Gia đình Thứ trưởng sở hữu tài sản khủng: "Đúng luật không có nghĩa là đúng lý"

Thứ năm, 16/02/2017, 10:22
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, chuyên gia tài chính - chứng khoán Đinh Thế Hiển cho rằng, cần làm rõ những nghi vấn về quá trình thâu tóm cổ phần tại Cty CP Điện Quang của gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.

Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang.

Còn nhiều điểm cần làm rõ

Xung quanh câu chuyện về khối tài sản ‘khủng’ của bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên trường Đại học Fulbright cho rằng: "Có một điểm theo tôi cần làm rõ là sau khi doanh nghiệp này cổ phần hoá vào năm 2005, vị trí lãnh đạo của bà Thoa là của cá nhân bà này hay đại diện Nhà nước tại Điện Quang. Bộ Công Thương phát ngôn chỉ nói một đoạn là tài sản của bà Thoa có trước khi làm Thứ trưởng đã không cung cấp thông tin đầy đủ, cái người ta quan tâm hơn nữa là tài sản của bà này được hình thành trong thời kỳ lãnh đạo Điện Quang như thế nào".

Theo ông Tuấn, Bộ Công Thương hoặc tổ chức chính trị nào quản lý bà Thoa về mặt chính trị thì phải có trách nhiệm phát ngôn làm rõ thông tin lý lịch và tải sản, nguồn hình thành trước, trong và sau khi được bổ nhiệm Thứ trưởng. Không phải chỉ quản lý thời điểm sau khi được bổ nhiệm để trả lời một cách thiếu trách nhiệm rằng: tài sản hình thành trước thời điểm bổ nhiệm nên tôi không chịu trách nhiệm nữa. Và dư luận người ta có quyền hỏi tiếp trước thời điểm bổ nhiệm tài sản hình thành như thế nào?

"Nếu quy hết về thời điểm doanh nghiệp cổ phần hoá, tôi có một giả thiết rằng có nhiều thứ không minh bạch và không chỉ nói riêng về trường hợp Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhưng tình huống này cho thấy lỗ hổng trong chủ trương, chính sách cổ phần hoá của Việt Nam", ông Tuấn bình luận.

Theo ông Tuấn, chính sách của Nhà nước với tư tưởng rất nhân văn là bán cổ phần ưu đãi cho người lao động như phần thưởng mà người lao động đã đóng góp và để gắn quyền với người lao động vào doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, cách làm này thể hiện tư duy hợp tác xã và thực tế người lao động không nhất thiết phải có cổ phần ở một doanh nghiệp thì mới gắn bó với doanh nghiệp đó.

"Với một doanh nghiệp nếu làm ăn tốt, triển vọng tốt thì khi người lao động tích luỹ được tài sản, họ cũng sẽ mua cổ phần, còn không nếu anh có bán cổ phần ưu đãi cho họ thì họ cũng bán đi. Do đó, có thời kỳ doanh nghiệp cổ phần hoá bán cho người lao động thì họ lại bán lại ngay trên thị trường. Nhiều trường hợp đã xảy ra như vậy và ai là người thu gom?", ông nói.

Theo ông Tuấn, với trường hợp người lao động bán lại cổ phần sẽ có nhiều người trên thị trường thu gom và có thể lãnh đạo hay người thân của lãnh đạo tại doanh nghiệp đó "âm thầm, trực tiếp hoặc gián tiếp thâu gom lại".

"Vậy xem xét gia đình Thứ trưởng có trực tiếp thâu gom lại từ các giao dịch thoả thuận hoặc thậm chí đặt lệnh mua trên thị trường để thu gom lại hay không? Tuy nhiên tôi cho rằng, với quá trình công tác, với thâm niên, vị trí đó thì tỷ lệ sở hữu được mua không thể lớn đến mức như bây giờ. Chắc hẳn phải có cả quá trình thâu gom cổ phần thì mới tạo lên tỷ lệ sở hữu lớn như thế. Như vậy, một chính sách tốt đẹp là phúc lợi và gắn quyền lợi người lao động như thế lại có nguy cơ chuyển lợi ích sang nhóm khác", ông Tuấn nói.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, bất cập lớn chỉ có thể giải quyết bằng việc thay vì cho người lao động quyền mua cổ phần ưu đãi thì sẽ để họ nhận một khoản trợ cấp tương đương với giá trị ưu đãi được hưởng khi mua cổ phần, cổ phiếu.

Đúng luật không có nghĩa là đúng lý

Trước một số phân tích của giới chuyên gia rằng, việc Thứ trưởng và các thành viên trong gia đình sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp không vi phạm với các quy định pháp luật hiện hành, ông Tuấn cho rằng: "Không vi phạm luật không có nghĩa là đúng lý. Vấn đề là luật không bao quát được thì mới là lỗ hổng. Muốn xét người ta đúng luật hay không thì chỉ là soi trên góc độ pháp lý nhưng không chỉ nhìn ở góc độ đó, làm chính sách còn phải nhìn vào tương lai nữa để thấy bất cập, lỗ hổng".

Giảng viên trường Đại học Fullbright khẳng định, vấn đề ở đây tiềm ẩn nhiều xung đột lợi ích khi lãnh đạo một doanh nghiệp rồi lại làm lãnh đạo Bộ, chịu trách nhiệm ngành mà mình và người thân tham gia quản lý doanh nghiệp.

"Đặc quyền đặc lợi gì thì doanh nghiệp đó được hưởng và những chính sách bất lợi thì với vị trí làm lãnh đạo anh sẽ tìm cách loại ra khỏi khuôn khổ. Nếu có doanh nghiệp cạnh tranh nào đó thì chắc chắn sẽ có luật lệ điều chỉnh, kể cả quy tắc bất thành văn khiến đối thủ kia không thể cạnh tranh được", ông nói.

Vấn đề này, ông Tuấn cho rằng, sẽ chỉ giải quyết được trừ khi có một thể chế giám sát rất chặt. Bên cạnh đó, cần phải có quy định bao quát hơn tránh xung đột lợi ích.

"Trong trường hợp một người giữ vị trí nào có tiềm năng dẫn đến xung đột lợi ích thì phải loại bỏ, hoặc từ bỏ vai trò lãnh đạo doanh nghiệp hoặc vai trò quản trị nhà nước của anh. Đó là nguyên tắc, không thể nào vừa đồng thời được. Còn nếu vừa đồng thời thì phải lấp đầy những khoảng trống khác như đối trọng về quyền lực, giám sát và trách nhiệm giải trình độc lập", ông nói thêm.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn