Ngày mai (25/10), Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu sẽ có buổi làm việc với Bộ NN&PTNT. Bộ này sẽ báo cáo Tổ công về việc bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và hoạt động kiểm tra chuyên ngành hàng hóa trong thời gian vừa qua.
Theo Bộ NN&PTNT, trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%). Trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện.
Để thực hiện, Bộ ban hành Kế hoạch thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung 4 Nghị định và sẽ hoàn thành vào quý II/2018.
Bộ NN&PTNT đề xuất giảm thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Báo Hải Quan. |
Đối với 2 Pháp lệnh, 3 Nghị định có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ được sửa đổi, bổ sung theo tiến độ của chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội.
Bộ tiếp tục rà soát sâu hơn đối với 508 thủ tục hành chính còn hiệu lực, đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục hành chính (chiếm 56,5 %). Trong đó bãi bỏ 81 thủ tục hành chính.Ngoài ra Bộ còn có đơn giản hóa 205 thủ tục hành chính khác.
Riêng đối với 3 văn bản liên quan đến lâm nghiệp, thủy sản sẽ hoàn thành vào Quý III/2018.
Với hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, các cơ quan thuộc Bộ thực hiện 40 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Trong đó gồm 32 liên quan đến hàng hóa nhập khẩu và 8 liên quan đến hàng hóa xuất khẩu.
Hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật giúp doanh nghiệp giảm khoảng 654,4 tỷ đồng . Ảnh: Báo Hải Quan. |
Bộ NN&PTNT cho biết thời gian kiểm tra chuyên ngành sẽ rút ngắn. Như đối với kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu, thời gian rút ngắn 5-7 ngày làm việc xuống còn 8 giờ/lô hàng. Nhiều lô hàng được cấp giấy chứng nhận trong 2-3 giờ, tiết kiệm cho doanh nghiệp 15-20% chi phí.
Đối với kiểm dịch thực vật, thời gian giải quyết là 24 giờ thực tế đã rút ngắn xuống còn không quá 4 giờ đối với hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường hàng không và không quá 10 giờ đối với đường biển.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, không có tình trạng độc quyền.
Thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát để xem xét cắt bỏ lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật (tiết kiệm chi phí khoảng 9,5 tỷ đồng/năm).
Theo Zing