Sự việc ông chủ Khaisilk tuyến bố có bán hàng Trung Quốc nhưng nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ khiến nhiều người giận dữ và lên án. Nhiều người thậm chí kêu gọi tẩy chay thương hiệu này. Một số khác thì tỏ ra tiếc cho một thương hiệu đã gây dựng hàng chục năm bỗng lao đao trong chốc lát.
Ông Trần Bằng Việt, Phó chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu (JCI) tại Việt Nam, CEO Dong A Solutions (doanh nghiệp tư vấn chiến lược phát triển cho doanh nghiệp), cho rằng Khaisilk sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự việc vừa qua.
Theo vị này, tập khách hàng của họ là những khách du lịch nước ngoài đến với Hà Nội, đối tượng thường chỉ đến một lần, muốn mua một món quà sau chuyến đi. Đối tượng cũng không phải là những người đang tỏ thái độ gay gắt trên Facebook.
“Ngắn hạn họ có thể bị tác động, bị suy giảm 10-20% doanh số khoảng vài tháng. Tuy nhiên về dài hạn, việc tác động sẽ mất dần và không đáng kể nữa.
Tôi nghĩ tập tính của người Việt có phần theo đám đông và nhanh quên. Hôm nay có thể ồn ào, giận dữ, lên án… nhưng khoảng một thời gian sau có thể quên và không còn gì cả”, ông Việt nhấn mạnh.
Ông Việt phân tích về bản chất, ông Khải đã sai không còn bàn cãi. Doanh nhân Hoàng Khải có thể bị xử lý hình sự vì lừa dối về xuất xứ hàng hóa.
Doanh nhân Hoàng Khải. |
Nhưng về mặt bản chất, ông ấy không bán hàng giả, không đi lấy tiền của người này, người kia. Người tiêu dùng được lựa chọn sản phẩm, có thể đeo thử, mặc thử, có thể chọn thoải mái sau đó với mua. Cái ông ấy sai là dối về mặt xuất xứ hàng hóa để bán hàng dễ hơn.
Có thể thấy uy tín của riêng doanh nhân Khải bị ảnh hường nhiều hơn là thương hiệu lụa của ông ấy.
Cũng theo ông Trần Bằng Việt, ông Hoàng Khải được nhiều người công nhận là có tài về thẩm mỹ. Theo đó, thay vì mua đi bán lại vải như hiện nay, ông Khải có thể vực dậy và làm tăng giá trị của sản phẩm bằng chính khả năng thẩm mỹ của mình.
Ông Khải có thể sáng tạo ra nhiều mẫu mã, thiết kế đẹp với chất lượng tốt phục vụ khách hàng. Như vậy dư luận sẽ bớt phần lên án và sẽ thông cảm hơn. Ông ấy có thể nhập hàng xuất xứ nhiều nơi nhưng có năng lực chọn lựa, ai mua của ông ấy không sợ lỗi mốt, hàng xấu… thì sẽ nhanh chóng lấy lại được vị thế.
Ngoài ra, Khaisilk có thể phát triển theo mô hình sang Trung Quốc và các vùng sản xuất lụa nổi tiếng đặt hàng, chọn mẫu mã, chủng loại, sau đó nhập về Việt Nam để thiết kế, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, phải rõ ràng nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm với khách hàng.
Nếu sản phẩm 100% Trung Quốc phải gắn mác “made in China”.
“Cũng có thể công khai nguyên liệu vải được sản xuất tại Trung Quốc nhưng nhập về Việt Nam may và làm ra sản phẩm… Quan trọng là phải minh bạch thông tin để người tiêu dùng lựa chọn”, ông Việt nhấn mạnh.
Chuyên gia gợi ý Khaisilk có thể dựa vào tài năng của ông Hoàng Khải để vực lại thương hiệu. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Ông Việt cũng gợi ý ông Khải có thể chọn một nhà cung ứng nào đó tại Trung Quốc và lập luôn một liên doanh sản xuất. Thậm chí là mua lại công ty đó để cung ứng nguyên liệu cho mình. Như vậy lập ra một dây chuyền sản xuất mà trước nay ông Khải không đầu tư, cũng chưa ai làm.
“Mô hình của Khaisilk hiện nay mới chỉ tập trung làm thương hiệu, bán sản phẩm. Góc độ thương mại là mua đầu này, bán đầu kia với một chi phí tối thiểu với giá trị cộng thêm không nhiều, do đó không bền vững. Sự không bền vững đã xảy ra vấn đề vào thời điểm hiện tại và cần thay đổi”, ông Việt nhấn mạnh.
Chính ông Khaisilk cho biết vẫn sẽ bán lụa và vực dậy thương hiệu. Nhiều người tỏ ra băn khoăn với cuộc khủng hoảng này, không biết Khaisilk sẽ đứng dậy như thế nào khi đã mất niềm tin ở người tiêu dùng.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông và thương hiệu, ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch Công ty truyền thông NBN Media, cho rằng đã đến lúc Khaisilk phải thay đổi chính bản thân mình để phù hợp với sự lớn mạnh của một thương hiệu lớn.
Không chỉ Khaisilk mà toàn bộ các công ty Việt Nam khác, khi đã lớn lên một mức độ nào đó cần có phương án phát triển bền vững, lâu dài. Lề lối làm việc của một doanh nghiệp nhỏ và một doanh nghiệp lớn phải khác nhau. Càng là doanh nghiệp lớn, việc làm ăn càng phải chuyên nghiệp.
Chuyên gia cho rằng Khaisilk cần thay đổi mô hình quản trị sau khi đã trở thành doanh nghiệp lớn. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Khi doanh nghiệp phát triển đến mức cực kỳ lớn, phải tự đề ra cho mình những giá trị mà thậm chí người tiêu dùng, luật pháp cũng không đòi hỏi.
Ví dụ, một số doanh nghiệp nhập khẩu cà phê trên thế giới yêu cầu không sử dụng lao động trẻ em trong các đồn diền, không phá rừng để trồng cà phê. Hoặc họ giúp đỡ các hộ nông dân trồng cà phê sạch và chất lượng cao, khi đó họ mới nhập khẩu.
Ông Nguyễn Bá Ngọc cho rằng Khaisilk phải thay đổi lề lối quản trị và mô hình doanh nghiệp trong giai đoạn hiện tại, nếu muốn phát triển.
Ngoài ra, phải đầu tư cho những bộ phận mà khi còn nhỏ, doanh nghiệp chưa có như nghiên cứu và phát triển, cung ứng sản phẩm nguyên liệu… Hệ thống nên vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.
Doanh nghiệp cũng cần quay lại kiểm soát mọi khâu để phòng ngừa rủi ro, minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, nguồn nguyên liệu ở đâu. Tất cả cần được công khai minh bạch cho người tiêu dùng biết để họ lựa chọn.
Theo Zing