Để làm rõ thông tin về phát ngôn mỗi lần xin giấy phép xuất khẩu gạo, tốn không dưới 20.000 USD, PV đã liên hệ với Công ty TNHH ADC (TP.HCM). Tuy nhiên, phía công ty ADC đã từ chối trả lời với lý do sẽ phản hồi khi có kết luận của Bộ Công Thương.
Trước đó, sau khi dư luận trích dẫn ký kiến của ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc ADC trên báo với ý nói rằng, quá trình xin giấy phép xuất khẩu gạo khá nhiêu khê, thậm chí tốn không dưới 20.000 USD. Ngay khi Bộ Công thương chỉ đạo rà soát, xác minh lại thông tin trên thì phía công ty ADC cũng đã lên kế hoạch làm rõ thông tin. Tuy nhiên, chiều 24/2, lãnh đạo ADC đã không tiếp xúc với báo chí.
Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra, rà soát, xác minh thông tin làm giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn 20.000 USD |
Như PV thông tin, chiều 22/2, tại TP.HCM đã diễn ra buổi tọa đàm góp ý sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP. Nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cho rằng, sau 6 năm thực hiện, Nghị định này đã bộc lộ một số điểm bất cập, cần sửa đổi để "cởi trói" cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng và ngành lúa gạo nói chung.
Ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC cho biết, ADC hoạt động trong ngành gạo, nhiều năm nay. ADC có vùng nguyên liệu 35.000 ha, liên kết với 16.000 nông dân, có hệ thống xay xát, sơ chế quy mô lớn... Với quy mô như trên, ADC đã đạt được các tiêu chuẩn khắc khe theo quy định tại Nghị định 109/2010 về sản lượng và kho bãi. Thế nhưng, ADC vẫn không xin giấy phép xuất khẩu mà chọn xuất khẩu ủy thác qua một công ty nhỏ khác.
Lý giải việc "bắc cầu" trong xuất khẩu gạo, đại diện ADC cho rằng, làm như vậy để "né" các giấy phép con... khá phiền phức. Theo đó, việc xin giấy phép xuất khẩu gạo khá nhiêu khê và tốn nhiều tiền.
Nghe ông Nam nói vậy, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - người chủ trì buổi toạ đàm hỏi là tốn bao nhiêu thì ông Nam cho biết tốn không dưới 20.000 USD.
Ngoài ra, ông Nam còn cho biết, khi giấy phép hết hạn, xin gia hạn là lại tốn tiền. Sau mỗi lần xuất khẩu, doanh nghiệp phải khai báo số lượng, rồi hàng tồn kho... Điều này làm ADC tốn thêm nhiều nguồn lực, phải tuyển thêm người để lo các loại báo cáo.
Ngay khi thông tin doanh nghiệp xuất khẩu phản ánh trên báo chí, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra, rà soát, xác minh thông tin làm giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn 20.000 USD.
Mặc dù đã có những động thái về xử lý thông tin sau phát ngôn được đăng tải trên báo, tuy nhiên, lãnh đạo ADC chưa có phản hồi chính thức nào về sự việc này.
Theo Dân Trí