Nếu giao dịch thành công, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại HAG xuống còn gần 324,7 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 35,02% vốn. Phương thức giao dịch là thỏa thuận.
Đây là quyết định có phần mâu thuẫn với những tuyên bố trước đó, ông Đức luôn khẳng định sẽ không bao giờ bán cổ phiếu HAG.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2017, ông Đức từng chia sẻ rằng: “Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ HAG. Những cổ phiếu bị pha loãng trước đây tôi cam đoan sẽ mua lại hết trong thời gian sớm nhất”.
Ông chủ HAGL còn nói rằng bản thân sở hữu cổ phiếu, nhiều năm không giảm tỷ lệ. Vì hoán đổi nợ cho Temasek nên mới chấp nhận pha loãng. Số cổ phiếu này hạn chế chuyển nhượng một năm nhưng được cam kết đầu tư dài hạn.
Nếu bán, ông là người mua, và kêu gọi cổ đông yên tâm vì số cổ phiếu này không bao giờ được bán ra thị trường.
"Tôi xin chia sẻ rằng HAGL là một doanh nghiệp đặc biệt, không ai trong ban lãnh đạo bán cổ phiếu hay sở hữu riêng doanh nghiệp nào. Nếu ai tìm thấy ông Đức hay ban lãnh đạo sở hữu cổ phần nào ở đâu, có chuyển quyền lợi của cổ đông ra ngoài hay không thì tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm”, ông Đức cam đoan.
Diễn biến giá cổ phiếu HAG từ đầu năm đến nay. Nguồn: Stockbiz |
Tuy nhiên để đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp, bầu Đức đã đi ngược với tuyên bố của mình.
Được biết, theo báo cáo tài chính bán niên 2017 của HAGL, bầu Đức dùng gần 145 triệu cổ phiếu HAG làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay là trái phiếu cho các trái chủ, gồm Ngân hàng TMCP Bản Việt, Ngân hàng Bắc Á, BIDV, HDBank và VPBank.
HAGL cũng đã công bố hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm với doanh thu hợp nhất 3.982 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.188 tỷ đồng. Riêng quý III, doanh thu hợp nhất của HAGL là 1.505 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 166 tỷ đồng.
Điểm tích cực nhất trong hoạt động kinh doanh của HAGL 9 tháng qua là thay đổi cơ cấu ngành nghề để tạo thanh khoản.
Bầu Đức đã có thu hàng trăm tỷ đồng từ chuối xuất khẩu. Ảnh: HAGL |
Cụ thể, doanh nghiệp này đã trồng hơn 17.000ha cây ăn quả và gia vị; đầu tư hệ thống 83 kho lạnh bảo quản sau thu hoạch, với diện tích 13.500m2 tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Trung Quốc; cũng như hoàn tất ký hợp đồng phân phối chuối, thanh long và ớt với các đối tác lớn.
Phần lớn các mảng kinh doanh đều tạo ra dòng tiền.
Tổng diện tích cây ăn quả và gia vị HAGL đã thu hoạch là hơn 2.000ha, mang lại doanh thu hơn 1.289 tỷ đồng. Công ty của bấu Đức cũng đã đưa vào khai thác hơn 1.000ha cao su, mang về sản lượng 10.100 tấn, tương ứng 401 tỷ đồng doanh thu.
Với hoạt động chăn nuôi, doanh thu mang về 654 tỷ đồng.
Riêng bất động sản, HAG đã khai thác giai đoạn 1 khu phức hợp HAGL tại Yangon Myanmar, đạt doanh thu 1.011 tỷ đồng. Giai đoạn 2 đang xây dựng và ký kết hợp đồng cho thuê phần diện tích thương mại. Các ngành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ khác cũng mang về cho HAG 636 tỷ đồng doanh thu.
Đặc biệt, công ty hoàn thành việc đàm phán với các chủ nợ, đảm bảo áp lực trả lãi và gốc vay được thực hiện theo tiến độ khai thác vườn cao su và dầu cọ, bắt đầu từ năm 2019.
Công ty đồng thời triển khai đồng bộ việc bán tài sản, thu hồi các khoản phải thu, hoán đổi nợ và trái phiếu liên quan đến Temasek trong 9 tháng qua, nhằm giảm số dư nợ vay.
Tổng nợ vay giảm mạnh từ 27.300 tỷ đồng xuống mức 23.100 tỷ đồng, tức giảm 4.200 tỷ đồng.
HAGL đã hoàn thành xin ý kiến cổ đông về phương án phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu và tái cơ cấu nguồn vốn thông qua hoán đổi 500 tỷ đồng nợ và bán tài sản không thuộc lĩnh vực ưu tiên, để tiếp tục giảm nợ và tăng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Cụ thể là hoàn thành tái cơ cấu để ưu tiên nguồn lực tập trung vào khai thác quy mô lớn diện tích trái cây. Tiếp tục tái cấu trúc nợ và tập trung giảm thêm 800 tỷ đồng nợ; đưa tổng nợ vay xuống dưới 22.300 tỷ đồng vào cuối năm 2017.
HAGL cho biết tiếp tục trồng mới 2.000ha cây ăn quả; đầu tư hệ thống kho bãi và logistics; đưa vào thu hoạch 3.800ha cây ăn quả...
Theo Zing