Những tin đồn bị Khaisilk xù nợ 2.500 tỷ đồng tại dự án ở quận 7 (TP.HCM), kết quả kinh doanh giảm sút trong quý III và quý IV khiến Chủ tịch và HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình phải lên tiếng trấn an cổ đông và nhà đầu tư.
Chủ tịch Lê Viết Hải và cả HĐQT Hòa Bình đều khẳng định kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đang tăng trưởng, hoạt động của tập đoàn hoàn toàn ổn định và phát triển theo đúng kế hoạch, thậm chí là rất tốt.
Trên thực tế, nhìn vào kết quả kinh doanh quý III của “đại gia” xây dựng này, có thể thấy lợi nhuận của công ty đang tăng trưởng đúng như ông Lê Viết Hải khẳng định.
9 tháng đầu năm, Hòa Bình ghi nhận gần 11.000 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 57% so với cùng kỳ. Khoản lợi nhuận sau thuế tăng mạnh tới gần 93% đạt 616 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để làm ra 11.000 tỷ đồng doanh thu thuần trong 9 tháng qua, Hòa Bình cũng đang có khoản nợ phải trả hơn 11.000 tỷ đồng.
Khoản nợ phải trả hiện nay của Hòa Bình đã gấp 5 lần vốn chủ sở hữu chỉ hơn 2.235 tỷ đồng. Thậm chí, số nợ phải trả đã chiếm tới 83% tổng tài sản của tập đoàn. Điều này đồng nghĩa với việc, cứ 100 đồng tài sản kinh doanh thì Hòa Bình đang phải đi vay tới hơn 80 đồng.
Không giống những công ty xây dựng khác, Hòa Bình sử dụng phương pháp hạch toán số tiền khách hàng phải trả theo tiến độ kế hoạch. Theo đó, số tiền Hòa Bình phải thu tại các dự án sẽ tương ứng với phần công việc đã hoàn thành mà tập đoàn tự xác định trong hợp đồng xây dựng dở dang.
Ngoài ra, lợi nhuận tăng mạnh nhưng biên lợi nhuận gộp lại giảm từ 11% xuống 9,5%. Cùng với đà tăng lên của doanh thu, các khoản phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng cũng tăng lên gần 2.250 tỷ đồng so với đầu năm đạt hơn 5.150 tỷ đồng.
Trong cơ cấu hơn 11.000 tỷ đồng nợ phải trả của Hòa Bình, có hơn 10.200 tỷ đồng là nợ ngắn hạn và chỉ 953 tỷ đồng nợ dài hạn.
Đặc biệt, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 3.925 tỷ đồng, tăng hơn 1.200 tỷ đồng so với cùng kỳ đang là áp lực lớn nhất đối với đối với Hòa Bình. Đây cũng là nguyên dân nhấn tới chi phí tài chính, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay của Hòa Bình tăng mạnh từ 105 tỷ đồng lên 188 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số khoản nợ ngắn hạn nghìn tỷ khác của Hòa Bình phải kể tới 2.081 tỷ đồng tiền người mua trả tiền trước ngắn hạn, 1.948 tỷ đồng tiền phải trả người bán ngắn hạn và 1.628 tỷ đồng chi phí phải trả trong ngắn hạn.
Tính đến hết ngày 30/9, chủ nợ lớn nhất tại Hòa Bình đang là Vietinbank, với số dư cho vay đạt 1.307 tỷ đồng; tiếp đến là BIDV với khoản dư nợ 1.255 tỷ đồng. Vietcombank cũng đang cho Hòa Bình vay 341 tỷ đồng. Còn lại hơn 923 tỷ đồng vay từ các ngân hàng khác cùng 98 tỷ đồng từ cá nhân, cán bộ công nhân viên…
Tất cả các khoản nợ này sẽ đến hạn phải trả trong vòng 1 năm kể từ 30/9 năm nay. Điều này có thể sẽ là áp lực trả nợ rất lớn đối với Hòa Bình.
Hiện nay, doanh nghiệp cũng đang sử dụng các khoản phải thu của mình để làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng, mà theo tập đoàn, đó là một hình thức “vay tín chấp”.
Các khoản đầu tư ngắn hạn và các khoản phải thu ngắn hạn mà Hòa Bình sử dụng làm tài sản thế chấp lên tới gần 7.800 tỷ đồng, tỷ lệ vay so với giá trị tài sản của Hòa Bình là 50%.
Có thể thấy, áp lực phải trả nợ trong vòng 1 năm tới với “ông lớn” ngành xây dựng Hòa Bình là rất lớn. Tuy nhiên, với tỷ lệ vay trên tài sản đảm bảo chỉ 50% cùng với với khoản tài sản ngắn hạn cũng đạt trên 11.000 tỷ đồng. Chỉ số thanh toán trong ngắn hạn của Hòa Bình này thì tập đoàn vẫn đang trong ngưỡng an toàn.
Trên sàn chứng khoán, sau khi Chủ tịch Lê Viết Hải viết tâm thư và HĐQT đính chính các tin đồn thất thiệt, cổ phiếu HBC đã có dấu hiệu hồi phục.
Cụ thể, phiên giao dịch ngày 3/11, HBC đã có phiên tăng trần đạt 51.400 tỷ đồng/cổ phiếu.
Theo Zing