm đến 60-70% so với thời kỳ đỉnh điểm, sự mở rộng của hàng không giá rẻ và thu nhập bình quân của người dân tăng dần giúp ngành hành không liên tục đạt mức tăng trưởng hành khách trên 20%/năm.
Theo số liệu của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 3 thế giới giai đoạn 2001 - 2014, với tỷ lệ trung bình 16,6%/năm. Hiện tại, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường hàng không tăng trưởng trong TOP 10 thế giới.
Tốc độ tăng trưởng cao, cùng với quy định của Nhà nước chưa cho phép các hãng hàng không quốc tế khai thác tuyến bay nội địa đã và sẽ tạo ra vị thế độc quyền cho nhóm doanh nghiệp hàng không.
Cáo bạch của VJC cho biết, số lượng hành khách của Công ty tăng nhanh những năm gần đây. Riêng năm 2016, mức tăng trưởng đạt 51% về sản lượng hành khách, 50% cho doanh thu so với 2015. Trong năm 2016, VJC có thêm 11 tàu bay mới được tiếp nhận, 9 đường bay nội địa, 11 đường bay quốc tế mới đưa vào khai thác.
Về sức khỏe tài chính, năm 2016, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của VJC lần lượt đạt 27.500 tỷ đồng và 2.394 tỷ đồng, tăng 38,7% và 12,97% so với 2015. Như vậy, doanh thu 2016 gấp 7,2 lần so với 2013. Tốc độ tăng trưởng của VJC khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi bất ngờ, bởi Công ty mới có chuyến bay đầu tiên từ cuối tháng 12/2011.
Chỉ số lấp đầy ghế - một trong các chỉ số quan trọng thể hiện hiệu quả hoạt động của ngành hàng không, tại VJC năm 2016 đạt 88%, ngang bằng mức 2015. Trong khi đó, dữ liệu được CTCP Chứng khoán Bảo Việt chia sẻ cho biết, chỉ số lấp đầy ghế tại các hãng hàng không full-service trong khu vực là 78,6%.
Về doanh thu, năm 2016, riêng thu từ vận chuyển hành khách đạt hơn 12.000 tỷ đồng. Bên cạnh mảng vận chuyển hành khách và hoạt động phụ trợ, doanh thu từ hoạt động bán máy bay là khoản mục lớn thứ 2 với 11.709 tỷ đồng, chiếm 37% tổng doanh thu, tăng mạnh khi bắt nguồn từ con số 0 năm 2013. Biên lợi nhuận được cải thiện trong 4 năm trở lại đây, từ mức 7,42% năm 2013 lên 12,71% trong 2016.
Cùng với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng, giai đoạn từ 2013 đến nay, hàng loạt các khoản mục chi phí như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, hàng bán bị trả lại, phải thu của khách hàng cũng có xu hướng gia tăng tại VJC.
Chi phí nhiên liệu máy bay là khoản mục chi lớn nhất, chiếm tỷ trọng 21,2% năm 2016 tại VJC, giảm nhẹ so với mức 22,0% năm 2015.
Vietjet hiện có đội bay 41 chiếc. |
Về cơ cấu tài sản, VJC có khoản phải thu lên đến 12.200 tỷ đồng, chiếm 61% tổng tài sản với 2 khoản lớn nhất là đăt cọc mua và thuê máy bay (5.394 tỷ đồng) và quỹ bảo dưỡng máy bay (3.162 tỷ đồng). Hiện Công ty có số dư tiền và tương đương tiền hơn 2.700 tỷ đồng (chiếm 14% tổng tài sản, bằng 45% dư nợ vay ngăn hạn).
Về cơ cấu nguồn vốn, VJC nghiêng về sử dụng nợ vay ngắn hạn, với tỷ lệ lên tới 77%, trong đó 55% là nợ ngắn hạn. Tuy nhiên vay nợ ngắn - dài hạn chỉ chiếm 33,6%, còn lại là các khoản phải trả và dự phòng. Vốn chủ sở hữu của VJC đã tăng hơn 101% trong năm 2016, nhưng vẫn chỉ chiếm hơn 22% tổng nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu tăng nhanh, khiến ROE 2016 giảm so với cùng kỳ dù lợi nhuận tăng mạnh.
Dù cơ cấu cổ đông ngoại chưa thể hiện chi tiết trong cáo bạch, tuy nhiên, theo giới phân tích, trong đợt chào bán cuối năm 2016, 44,8 triệu cổ phiếu (tương đương gần 15% vốn điều lệ) đã được Vietjet bán cho các nhà đầu tư tổ chức, trong đó có một số tên tuổi lớn như Morgan Stanley, GIC, Dragon Capital, Mirae Asset với giá 84.400 đồng/cổ phiếu. Khoảng 3,5 triệu cổ phiếu khác đã được chào bán cho các nhà đầu tư cá nhân với mức giá 86.500 đồng/cổ phiếu.
Đó là mức giá dành cho các cổ đông tổ chức, thường có cam kết nắm giữ lâu dài, còn trên thị trường OTC, mức giá được “săn đón” trong tháng đầu năm được ghi nhận có lúc lên tới trên 110.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá chào sàn 90.000 đồng/cổ phiếu (biên độ +/- 20%), thì đây là mức giá cao hơn một chút nếu VJC đạt mức trần phiên chào sàn (108.000 đồng/CP).
Theo ông Ngô Vĩnh Tuấn, Giám đốc Đầu tư CTCP Chứng khoán Bản Việt, nếu VJC duy trì được mức tăng trưởng mạnh như năm vừa qua và đạt kế hoạch 2017 thì mức giá chào sàn 90.000 đồng/cổ phiếu của VJC là khá hấp dẫn.
Đồng tình với nhận định này, nhiều chuyên gia cho rằng, với vị thế đầu ngành và hiệu quả kinh doanh vượt trội của VJC, cơ hội là rất lớn, nhưng tất nhiên vẫn có những điểm mà nhà đầu tư cần lưu ý.
Thứ nhất, bên cạnh sự cạnh tranh ngày càng mạnh trên các đường bay quốc tế, chính sách "bầu trời mở" (Open Skies) của ASEAN, mức cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng ngày càng gia tăng. Sau 5 năm tăng trưởng mạnh, thị phần của VJC đã đạt trên 40%, tức là mức thị phần rất cao. Điều này có nghĩa là tốc độ tăng sẽ có khả năng chậm lại, bởi cuộc đua giữ và cạnh tranh thị phần ngày càng khốc liệt.
Thứ hai, việc phát hành tăng vốn 100% trong năm 2016 sẽ dẫn đến mức độ pha loãng cổ phiếu nhất định. Bên cạnh đó, VJC còn tiếp tục phát hành riêng lẻ 22,3 triệu cổ phiếu trong năm 2017 sẽ làm tăng khối lượng cổ phiếu trên thị trường và hàng năm đều có chia cổ tức thêm bằng cổ phiếu. Cụ thể là mức cổ tức dự kiến 50% từ nay đến 2019 (30% tiền mặt).
Thứ ba, rủi ro giá nhiên liệu tăng. Sau giai đoạn duy trì ở mức thấp, giá dầu đã tăng trở lại, hiện cao hơn 20% trung bình cả năm 2016, xu hướng tăng được dự báo duy trì nhờ chính sách giảm sản lượng của các nước xuất khẩu dầu mỏ và nhu cầu tiêu thụ của nền kinh tế.
Giá dầu tăng trở lại ảnh hưởng đến giá nhiên liệu máy bay, làm giảm biên lợi nhuận VJC nói riêng và ngành hàng không nói chung. Giá dầu tăng dẫn đến giá vé tăng, cũng sẽ ảnh hưởng đến lượng hành khách sử dụng đường hàng không trong đi lại. Bên cạnh đó, ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập của VJC sẽ hết hiệu lực từ 2019.
Thực tế, kinh doanh vận tải hàng không có rất nhiều yếu tố bất định, ngoài sự kiểm soát của người lãnh đạo. Chỉ riêng yếu tố giá dầu, phụ thuộc vào không chỉ cung cầu, mà là các vấn đề địa chính trị trên thế giới.
Bên cạnh đó, hoạt động hàng không gắn kết với các thị trường quốc tế, trên 55% đến gần 60% doanh thu đến từ thị trường nước ngoài. Biến động của rổ tiền tệ quốc tế có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh hàng năm của các doanh nghiệp ngành hàng không. Các yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của người lãnh đạo lên đến trên 60%.
Tại VJC, với thương hiệu đã trở nên quen thuộc với mọi người dân, thị phần, năng lực vận hành lớn, Vietjet có lợi thế cạnh tranh trong ngành hàng không nội địa và quốc tế. Đây là một lựa chọn hấp dẫn cho những nhà đầu tư đặt niềm tin vào thị trường hàng không giá rẻ và khả năng VJC duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như những năm vừa qua.
Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông cô đặc khiến lượng cổ phiếu lưu hành tự do ngoài thị trường không nhiều, khiến một số chuyên gia dự báo về tình trạng “bong bóng” nếu các nhà đầu tư lớn găm hàng. Tức là giá sẽ tăng rất mạnh sau niêm yết, nhưng khó duy trì ở mức cao, khi cổ đông lớn bán ra.
Trước thời điểm chào sàn, thị trường chờ đợi VJC chia sẻ nhiều hơn những thông tin mới nhất về hoạt động của Công ty trong năm 2017. Cùng với đó là thông tin về khả năng VJC ứng phó với những yếu tố bất định từ đặc thù kinh doanh của ngành, để thêm niềm tin khi trả giá cho mã cổ phiếu “bay là thích ngay” trên HOSE.
Theo Zing