VN-Index mở cửa phiên giao dịch hôm nay (31/10) ở mốc điểm số 845,2 điểm và chốt phiên sáng ở 842,52 điểm. Đây là mốc cao nhất của chỉ số này trong hơn 10 năm trở lại đây.
Thời điểm cuối năm 2016, đầu năm 2017, ngay cả những nhà đầu tư lạc quan nhất cũng không thể nghĩ đến viễn cảnh Vn-Index đạt mốc 800 điểm. Thế nhưng, có một hiện tượng nghịch lý là chỉ số này vẫn cứ “lầm lũi” đi lên, trong bối canh đa phần nhà đầu tư đang thua lỗ vì giá cổ phiếu giảm.
Câu thành ngữ được giới đầu tư chứng khoán nhắc nhiều nhất ở thời điểm hiện nay là hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”.
Trong khi bảng điện tử tràn trong sắc đỏ giảm giá thì chỉ số VN-Index vẫn cứ “lầm lũi” đi lên. Lực đẩy là những mã cổ phiếu lớn quen thuộc như: VIC (Vingroup), SAB (Sabeco), MSN (Masan), GAS (PV Gas) và đặc biệt là ROS (công ty con của FLC).
Tính từ đầu tháng 10 đến nay, chỉ số Vn-index đã tăng đến 45 điểm nhưng lại có hơn 50% cổ phiếu giảm giá. |
Theo thống kê, ROS bắt đầu chuỗi tăng giá từ đầu tháng 7, thời điểm mã cổ phiếu này đang giao dịch xung quanh mức giá 82.000 đồng mỗi cổ phiếu. Đến phiên giao dịch ngày hôm nay, giá tham chiếu của ROS đã là 209.700 đổng mỗi cổ phiếu (tương đương mức tăng hơn 2,5 lần).
Có thể nói, ROS là hiện tượng khó lý giải nhất của giới đầu tư chứng khoán, bởi doanh nghiệp này mới chỉ niêm yết trên sàn TP.HCM (HOSE) tháng 9 năm ngoái, với mức giá 11.000 đồng mỗi cổ phiếu. Và điều đáng chú ý nữa là hoạt động kinh doanh của công ty không có gì nổi trội, ngoài việc chính là đảm nhận thi công tại các dự án của FLC với ông chủ là tỷ phú Trịnh Văn Quyết.
Nhưng ROS đã tăng hơn khoảng 19 lần chỉ trong vòng 14 tháng giao dịch.
Càng tăng giá, mức độ ảnh hưởng của ROS đến thị trường càng lớn, nhất là khi doanh nghiệp này chính thức gia nhập câu lạc bộ vốn hóa 100.000 tỷ đồng. Với sự góp mặt của ROS, toàn thị trường đang có 7 doanh nghiệp vốn hóa vượt mốc 100.000 tỷ đồng, gồm: VNM (Vinamilk), SAB, ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam), VCB (Vietcombank), VIC, GAS và ROS.
Cổ phiếu ROS là hiện tượng khó lý giải của nhà đầu tư và đã tăng đến 19 lần trong 14 tháng giao dịch. |
Lẽ dĩ nhiên, biến động của Vn-index phụ thuộc rất lớn vào nhóm cổ phiếu này.
Đơn cử là phiên giao dịch ngày 27/10. Trong phiên này, số mã tăng và số mã giảm không chênh lệch nhiều, nhưng Vn-Index vẫn tăng sốc hơn 10 điểm, nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, mà dẫn đầu là ROS.
Điều đáng nói là hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” còn xảy ra ở nhóm 30 cổ phiếu lớn nhất trên sản HOSE (VN30) chứ không chỉ xảy ra ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Trong phiên giao dịch ngày 30/10, khi Vn-Index chinh phục đỉnh 845 điểm, nhóm VN30 có tới 20 mã giảm, 2 mã đứng giá, trong khi số mã tăng chỉ có 8.
Vn-Index liên tục tăng giá, nhưng thị trường lại tồn tại nghịch lý là đa phần nhà đầu tư trong tình trạng thu lỗ, do giá cổ phiếu giảm sâu.
Có thể lấy dẫn chứng cho hiện tượng này là mã KDC (Kido). Doanh nghiệp này vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng với doanh thu tăng vọt so với cùng kỳ, nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh của 2 công ty con là TAC (Tường An) và VOC (Vocarimex).
Cụ thể, doanh thu thuần đạt 5.075 tỷ đồng (gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 489 tỷ đồng. Với kết quả này, KDC đã vượt 9% kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng.
Có kết quả kinh doanh tốt, nhưng cổ phiếu KDC của Kido liên tục đi xuống trong 1 tháng trở lại đây. Ảnh minh họa: NCĐT. |
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, KDC vẫn liên tục đi xuống, bất chấp tin tốt. Theo thống kê, KDC đã giảm khoảng 10% trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Một trường hợp khác là HBC (Xây dựng Hòa Bình). Theo kết quả kinh doanh quý III vừa được doanh nghiệp công bố thì doanh thu và lợi nhuận tăng lần lượt là 57% và 93%., tương đương 10.960 tỷ đồng và 616 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh ấn tượng nhưng HBC lại ghi nhận chuỗi giảm điểm khá mạnh, từ mức giá 64.000 đồng mỗi cổ phiếu xuống hiện chỉ còn 53.000 đồng mỗi cổ phiiếu.
Tương tự, mã QCG (của Công ty Quốc Cường Gia Lai) cũng nằm trong tình trạng bán ra khá mạnh dù kết quả kinh doanh mà doanh nghiệp vừa công bố tương đối sáng sủa.
Theo đó, lợi nhận 9 tháng qua của doanh nghiệp đạt 490 tỷ đồng (tăng 12 lần so với cùng kỳ) nhưng QCG vẫn có 4 phiên giảm mạnh, từ mức 16.500 đồng mỗi cổ phiếu xuống xuống chỉ còn 12.650 đồng mỗi cổ phiếu trong phiên giao dịch sáng nay (31/10).
Tính từ đầu tuần đến nay, Vn-Index đã tăng hơn 25 điểm. Nếu tính từ đầu tháng 10, chỉ số này tăng hơn 45 điểm. Tuy nhiên, thống kê trong tháng 10, có đến một nửa số cổ phiếu giảm giá. Nếu tính số cổ phiếu có thanh khoản trung bình trở lên thì số mã giảm giá đến 80%.
Điều này cho thấy, 80% nhà đầu tư thua lỗ, bất chấp việc Vn-Index liên tục chinh phục những mốc mốc điểm số không tưởng.
Theo Zing