Chiều 23/10, Chính phủ có tờ trình Quốc hội về Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Dự thảo sẽ bổ sung một số nội dung liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó, bãi bỏ quy định về hành vi “bán hàng đa cấp bất chính” và “phân biệt đối xử của hiệp hội”, do các hành vi này không phản ánh đúng bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Dự thảo Luật bổ sung thêm hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính”. Chính phủ cho rằng hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính” có xu hướng xảy ra ngày càng phổ biến, và là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Ngoài ra, Dự thảo mở rộng phạm vi điều chỉnh, do thực tế xuất hiện một số vụ việc cạnh tranh được thực hiện ở nước ngoài, nhưng có ảnh hưởng nhất định đến thị trường Việt Nam. Ví dụ, thỏa thuận ấn định phí và phụ phí vận chuyển tàu biển giữa các hãng tàu lớn của nước ngoài có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam.
Hoặc có thể kể đến các thương vụ mua bán, sáp nhập có giá trị giao dịch lớn được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhưng tác động tới thị trường Việt Nam. Điển hình như thương vụ Tập đoàn Abbott mua lại Công ty dược phẩm CFR; Tập đoàn Boehringer Ingelheim International mua lại Sanofi SA trong lĩnh vực thuốc thú y…
Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sẽ làm rõ khái niệm "lôi kéo khách hàng bất chính". Ảnh minh họa: Tiến Tuấn. |
Để bảo vệ môi trường cạnh tranh tại Việt Nam, Dự thảo Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động, hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam”.
Đối tượng áp dụng cũng được mở rộng. Ngoài tổ chức, cá nhân kinh doanh và hiệp hội ngành nghề, còn có “cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan”, bao gồm cả các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính”.
Dự thảo luật còn có quy định cấm đối với hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường được điều chỉnh theo hướng nhấn mạnh vào hậu quả, tác động hạn chế cạnh tranh.
Trong báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm, để đảm bảo tính khả thi.
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, có ý kiến cho rằng nếu hành vi của doanh nghiệp thống lĩnh thị trường “có thể dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh” mới coi là vi phạm Luật Cạnh tranh. Tức là phải chứng minh tình huống giả định sẽ xảy ra trong tương lai, thì mới xử phạt được doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.
Theo Zing