Nếu như các thương hiệu nước ngoài ra sức tấn công thì các doanh nghiệp trong nước cũng mở rộng chuỗi để phòng vệ.
Khối ngoại thách thức
Circle K là chuỗi cửa hàng tiện lợi nước ngoài xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam (2008), nhưng sự bùng nổ chỉ thực sự diễn ra kể từ khi doanh nghiệp này tái cấu trúc vào năm 2015. Nếu như 8 năm đầu tiên xuất hiện, chuỗi này chỉ mở được 100 cửa hàng thì chỉ một năm còn lại số lượng cửa hàng đã tăng gấp đôi.
Lý giải cho việc tăng tốc nhanh chóng số cửa hàng trong thời gian ngắn, ông Tony Yang, Giám đốc Circle K Việt Nam, cho biết tại Việt Nam, đơn vị này được đầu tư theo hình thức nhượng quyền từ Circle K (Mỹ). Sau khi được tái cấu trúc vào đầu năm 2015 và mở rộng giới hạn kinh doanh, chuỗi này càng phát triển.
“Phục vụ liên tục chính là lý do khiến chúng tôi trụ vững và phát triển mạnh tại thị trường. Tất cả đang chuyển đổi theo hình thức kết hợp bán tạp hóa lẫn thức ăn nhanh”, ông Tony Yang cho hay.
Cửa hàng tiện lợi mô hình Nhật Bản đã xuất hiện tại TP.HCM khá ồ ạt trong thời gian trước nhưng thành công hay chưa cần xem xét nhiều yếu tố. Ảnh minh hoạ: Foody. |
Tham gia thị trường muộn hơn đôi chút nhưng các cửa hàng tiện lợi đến từ Nhật Bản luôn là đối thủ đáng gờm đối với bất kỳ chuỗi nào.
Ngoài chiến lược rõ ràng, lợi thế từ sản phẩm chất lượng thì các chuỗi này đang được hỗ trợ tối đa từ Chính phủ Nhật. Thậm chí Chính phủ nước này còn đưa ra một chiến dịch lớn để đưa hàng Nhật vào Việt Nam thông qua kênh cửa hàng tiện lợi.
Hiện tại, số lượng cửa hàng tiện lợi của Nhật ở Việt Nam chưa đến 200 nhưng con số này sẽ tăng lên 500, thậm chí là 1.000 trong tương lai gần. Trong khi đó, chỉ riêng Mini Stop đặt mục tiêu đạt 800 cửa hàng trong năm nay và tăng gấp đôi trong năm sau. Con số này có thể sẽ thay đổi theo chiều hướng tăng mạnh khi 7-Eleven chính thức xuất hiện.
Ông Akihiko Maeda, Tổng giám đốc chuỗi Mini Stop tại Việt Nam, cho biết theo tính toán của đơn vị này thì phải mở tối thiểu 300 cửa hàng tiện lợi mới đảm bảo có mức lợi nhuận ổn định.
"Chúng tôi sẽ hướng tới mục tiêu này và sẵn sàng cạnh tranh bằng cách chạy bền bỉ để có được thị trường. Sau đó, chúng tôi sẽ tính đến chuyện nhượng quyền để giảm chi phí và tối ưu hóa độ phủ của hàng Nhật", ông nói.
Khối nội lên gân
Với lợi thế sân nhà, việc phát triển mở chuỗi của các đơn vị kinh doanh mô hình này trong nước tương đối thuận lợi. Sau thất bại của người đi tiên phong là G7 Mart của Trung Nguyên thì khối nội cũng tìm được chiến lược rõ ràng hơn với cửa hàng tiện lợi. Đến nay, có nhiều đơn vị được xem là đối trọng không nhỏ với sự đổ bộ của khối ngoại.
Chỉ sau môt năm lấn sân sang thị trường bán lẻ, Vingroup đã nhanh chóng xây dựng được một hệ sinh thái cho riêng mình trong ngành này với siêu thị Vinmart, điện máy VinPro và cửa hàng tiện lợi Vinmart+…
Vingroup đã đưa hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+ vượt con số hơn 700 cửa hàng. Tuy nhiên con số này vẫn chưa dừng lại khi lãnh đạo tập đoàn này cho biết kế hoạch năm 2017 sẽ mở thêm 1.500 cửa hàng tiện lợi.
Nếu như tốc độ mở chuỗi của Vinmart+ được xem như là sức mạnh mới nổi để “thị uy” của khối nội thì chuỗi cửa hàng tiện lợi Co.op Food cũng tiến từng bước chắc chắn trong vòng 8 qua 100 cửa hàng. Trong giai đoạn 2017-2020, Saigon Co.op sẽ phát triển 30-50 cửa hàng tiện lợi, tập trung tại các khu vực đông dân cư tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác.
Ngoài ra một tay chơi mới trong mô hình cửa hàng tiện lợi là Bách hóa Xanh (TGDĐ) cũng đang bứt phá. Hiện tại số cửa hàng của chuỗi này chỉ là 50 và giới hạn trong phạm vi 2 quận của TP.HCM. Tuy nhiên sau bước thử nghiệm này, lãnh đạo TGDĐ cho biết sẽ đẩy nhanh tốc độ và mở rộng phạm vi nhanh nhất trong năm tới. Theo đó, trong năm nay số cửa hàng tại TP.HCM sẽ được nâng lên 350 và chỉ trong năm 2018 sẽ phủ sóng toàn quốc.
Theo lãnh đạo của TGDĐ, năm 2017 sẽ là năm tìm ra công thức chiến thắng của Bách hóa Xanh. Năm nay chuỗi này sẽ bắt đầu tìm kiếm lợi nhuận chứ không nhờ TGDĐ gánh hộ.
Một khi đã tìm ra công thức, Bách hóa Xanh sẽ tăng tốc rất nhanh và đặt mục tiêu trở thành người bán hàng tươi sống có số có má trên thị trường.
Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc TGDĐ, chia sẻ: “Cần vài năm nữa, đâu đó đến 2020 thì Bách hóa Xanh muốn có vị trí xứng đáng trên thị trường. Có số có má ở đây không phải là số 10 hay 20. Nhất, nhì, ba mới có thể gọi là có số có má được".
Đó chỉ là doanh nghiệp đại diện cho tham vọng của hàng chục đơn vị khác tham gia vào thị trường này. Những chuỗi cửa hàng như Satra Food, B’Mart… sẽ không khó có thể đứng yên nhìn đối thủ khai phá thị trường 60 tỷ USD này.
Cửa hàng bách hóa truyền thống - kẻ ngáng đường
Cửa hàng tiện lợi với sự hiện đại, tiện ích và hơn hết là “danh chính ngôn thuận” đã thực sự gây chú ý trên thị trường. Tuy nhiên với nhiều chuyên gia bán lẻ thì cửa hàng tạp hóa truyền thống mới là thế giới đáng sợ đối với các chuỗi này.
Thị phần của kênh này chiếm tới hơn 80% đủ sức nói lên sức mạnh đáng sợ của kênh truyền thống.
Nếu cửa hàng tiện lợi tương thích với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới thì Việt Nam là ngoại lệ. Điều kiện tự nhiên và xã hội ở Việt Nam luôn cho thấy sự phù hợp để các cửa hàng truyền thống phát triển.
Vào Việt Nam, 7-Eleven đặt ra những mục tiêu tương đối thách thức với chính các đơn vị đã có mặt tại thị trường trước đó. Ảnh minh hoạ: Reuters. |
Thói quen mua sắm của người Việt vẫn rất khó thay đổi, trong đó ưu tiên những món hàng nhỏ lẻ, dễ di chuyển và mua bán nhanh chóng trao tay. Tất cả yếu tố này đều nằm trong tầm kiểm soát của cửa hàng truyền thống.
Thậm chí phương thức thanh toán trả sau vẫn được duy trì. Đây là điều mà không cửa hàng bán lẻ hiện đại nào có thể chấp nhận.
Ông Trinh Phạm, Trưởng dự án Phát triển năng lực bán lẻ của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho rằng kênh siêu thị liên tục mở cửa hàng, nhưng một năm chỉ lấy được khoảng 1% từ kênh truyền thống.
Thậm chí, năm 2015 không lấy được phần nào. Bước sang năm 2016, top 10 công ty FMCG lớn nhất tại Việt Nam tăng trưởng ở kênh truyền thống tốt hơn kênh hiện đại”.
Hiện nay các cửa hàng tiện lợi đang có bước xoay chuyển linh hoạt hơn để thích nghi với thị trường Việt Nam. Tuy nhiên chi phí đầu tư cho một cửa hàng tiện lợi, bình quân mất khoảng 1,5 tỷ đồng và gần 5 năm sau mới thu hồi được vốn. Vì thế, đầu tư cho mô hình này là đầu tư cho tương lai dài và rất kiên nhẫn.
Theo Zing