Phúc An Khang là một chuỗi bán lẻ dược phẩm quy mô trung bình tại TP.HCM với khoảng 20 cửa hàng, được thành lập từ năm 2006.
Cách đây 10 ngày, Thế Giới Di Động (TGDĐ) đã đăng tin tuyển dụng nhân sự trong ngành dược phẩm để chuẩn bị cho việc lấn sân sang kinh doanh mảng dược phẩm mà lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ đầu năm.
Hệ thống nhà thuốc Phúc An Khang hiện có khoảng 20 cửa hàng tại TP.HCM. |
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2017, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT của TGDĐ đã chia sẻ về việc lấn sân sang kinh doanh bán lẻ được phẩm.
Ông Tài cho biết có thể thử nghiệm chuỗi cửa hàng bán dược phẩm. Hướng của doanh nghiệp đi vào ngành này là mua bán sáp nhập. Thay vì mất 2-3 năm hiểu về mô hình thì công ty sẽ tìm kiếm đơn vị chuyên về mảng sản phẩm đó để tiến hành M&A, trong đó đặc biệt ưu tiên những đơn vị có 10-15 cửa hàng.
TGDĐ cũng dự kiến dành khoảng 500 tỷ đồng để mua 20-40% cổ phần của các chuỗi bán lẻ dược phẩm sẵn có, sau đó sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 60%. Đến thời điểm chín muồi sẽ biến chuỗi 10-15 cửa hàng lên 500 cửa hàng.
Người đứng đầu TGDĐ cũng từng nhận định thị trường phân phối dược phẩm vẫn chưa có chuỗi cửa hàng nào chiếm lĩnh đến 20% thị phần. Điều này đồng nghĩa với việc “thủ lĩnh” của thị trường dược vẫn chưa có. Nếu phải dành ra nhiều năm để tìm hiểu và xây dựng từ đầu, cơ hội có thể sẽ rơi vào tay người khác, đặc biệt khi những ứng viên đang nhăm nhe tiến vào thị trường.
Biến động cổ phiếu Thế Giới Di Động từ đầu năm đến nay. |
Hiện tại thị trường bán lẻ dược phẩm mới xuất hiện một số chuỗi phân phối như Phano Pharmacy, Pharmacity hay PAK Pharmacy. Các hệ thống này có vốn điều lệ ở mức vài chục tỷ cho tới 120 tỷ đồng.
Đứng đầu thị trường dược phẩm hiện nay là Phano Pharmacy, một công ty khá trẻ trong ngành công nghiệp bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam. Đơn vị này hiện có 49 cửa hàng trên toàn quốc, với độ bao phủ tại 12 tỉnh thành.
Tuy nhiên, Phano Pharmacy hiện mới chỉ có mặt từ khu vực miền Trung trở vào, trọng tâm là thị trường phía Nam. Đơn vị này được biết đến nhiều nhất tại TP.HCM với 28 cửa hàng; tại một số tỉnh khác như An Giang, Kiên Giang, Cà Mau mật độ 2-4 cửa hàng.
Đứng thứ 2 là Pharmacity, thuộc quản lý của Công ty CP Dược phẩm Pharmacity - một công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ thuốc tây, thực phẩm chức năng mới hoạt động từ năm 2012.
Công ty này do 4 cổ đông cá nhân sở hữu, trong đó cổ đông lớn nhất là bà Phạm Thị Thanh Hoài với 86,63% cổ phần. Dù mới hoạt động được 5 năm, hệ thống này đang có 39 cửa hàng tại TP.HCM.
Tính đến cuối tháng 9, TGDĐ có 1.779 siêu thị, trong đó có 1.058 siêu thị Thegioididong, 531 siêu thị Điện máy Xanh. Lợi nhuận tăng 34% cùng kỳ năm trước, đạt 1.635 tỷ đồng. So với kế hoạch cả năm, doanh nghiệp đã hoàn thành 75% doanh thu và 74% lợi nhuận năm.
Ngoài dược phẩm,TGDĐ cũng đang thực hiện M&A chuỗi điện máy Trần Anh. Doanh nghiệp này đã cử hai nhân sự cấp cao tham gia vào bộ máy này.
Theo Zing