Bà Trần Mai Hoa - Tổng Giám đốc Công ty CP Vincom Retail - công ty mẹ sở hữu 100% vốn của Công ty TNHH Vincom Retail Miền Bắc trao đổi với Zing.vn về việc chấm dứt Hợp đồng với Công ty TNHH Truyền thông Bạch Kim MVP, đơn vị đang quản lý hệ thống rạp chiếu phim Platinum.
Theo bà Hoa, 3 cụm rạp Platinum Royal City, Platinum Times City và Platinum Long Biên sẽ ngừng hoạt động và xúc tiến các thủ tục hoàn trả mặt bằng từ ngày 24/2.
Bà Trần Mai Hoa, Tổng giám đốc Vincom Retail cho biết Platinum nhiều lần chậm thanh toán, dẫn đến nợ đọng. |
- Thông tin các cụm rạp Platinum đóng cửa tại hệ thống trung tâm thương mại Vincom khiến nhiều người bất ngờ. Xin bà cho biết nguyên nhân dẫn đến quyết định này?
- Nguyên nhân cơ bản là do hai bên không đạt được sự đồng thuận để tiếp tục hợp tác.
Trong các trung tâm thương mại thì hệ thống rạp chiếu phim được coi là điểm nhấn quan trọng. Do xác định MVP là đối tác lớn, có cam kết lâu dài nên khi ký kết hợp đồng, chúng tôi đã dành cho họ những ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt để tạo điều kiện cùng nhau cung cấp dịch vụ tốt nhất cho các khách hàng đến và sử dụng dịch vụ chung cũng như mua sắm tại trung tâm thương mại.
Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, Platinum không có sự đầu tư thích đáng nên chất lượng dịch vụ hiện tại không còn phù hợp với tiêu chuẩn của hệ thống trung tâm thương mại do chúng tôi là chủ sở hữu.
Đây là câu chuyện kinh doanh đơn thuần như các trường hợp kinh doanh khác, nếu mục đích hợp tác ban đầu nêu ra không đạt được thì các bên không thể tiếp tục hợp tác.
- Theo MVP, họ không vi phạm điều khoản nào và mới chỉ hoạt động được 2-3 năm trong 15 năm thỏa thuận. Do đó, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng là trái luật, bà nói sao về cáo buộc này?
- Sự thật hoàn toàn ngược lại. Trong khoảng gần 1 năm nay, MVP đã nhiều lần vi phạm về tiến độ thanh toán dẫn đến khoản nợ đọng lớn. Có thời điểm tổng công nợ của Platinum lên đến vài tỷ đồng. Chúng tôi phải nhắc nhở rất nhiều lần (khoảng 10 lần gửi công văn), họ mới thanh toán. Hiện công nợ của Platinum tại Times City vẫn còn tồn đọng.
Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ của Platinum không tốt đã ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chung của các trung tâm thương mại. Chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phàn nàn của khách hàng và những đánh giá không tốt về chất lượng dịch vụ của Platinum trong các cuộc nghiên cứu thị trường do các đơn vị nghiên cứu thị trường chuyên nghiệp thực hiện.
Hai bên đã có nhiều cuộc họp để làm rõ các vấn đề này. Nhưng đến giữa năm 2016, nhận thấy MVP không có động thái hành động để thay đổi và nâng cấp chất lượng dịch vụ, chúng tôi đã buộc phải gửi văn bản yêu cầu chấm dứt Hợp đồng cho thuê với MVP.
Việc chấm dứt này dựa trên cơ sở đã được thỏa thuận trong hợp đồng đã ký giữa hai bên.
Về thời gian mới hoạt động được 2 năm, thông tin MVP đưa ra hoàn toàn không đúng. Các rạp của Platinum đã đi vào hoạt động hệ thống Vincom Hà Nội từ 3 đến trên 5 năm, tùy từng địa điểm.
Có thể nói, chúng tôi đã thực hiện đầy đủ và đúng trình tự toàn bộ quá trình thủ tục pháp lý cũng như đã thiện chí gia hạn thời điểm bàn giao mặt bằng thỏa đáng để MVP có thời gian chuẩn bị. Còn ở góc độ nhà kinh doanh mặt bằng bán lẻ, đây là một quyết định “cực chẳng đã” mà chúng tôi đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trên cơ sở tuân thủ pháp luật và phù hợp với hơp đồng cũng như lợi ích các bên.
- MVP cho biết chỉ riêng chi phí tháo dỡ, di chuyển các thiết bị ở 3 trung tâm chiếu phim đã lên tới 25 triệu USD. Với thiệt hại lớn như vậy, Vincom Retail có kế hoạch đền bù thế nào, thưa bà?
Đại diện Vingroup cho rằng Platinum có chất lượng dịch vụ không tốt, ảnh hưởng đến hoạt động của các trung tâm thương mại. |
- Chúng tôi đã tham vấn với các hệ thống rạp chiếu phim khác và biết rằng con số này là phi thực tế. Tuy nhiên con số này về nguyên tắc là không ảnh hưởng đến tổng số tiền đền bù của Vincom Retail cho MVP.
Chúng tôi sẽ đền bù cho MVP thỏa đáng theo hợp đồng đã ký kết.
Con số cụ thể tôi không thể công bố vì phải tuân thủ điều khoản bảo mật.
- Phía MVP tiết lộ đang cân nhắc đưa vụ việc ra tòa án để phân xử. Quan điểm của công ty về vấn đề này thế nào thưa bà?
Một lần nữa, tôi khẳng định, chúng tôi có đầy đủ cơ sở pháp lý nên nếu MVP khởi kiện, chúng tôi sẵn sàng theo kiện tới cùng.
Thậm chí, trong trường hợp Platinum có những động thái bất hợp tác gây thiệt hại cho Vincom Retail thì có thể chúng tôi sẽ chủ động khởi kiện họ. Tuy nhiên, mong muốn của chúng tôi là giải quyết ôn hòa và trên tinh thần hợp tác tôn trọng lẫn nhau.
- Bà có lo ngại vụ việc này bị “quốc tế hóa”, nâng tầm lên gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam khi MVP cho rằng họ bị doanh nghiệp Việt Nam “xử ép”?
- Trong môi trường kinh doanh và trước pháp luật, Vincom Retail và MVP đều có địa vị pháp lý ngang nhau, dựa trên quan hệ hợp đồng dân sự, tự do ý chí và tự nguyện thỏa thuận trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Do vậy, tôi không biết MVP dựa vào tiêu chí nào để cho rằng họ bị xử ép.
Còn trên thực tế, MVP với vị thế của một doanh nghiệp lớn hàng đầu Indonesia luôn muốn áp đặt lên quá trình hai bên thỏa thuận, bất chấp các điều khoản đã thống nhất. Chính MVP đã đưa đại diện Đại sứ quán Indonesia vào cuộc để gây sức ép với chúng tôi.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc can thiệp của cơ quan ngoại giao vào quan hệ dân sự, kinh tế trong thời điểm các bên đang tự thỏa thuận phương án giải quyết tranh chấp là không cần thiết và không công bằng cho các bên.
Quan hệ Vincom Retail và MVP là quan hệ kinh doanh thương mại giữa hai pháp nhân kinh tế độc lập, hoàn toàn không liên quan đến môi trường đầu tư hay thông điệp đầu tư của Việt Nam. Do đó, MVP không có cơ sở nào để đi ngược lại pháp luật, phủ nhận các cam kết, thỏa thuận của mình trong các hợp đồng được xác lập một cách hợp pháp với đối tác Việt Nam và không thể lợi dụng chính sách mở cửa, kêu gọi đầu tư nước ngoài của chính phủ Việt Nam để đòi được ưu tiên trong các quan hệ thương mại, dân sự với các công ty Việt Nam.
- Việc đóng cửa các cụm rạp Platinum ảnh hưởng thế nào đến việc thu hút khách của các trung tâm thương mại và Vincom Retail sẽ cho doanh nghiệp nào vào thay thế?
Việc Platinum đóng cửa cũng rất ảnh hưởng đến hoạt động của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi buộc phải làm nhằm nâng cấp đồng bộ chất lượng dịch vụ của cả trung tâm thương mại để mang lại lợi ích cao hơn cho các khách hàng mua sắm và sử dụng dịch vụ của hệ thống.
Chúng tôi đang rất khẩn trương xúc tiến việc tìm kiếm các đối tác khác để thay thế, khi có phương án cụ thể chúng tôi sẽ lập tức thông báo rộng rãi.
Tối 20/2, sau vài tháng đàm phán bất thành, Multivision (chủ đầu tư của Platium), nhận được thông báo mới nhất của Tập đoàn Vingroup gia hạn thêm 3 ngày để hệ thống Platinum di chuyển mọi thiết bị khỏi 3 trung tâm chiếu phim đóng tại Vincom. Sau 3 ngày này, các tài sản, thiết bị sẽ được tập đoàn này rao bán.
Cụ thể, 3 cơ sở của Platinum có nguy cơ đóng cửa là: Platinum Long Biên, với 7 phòng chiếu, Platium Royal City ở Thanh Xuân, Hà Nội với 10 phòng chiếu và Platinum Times City với 11 phòng chiếu.
“Nếu buộc phải đóng cửa, chúng tôi sẽ thua thiệt số tiền rất lớn, tới 60-70% phần đầu tư cho dự án này tại Việt Nam”, ông Sunil Taparia, Giám đốc Tài chính Multivision, cho biết.
Được thành lập bởi tập đoàn Multivision từ Indonesia - nhà sản xuất, phân phối phim Hollywood, Bollywood có tiếng tại thị trường Đông Nam Á và châu Á, Platinum đang hoạt động tại nhiều nước Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, và Myanmar…
Buộc phải đóng cửa các cơ sở này, Platinum chỉ còn 2 cơ sở ở The Garden Mễ Trì, Từ Liêm và Platinum Nha Trang, với tổng 9 phòng chiếu.
Theo Zing