Trao đổi với Dân trí, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Xung quanh vấn đề Uber bị cấm và Grab được cho phép, tôi đã nghe có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều quan điểm hướng cách nhìn là nặng cơ chế xin cho của Nhà nước và cạnh tranh thiếu công bằng. Hơn ai hết, Bộ GTVT nên lắng nghe tiếng nói dư luận về một ngành, lĩnh vực mới.
Thay vì cản cấm, hãy tạo cơ chế
“Hãy để thị trường chọn lựa thay vì cản, cấm và ưu ái tạo sân chơi cho một hoặc hai doanh nghiệp. Nếu thừa nhận anh này mà cản trở anh kia trong trường hợp họ hoạt động như nhau thì không nên. Cần xây dựng Nhà nước kiến tạo thay vì quản lý trong tay mình và xiết chặt để rồi khi thị trường phát triển, lại chạy theo để làm luật, để quản lý thì rất không ổn”, ông Doanh nói.
Việc Bộ GTVT trả hồ sơ thực hiện thí điểm, cản và cấm hoạt động Uber bị cho là thiếu cạnh tranh (ảnh minh hoạ) |
Ở góc cạnh của lợi ích kinh tế sẻ chia đối với thương mại, TS Doanh nêu rõ kinh tế sẻ chia là khái niệm rất mới, đúng xu hướng của thế giới trong đó có hình thức vận tải hợp đồng, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh... Đây là xu hướng phát triển của thế giới, nhiều nước đã xây dựng quy định pháp luật để mở cửa kinh doanh, thu thuế và tạo cho mọi người dân được tự do sử dụng các ứng dụng và nộp thuế.
Còn bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế, kinh tế sẻ chia và thương mại điện tử xuyên biên giới là khái niệm mới, rất nhiều dự án khởi nghiệp trên thế giới đã thành công và các nước đã thu được thuế. Tại Việt Nam, khởi nghiệp ngành công nghệ thông tin về loại hình TMĐT, kinh tế sẻ chia cũng đã bắt đầu phát triển, điều cần là chúng ta phải quản lý tốt, tạo cơ chế để họ tin tưởng đăng ký kinh doanh và thu được thuế.
"Quan điểm của chúng tôi là không nên bóp chết họ, hãy để họ hoạt động và tạo cơ chế tốt để họ công khai hình thức hoạt động, từ đó thu thuế tốt. Điều đó có lợi cho Nhà nước, có lợi cho người dân tham gia kinh doanh", bà Cúc cho hay.
Lấy ví dụ về trường hợp của Uber tại Việt Nam, bà Cúc nhấn mạnh: "Ngay từ khi loại hình kinh tế sẻ chia kiểu Uber đi vào Việt Nam, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có nói với chúng tôi là: Không được bóp chết họ mà phải làm công bằng. Tức là chúng ta chưa quản lý tốt thì hãy xây dựng cơ chế quản lý tốt để tạo điều kiện mở cửa cho người dân kinh doanh và có cách thu ngân sách tốt. Đây mới là mấu chốt của vấn đề".
Theo một đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đứng ở góc độ doanh nghiệp, việc Bộ GTVT trả lại Uber có thể chặng đường đấu tranh pháp lý để được thừa nhận của DN này sẽ lâu hơn, khó khăn hơn thậm chí có thể bị cấm cản. Tuy nhiên, cái thị trường mất đi không phải là một phương thức, mà chính là một tiện ích, giá trị giá tăng của người sử dụng, người cung cấp dịch vụ.
Hơn nữa, hoạt động dịch vụ vận tải qua ứng dụng di động hiện ngoài Uber, Grab còn có nhiều DN khác ứng dụng, hoạt động như: Vinasun App, Live Taxi… Các dịch vụ này rồi theo xu hướng mở cửa của thế giới, chúng ta vẫn sẽ phải cho nó hoạt động, nếu sử dụng các biện pháp hành chính để cấm, không chỉ khiến nó trở lên rối ren, càng khuyến khích giao dịch ngầm nảy sinh, nhà nước thất thu thuế.
Vẫn kiểu làm luật chạy theo, hụt hơi nên cấm, cản
Trên thực tế, Uber và Grab vào Việt Nam có hình thức hoạt động tương tự nhau, cùng trên nền tảng di động, kết nối thông minh. Tuy nhiên, việc Grab được Bộ GTVT chấp thuận là đề án thực hiện thí điểm còn Uber thì không, lý do được Bộ GTVT đưa ra là Công ty Uber BV (Hà Lan) ủy quyền cho Uber Việt Nam tham gia đề án thí điểm và thực hiện các yêu cầu của Bộ GTVT nêu trong Quyết định số 24 của Bộ này về "thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng" là chưa phù hợp vì không ràng buộc, xử lý được trách nhiệm của Công ty Uber BV khi có vấn đề tranh chấp, khiếu nại của khách hàng.
Ngoài ra, theo Bộ GTVT, ngành nghề kinh doanh đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Uber VN chỉ bao gồm “hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận”, không liên quan đến hoạt động được ủy quyền.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội: "Chúng ta cần đánh giá công bằng, Uber từ khi ra đời họ đã có đem lại nhiều dịch vụ tốt và lựa chọn tốt cho người sử dụng. Tuy nhiên, cũng có thông tin giờ cao điểm họ tăng tiền, từ chối khách hoặc không an toàn cho người đi đường. Uber chủ yếu là xe tư nhân, chạy lòng vòng khiến ách tắc giao thông tăng cao do lượng xe cá nhân... Đây là hạn chế cần được cải thiện để nâng cao chất lượng của hình thức này.
Tôi biết thông tin là Bộ GTVT trả lại Uber và chỉ chấp nhận Grab bởi vì Uber không đăng ký là hãng vận tải, không đeo biển, mào xe... Điều này về quản lý Nhà nước thì họ có cơ sở. Tuy nhiên, trong thời đại kinh tế sẻ chia đang phát triển mạnh mẽ, chúng ta cần những cách làm mới, cách quản lý theo hướng có ích cho thị trường, không nên cứng nhắc, gò ép và chạy theo.
"Phải làm sao hài hòa lợi ích, theo tôi thế giới đang thay đổi từng ngày trong khi các chính sách của chúng ta làm luật vẫn vướng víu, chạy theo thị trường, chạy theo kiểu hụt hơi nên cấm, cản mọi thứ. Nếu chúng ta không chấp thuận Uber, liệu chúng ta có cấm được người lái xe chở khách hay không? Bắt và xử lý như nào trong khi giá trị họ tạo ra lớn. Thuế của nhà nước không thu được và những quyền lợi của người tiêu dùng không được pháp luật bảo vệ", ông Bùi Danh Liên nói.
Theo Dân Trí